Có điều, ít ai biết đằng sau thành công của ông chủ “vàng” này là cô vợ Cao Thị Mỹ Vàng - người mà ông gọi là “vàng mười” trong cuộc đời mình.
Cuộc tình của hai người đến như “tiếng sét ái tình” và chóng vánh tiến tới hôn nhân. Giọng nửa đùa nửa thật, Hùng Cửu Long kể lại khi vừa gặp nhau và nghe tên Mỹ Vàng, anh đã biết chắc chắn mình sẽ cưới cô gái này làm vợ. Thay chồng đứng mũi chịu sào, chị đã vực dậy thương hiệu Cửu Long Jewelry khỏi bãi lầy nợ nần, người phụ nữ này vẫn luôn tỏ ra lép vế trước chồng.
10 triệu đồng cho 1 đám cưới
Có những lời đồn thổi về giới tính của chồng, vậy mà chị quyết định đi tới hôn nhân chỉ sau 1 tuần gặp gỡ, liệu có vội vàng?
Đúng là thời gian quen nhau khá ngắn. Chúng tôi gặp nhau trong chuyến công tác ở Đà Nẵng vào cuối năm 2008. Về lại Sài Gòn, anh ấy có mời tôi đến công ty chơi, rồi hỏi cưới. Anh Hùng nói sau lần đầu tiếp xúc, anh đã biết tôi là vợ của anh ấy. Thông tin về giới tính của anh Hùng khá nhiều. Sếp cũ của tôi cũng hỏi liệu tôi có hối hận không? Thời điểm đó, tôi sắp sang tuổi 30. Cũng đến lúc phải lập gia đình.
Là một doanh nhân giao thiệp rộng nhưng đám cưới của Hùng Cửu Long lại diễn ra khá yên ắng?
Gần đến ngày cưới, anh Hùng đưa cho tôi 10 triệu đồng, đủ làm bữa cơm thân mật, ra mắt hai bên gia đình. Lúc đó, anh Hùng đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Về tình trạng tài chính của Cửu Long Jelwery, chị biết từ khi nào?
Trước đám cưới, nhưng cũng chỉ biết được chút ít thôi.
Trục trặc kinh doanh xuất phát từ đâu?
Doanh số khá tốt khiến anh Hùng tham vọng mở rộng hệ thống, đỉnh điểm là 27 cửa hàng. Anh tư duy khá đơn giản rằng doanh số sẽ nhân lên theo điểm bán hàng.
Cửu Long hợp tác với một số nhà bán lẻ, chẳng hạn như hệ thống Parkson. Nhà bán lẻ này bành trướng đến đâu, mình phải theo đến đó. Họ mở 7 trung tâm thương mại, chúng tôi phải có 7 cửa hàng, bất kể có cân đối được không. Thêm cửa hàng đòi hỏi tăng đầu tư, trong khi thị trường không phản ứng đúng như kỳ vọng.
Sức mua rất yếu, dòng tiền lại chậm, một phần do cửa hàng ở Parkson không được thu trực tiếp từ khách. Tiền bán hàng sẽ đưa vào hệ thống của Parkson, rồi họ chuyển tiền cho mình định kỳ một tháng hai lần sau khi khấu trừ các loại chi phí. Sức kinh doanh của mình đã yếu mà tiền thu về còn chậm thì phải sụp đổ thôi.
Việc bành trướng chuỗi cửa hàng cũng là một tín hiệu cho các đối tác biết rằng Cửu Long đang hoạt động tốt?
(Nhìn chồng như dò hỏi) Theo anh Hùng thì đó cũng là một phần.
Nói tiếp về chuyện tiếp quản vị trí điều hành của chị, có phải vì vậy mà cô dâu mới không có thời gian tận hưởng dư vị ngọt ngào sau hôn nhân?
Tôi ngồi vào vị trí điều hành như một giải pháp tình thế. Anh Hùng rất hạn chế xuất hiện, ngồi lì trong phòng, viết sách Mr Thất Bại, kể lại câu chuyện kinh doanh của mình như một sự giải thoát chứ chẳng màng đi đâu. Thứ nhất là không có tiền để đi. Thứ hai là không biết đi đâu. Thứ ba là với tâm trạng đó, đi đâu cũng chán. Thứ tư là lỡ gặp chủ nợ, khó ăn khó nói.
Tiền nợ lên đến bao nhiêu vậy chị?
Gần 80 tỉ đồng.
Vậy chị xoay xở thế nào?
Ngoài 5 năm kinh nghiệm bán hàng nữ trang cho một công ty nước ngoài, tất cả với tôi đều rất mới. Anh Hùng kêu tôi đi học một khóa ở VietnamMarcom. Ba tháng sau đám cưới, tôi có bầu. Tin dữ dồn dập đổ về. Lương nhân viên còn khất được, chứ tiền thuê mặt bằng thì không. Cửa hàng đóng cửa hàng loạt, tôi phải đứng ra dọn dẹp và nản lắm.
Ngoài cửa hàng ở Vũng Tàu, điểm giao dịch cuối cùng ở thành phố đặt tại Vincom (đường Đồng Khởi, Q.1) được gia hạn thêm 10 ngày. Nếu không nộp đủ 100 triệu đồng, thương hiệu Cửu Long Jewelry sẽ thật sự biến mất. Theo lời chồng, tôi vay mượn bà con, mỗi nơi một ít. Dần dà, một số giao dịch thành công, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, mà thị trường vốn rất nhạy nên nhiều nhà hàng tiệc cưới bắt đầu liên lạc với mình.
Có bầu 8 tháng vẫn phải đi kiếm tiền trả nợ
Nhưng đâu có ai cho không ai cái gì?
Đương nhiên. Chúng tôi hỗ trợ đối tác một phiếu mua nhẫn cưới trị giá 2 triệu đồng, làm quà khuyến mãi cho khách hàng đặt tiệc cưới tại nhà hàng của họ. Hàng năm, họ làm sự kiện, mình còn tham gia tài trợ bằng sản phẩm. Họ đâu mất gì. Đổi lại, họ sắp xếp cho mình một chỗ đặt tủ trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Hiện nay, hầu hết các nhà hàng tiệc cưới ở thành phố đều là đối tác của chúng tôi, trong đó phân nửa là ký độc quyền. Đấy là chưa kể những nhà cung cấp dịch vụ cưới như xe cưới, ảnh cưới, hoa cưới... Với anh Hùng, phiếu tặng quà đến giờ vẫn là ý tưởng kinh doanh hay ho nhất. Phiếu mua hàng có thể cất gọn trong ví, bỏ thì tiếc, thành ra nó trở thành động cơ dẫn dụ khách hàng ghé thăm showroom của mình.
2 triệu đồng có vẻ như chẳng thấm tháp gì so với giá bán đắt đỏ của nữ trang Cửu Long?
Đúng là Cửu Long từng định vị ở phân khúc giá cao. Biên độ giá cả dao động từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Giá cao nên khó bán nhiều, chưa kể hành vi tiêu dùng bị tác động của khủng hoảng kinh tế từ năm 2008. Mặt khác, mình không có tiền trả thì các nhà cung cấp cũng tạm dừng cho mình “gối đầu” nguyên liệu. Tình thế buộc chúng tôi chuyển hướng, gia công nhẫn cặp có giá từ 10 triệu đồng trở xuống. Nhẫn cưới là món đồ không thể thiếu khi người ta lập gia đình. Thế nên phiếu mua hàng 2 triệu đồng mới có ý nghĩa.
Vậy còn sức ép của các chủ nợ thì sao?
Khi biết tôi là vợ anh Hùng thì nhiều chủ nợ đến tìm tôi. Tuy họ không dữ tợn nhưng cũng “rát mặt” lắm.
Phải chăng lúc ấy chồng chị lánh mặt chủ nợ?
Chồng tôi không trốn chạy. Họ đến văn phòng thì hai vợ chồng cùng tiếp, xác nhận có đúng chủ nợ hay không, bởi nhiều người trong số đó tôi chưa từng tiếp xúc.
Phương án trả chậm có được thực hiện nghiêm túc?
Thật ra, mình cũng trễ hẹn nhiều chứ. Nhưng nếu gần đến hạn mà chưa xoay xở kịp thì chủ động thông báo với chủ nợ. Mình phải thành thật, cố gắng tạo niềm tin cho chủ nợ rằng mình có thiện chí trả nợ. Không cho cơ hội thì chỉ còn cách lấy mạng anh Hùng.
Chủ nợ cần tiền chứ đâu cần cái mạng của chồng chị. Khất hoài thì ai tin?
Số lượng đơn hàng tăng lên là cơ sở để chúng tôi thuyết phục các chủ nợ chấp thuận phương án trả nợ dần dần. Cũng chính nhờ nó mà những đối tác đồng ý giải phóng hàng trưng bày của chúng tôi, vốn bị họ giữ lại trước đó do thiếu tiền mặt bằng.
Những sản phẩm bị “giam lỏng” có nhiều loại. Nhóm hàng cao cấp, tôi đưa về tỉnh, bổ sung vào bộ sưu tập của một số khách quan trọng và thân quen. Họ biết Cửu Long sẽ ngừng sản xuất dòng sản phẩm này. Lúc đó, tôi có bầu tám tháng, bụng lặc lè vẫn phải đi xe đò giao hàng dưới Kiên Giang.
Nhóm sản phẩm hạng trung thì nấu lại, bán ra thị trường đúng thời điểm giá vàng lên. Phần còn lại chúng tôi phân kim, làm nguyên liệu gia công thành những món nhỏ hơn. Bán hàng nữ trang 5 năm, tôi biết rõ thị hiếu của khách. May mắn là anh Hùng có một đội thợ gia công lành nghề, không bỏ anh ấy trong giai đoạn khó khăn nhất. Khách quen chuộng hàng của Cửu Long cũng vì đội thợ này.
Hiện tại, “sức khỏe tài chính” của thương hiệu Cửu Long như thế nào?
Chúng tôi trả dứt nợ từ năm 2012. Thế nên, trông anh Hùng bây giờ trẻ và dễ chịu hơn (đưa mắt về phía chồng). Thời còn mang nợ, ảnh rất dễ nổi nóng.
Có thể hình dung thế nào về hướng đi sắp tới của Cửu Long, thưa chị?
Chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung vào phân khúc nhẫn cưới. Thế thương lượng đã khác, trong năm nay chúng tôi sẽ sàng lọc lại đối tác, giữ lại những hợp đồng hiệu quả. Trong năm nay, chúng tôi sẽ mở thêm hai cửa hàng ở Đà Nẵng và Hà Nội.
Liệu cơn ác mộng mở rộng chuỗi cửa hàng trước năm 2008 có quay trở lại?
Khác chứ, hai cửa hàng ở miền Trung và miền Bắc được chuẩn bị kỹ hơn nhờ đã có sẵn thị trường. Mình cần có điểm giao dịch để khách đến đo ni. Không lẽ mua cặp nhẫn cưới mấy triệu đồng mà phải vào đến Sài Gòn thử kích thước. Sau hai cửa hàng này, chúng tôi sẽ ngưng đầu tư điểm giao dịch ở thị trường nội địa.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Theo Thebox.vn