Có gan làm giàu
Nhớ lại những ngày đầu nhiều khó khăn, "tỷ phú sầu riêng" kể: “Năm 1976, khi mới ra riêng vợ chồng tôi được cha mẹ cho đúng 5 công đất ruộng. Gần 10 năm làm ruộng nhưng vẫn không đủ ăn. Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng từ lúa sang mía, rồi cam sành, trong một lần sang huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) thấy người ta khấm khá nhờ mô hình trồng sầu riêng, từ đó tôi nuôi ý định chuyển sang trồng loại cây này”.
Nghĩ là làm, ông Sáu bắt tay vào cải tạo lại vườn, chuyển toàn bộ 5 công đất ruộng sang trồng sầu riêng, với khoảng 100 gốc. Đồng thời, ông đến nhiều nơi có diện tích sầu riêng lớn như: Chợ Lách (Bên Tre); Kế Sách (Sóc Trăng) để học hỏi kinh nghiệm về áp dụng vào vườn cây nhà mình.
|
Với 3ha sầu riêng, ông Sáu thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Chúc Ly |
Sau gần 4 năm miệt mài với vườn sầu riêng, ông đã thu hoạch đợt trái đầu tiên. Những năm sau đó, vườn sầu riêng của ông Sáu trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả nhất ở xã. Dần dần, ông mua thêm đất và mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên khoảng 3ha. Hiện nay, vườn sầu riêng của ông cho năng suất khoảng 15 tấn/ha, tăng khoảng 5 tấn so với những năm trước. Với giá bán vào mùa thuận từ 25.000-30.000 đồng/kg, mùa nghịch từ 70.000-80.000 đồng/kg, trừ chi phí ông Sáu thu lãi 700-800 triệu đồng/năm. Riêng năm vừa rồi ông thu lãi trên 1 tỷ đồng nên ông Sáu đang lên liếp chuẩn bị trồng thêm 2ha nữa.
Nức tiếng sầu riêng Sáu Bờ
“Bây giờ làm nông nghiệp, nông dân phải tính toán thật kỹ, không phải thấy người ta làm hiệu quả thì liền làm theo. Trước tiên mình phải xem lại điều kiện đất đai, kiến thức bản thân có phù hợp không. Bên cạnh đó, muốn làm giàu thì nhất định không chỉ dựa vào kinh nghiệm, mà phải biết kết hợp kinh nghiệm với kỹ thuật, luôn tìm tòi và học hỏi”.
Lão nông Lê Văn Sáu
Theo ông Sáu, để trồng sầu riêng hiệu quả, liếp phải cao, mặt bờ cách mặt nước ít nhất từ 7-8 tấc, khoảng cách trồng sầu riêng thích hợp nhất là từ 7-8m/cây.
Sầu riêng là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lại rất khó trồng, kén đất và nguồn nước. Ông Sáu đã phải mày mò và nghĩ ra nhiều cách để cây không bị ngập úng cũng như phát triển tốt bằng Việc xẻ rãnh thoát nước theo từng ô. Còn để giữ ẩm cho đất và hạn chế xói mòn đất khi tưới, ông trồng cỏ xung quanh gốc sầu riêng.
“Trước khi trồng, cần phải làm đất thật kỹ, phần đất mặt dùng để vun vào gốc cây, còn đất bên dưới thì trải đều ra bên ngoài gốc. Khi cây phát triển, bộ rễ dài ra thì lớp đất bên ngoài cũng đã hết phèn, cây không bị ảnh hưởng. Nguồn nước phải đảm bảo sạch và thường xuyên được thay đổi, tránh để ứ nước quá lâu. Giai đoạn ra hoa, kết trái tuyệt đối không để cây dư nước, nếu gặp trời mưa nhiều phải tháo nước trong kênh, đảm bảo cây không ngập úng” – ông Sáu chia sẻ.
Thấy việc bón phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, chi phí lại cao nên ông nghĩ ra cách dựng chuồng, treo lá thốt nốt để dụ dơi vào ở, lấy phân bón cho cây. Mỗi ngày ông thu được 10kg phân, nhờ đó mà vườn sầu riêng nhà ông lúc nào cũng xanh mướt, sai quả, thơm ngọt. Ông cũng tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng/năm nhờ thu được nguồn phân từ dơi này.
Bây giờ thương hiệu sầu riêng của ông Sáu Bờ ngày càng vang xa. Gần đến thời điểm thu hoạch là rất nhiều thương lái ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre đổ về đặt cọc thu mua. Đặc biệt, giá bán sầu riêng của ông Sáu lúc nào cũng cao hơn bên ngoài khoảng 5.000 đồng/kg.
Theo Chúc Ly/ Dân Việt