Các luật sư của bầu Kiên gồm luật sư Bùi Quang Nghiêm, luật sư Vũ Xuân Nam, luật sư Hoàng Đôn Hùng đã có rất nhiều kiến nghị gửi Hội đồng xét xử.
Đề nghị triệu tập Chủ tịch Vietinbank
Luật sư Bùi Quang Nghiêm đề nghị triệu tập ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank tới phiên tòa.
Lý do luật sư nêu số tiền 718 tỷ đồng mà Ngân hàng Á Châu ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã được xác định là thiệt hại của Ngân hàng Á Châu, là hậu quả của hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo bản án sơ thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như, 718 tỷ của Ngân hàng Á Châu bị chiếm đoạt sau khi đã chuyển vào Vietinbank, thậm chí Tòa buộc Vietinbank chuyển trả 24 tỷ đồng vẫn còn trong 19 tài khoản tại Vietinbank cho Ngân hàng Á Châu, như vậy, số tiền này đã và đang nằm trong hệ thống của Vietinbank.
Theo luật sư Nghiêm, với nội dung trên, ông Phạm Huy Hùng cần được triệu tập ra tòa với tư cách người làm chứng để làm rõ thực chất tiền của Ngân hàng Á Châu đã vào hệ thống Vietinbank chưa, vì ông biết và đã phát biểu về sự việc 718 tỷ đồng. Theo quy định pháp luật, người làm chứng không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử vụ án Huyền Như, ông Phạm Huy Hùng đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng số tiền này thực tế chưa vào hệ thống của Vietinbank, Vietinbank không chịu trách nhiệm. Đây là tình tiết rất quan trọng để xác định nguyên nhân của việc mất tiền.
Theo luật sư Nghiêm, với nội dung trên, ông Phạm Huy Hùng cần được triệu tập ra tòa với tư cách người làm chứng để làm rõ thực chất tiền của Ngân hàng Á Châu đã vào hệ thống Vietinbank chưa, vì ông biết và đã phát biểu về sự việc 718 tỷ đồng. Theo quy định pháp luật, người làm chứng không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cần có mặt
Luật sư Nghiêm và nhiều luật sư khác đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập người đại diện hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng.
Nhiều luật sư bào chữa cho một số bị cáo nêu Ngân hàng Nhà nước cần trả lời tại phiên tòa về Công văn số 350/NHNN-TTGS.m ngày 17/5/2012 của Ngân hàng Nhà nước do ông Đặng Văn Thảo ký và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý hoạt động của Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Công Thương Việt Nam liên quan đến vụ án này.
Theo các luật sư, công văn số 350/NHNN-TTGS.m xác định việc ủy thác gửi tiền của Ngân hàng Á Châu là sai, được sử dụng để kết luận về hành vi của các bị cáo, nhưng có đóng dấu “Mật”.
Các luật sư nêu việc xác định công văn này là tài liệu mật có đúng quy định pháp luật không, các luật sư có được sử dụng như tài liệu công khai trong tố tụng tại phiên tòa hay không?
|
Dẫn giải ông Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa. |
Công văn số 350/NHNN-TTGS.m xác định việc ủy thác gửi tiền của Ngân hàng Á Châu là sai, được sử dụng để kết luận về hành vi của các bị cáo, nhưng có đóng dấu “Mật”.
Ai là nguyên đơn dân sự?
Các luật sư nêu trong hồ sơ vụ án không hề có đơn của Ngân hàng Á Châu yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại. Ngân hàng Á Châu cũng đang yêu cầu Vietinbank phải trả khoản tiền 718 tỷ. Theo quy định pháp luật, Ngân hàng Á Châu không phải là nguyên đơn dân sự.
Đồng thời, các luật sư đề nghị Tòa xác định Vietinbank là bị đơn dân sự để giải quyết các yêu cầu của ACB.
Đối với Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, các luật sư nêu đơn vị này không yêu cầu ông Kiên trả tiền, không tố cáo ông Kiên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do đó việc xác định đơn vị này là nguyên đơn dân sự là không đúng pháp luật.
Đồng phục trại
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết mình bị cùm chân trong quá trình dẫn giải. Ông Kiên nêu tại tòa đây là biện pháp trừng phạt mà trại giam áp dụng vì ông không chịu mặc đồng phục của trại ra tòa.Trước khi phiên tòa diễn ra, ông Kiên đã kiến nghị để ông được mặc quần áo của mình do gia đình gửi để ra tòa. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp nhận.
Theo các luật sư, việc mặc quần áo nào khi ra tòa là quyền của bị cáo, luật pháp không bắt buộc các bị cáo phải mặc đồng phục của trại, vì các bị cáo chỉ bị coi là có tội khi có bản án có hiệu lực của tòa. Rất nhiều vụ án khác các bị cáo được mặc quần áo thường phục của chính mình ra tòa.
Các luật sư nêu, ông Kiên luôn chấp hành đúng các yêu cầu của cơ quan tố tụng, trại theo quy định pháp luật, ông Kiên không phải đối tượng hình sự nguy hiểm như giết người, cướp của … Việc cùm chân ông Kiên khi dẫn giải khi ra tòa là không phù hợp pháp luật.
Theo Đất Việt