“Bụt” giữa đời thường
Căn nhà mang tên gọi “Hạnh Phúc” nằm trong con hẻm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, cạnh khu dự án đô thị Hạnh Phúc, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Mùa hè năm nay có lẽ là những ngày đầy lo âu, buồn bã nhất của hơn 30 đứa trẻ sống chung trong căn này.
|
Hơn 30 đứa trẻ sống tại đây vốn mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi được vợ chồng anh Hoàng đưa về chăm sóc, cho học hành đến nơi đến chốn.
|
Khi PV bước vào căn nhà mang tên "Hạnh phúc" của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Ngô Thị Kim Vân, hàng chục đứa trẻ trai, gái đủ mọi lứa tuổi ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng khoanh tay lễ phép chào khách. Khó có ai ngờ rằng, chúng là những đứa trẻ mồ côi hoặc những đứa trẻ không còn cha, mẹ nhưng vì hoàn cảnh đã bị bỏ rơi sống đời lang thang, cơ cực.
“Như là một duyên số, vợ chồng tôi vốn dĩ lại thương yêu trẻ con, ban đầu chỉ cưu mang một vài đứa nhưng trước những hoàn cảnh bất hạnh của các con, tôi và chồng không nỡ làm ngơ. Vì vậy, đến nay ngôi nhà của chúng tôi có tới 32 đứa trẻ từ 6 tuổi đến hơn 20 tuổi”, chị Vân tâm sự.
Chị Vân nhớ lại, năm 2006, vợ chồng chị cùng 2 đứa con nhỏ từ trung tâm Sài Gòn về vùng đất Bình Chánh đầy sình lầy để lập nghiệp bằng nghề đan giỏ, may vá. Hàng ngày, chứng kiến cảnh những đứa nhỏ tội nghiệp bị cha mẹ bỏ lăn lốc nên vợ chồng anh chị thương cảm đem về nuôi.
Đứa trẻ đầu tiên mà vợ chồng anh Hoàng nhận là em Đặng Thị Ngọc Nhung (bé Khen, năm nay em học lớp 12). Gia đình Khen rất nghèo, mẹ mất vì không có tiền chạy thuốc, cha thì rượu chè khiến chuyện học hành của em dang dở.
Không người chăm sóc, Khen sớm trở nên lêu lổng, phá phách nhưng may mắn được vợ chồng anh Hoàng nhận làm con, tiếp tục cho ăn học. Giờ đây ngoài việc học ở trường, Khen phụ cha mẹ nuôi chăm lo cho các em cũng cùng chung cảnh ngộ.
|
Tình yêu thương trẻ vô bờ bến của vợ chồng chị Vân đã được những đứa trẻ này cảm nhận và chúng cũng yêu thương bố mẹ nuôi nhưng ruột thịt của mình.
|
Cứ như vậy, đến nay vợ chồng anh Hoàng đã nhận nuôi hơn 30 em, em nào cũng được cắp sách đến trường và trong trái tim của chúng, ba Hoàng, mẹ Vân được xem như “ông Bụt trong chuyện cổ tích” hiện diện giữa đời thường.
Mùa hạ cuối cùng?
Ngồi lặng lẽ ở một góc nhà, mỗi khi nghe mẹ Vân kể lại mảnh đời của những đứa trẻ trong nhà Hạnh Phúc được ba mẹ đưa về nuôi dưỡng, bé Nguyễn Thị Thanh Tuyền (11 tuổi) lại khóc nức nở.
“Tội nghiệp, mấy ngày nay nghe tin tổ ấm Hạnh Phúc, nơi có 2 người anh ruột và gần 30 anh chị em sống như một gia đình không còn được bên nhau nữa, con bé cứ ôm vợ chồng tôi khóc nói không muốn xa ba mẹ”, chị cho hay.
|
Bé Tuyền khóc nức nở khi biết tin chỉ còn chưa đến 7 ngày nữa gia đình của mình sẽ thêm 1 lần ly tán khiến người mẹ nuôi cũng không cầm được nước mắt.
|
Sở dĩ có cảnh chia ly này, theo chị Vân, nơi nuôi những đứa trẻ của vợ chồng chị hoạt động không có giấy phép, nhiều điều kiện chưa đủ để cấp phép hoạt động một cơ sở bảo trợ như: không đủ diện tích, cơ sở vật chất thiếu thốn.
Đặc biệt, vợ chồng chị không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất… (đất vợ chồng anh Hoàng mua chỉ bằng giấy tay).
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND xã Bình Hưng đã mời vợ chồng chị Vân đến xã để thông báo về việc yêu cầu chấm dứt nuôi những đứa trẻ tại nhà. Chính quyền đề nghị vợ chồng chị phải giao trả trẻ về lại với gia đình; riêng những đứa trẻ không liên lạc được với người thân hoặc không còn người thân thì họ sẽ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.
“Bao năm cưu mang các con là bao nhiên năm vợ chồng tôi nhận được tấm lòng thơm thảo của những mạnh thường quân như: bà con tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền, bác sĩ các bệnh viện ở thành phố, rất đông các em sinh viên và rất nhiều những tấm lòng vàng cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ vật chất, tinh thần để chăm lo cho các con được ăn học.
Mùa hè năm nào các con cũng đem về kết quả học tập đầy giấy khen và cả đại gia đình rộn rã tiếng cười… Nhưng mùa hè năm nay có thể là mùa hè cuối cùng vì khi rời mái ấm này rồi, không biết các con có còn được cắp sách đến trường nữa hay không?”, chị Vân ứa nước mắt nói.
Nghe cha mẹ nuôi nhắc đến chuyện chỉ còn một tuần nữa là gia đình "Hạnh Phúc" không còn hạnh phúc vì tổ ấm sắp tan rã, những đứa trẻ khóc sướt mướt ôm chầm lấy anh Hoàng, chị Vân khiến chúng tôi cũng mủi lòng.
Chưa từng nghe điều tiếng về mái ấm Hạnh Phúc
Những người hàng xóm của gia đình vợ chồng chị Vân đều chung nhận xét: “Vợ chồng chị Vân sống rất tốt. Việc họ cưu mang, nuôi dưỡng cho ăn học đàng hoàng hàng chục đứa trẻ là điều có thật. Chúng tôi ở đây đã nhiều năm và thấy rõ hàng ngày những đứa trẻ sống trong mái ấm Hạnh Phúc sinh hoạt như thế nào. Chúng rất lễ phép, ngoan ngoãn, ngoài giờ học về thì đứa lớn phụ ba mẹ nuôi chăm sóc cho những đứa nhỏ.”.
Lãnh đạo xã Bình Hưng cũng thừa nhận, dù mái ấm Hạnh Phúc này hoạt động không phép suốt nhiều năm qua nhưng địa phương chưa từng nghe phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật cũng như nạn bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại đây.
|
Cháu Thiện "khoe" vết mổ tim mà cha mẹ nuôi và những mạnh thường quân đã cứu sống mình.
|
Trong số những đứa trẻ được nuôi dưỡng tại mái ấm Hạnh Phúc, cháu Thái Hoàng Thiện (8 tuổi) may mắn được cha mẹ nuôi dành lại mạng sống từ tay “thần chết”.
Thiện bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ phải lang thang theo cha mưu sinh tại các công trình xây dựng với căn bệnh tim bẩm sinh nhưng không tiền chữa trị. Lúc Thiện 4 tuổi, cháu xanh xao, ốm yếu sức khoẻ vô cùng nguy hiểm.
Biết được hoàn cảnh của cha con Thiện, vợ chồng chị Vân đã đưa Thiện về nuôi và được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ số tiền 70 triệu đồng, Thiện đã được mổ tim giành lại sự sống và nay cháu đang học lớp 2.
Bà Trương Thị Hường, phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng cho biết: Từ năm 2013 chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu cơ sở giữ trẻ này ngưng hoạt động để liên hệ với cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo đúng quy định. Sau đó vợ chồng bà Vân xin gia hạn đến cuối tháng 5/2015 để có giải pháp giúp đỡ các bé và chúng tôi cũng đã ghi nhận nguyện vọng này.
Tuy nhiên đến nay nơi đây vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu hợp pháp nên UBND xã đã lập biên bản tiếp tục yêu cầu ông Hoàng, bà Vân chấm dứt việc nuôi trẻ và có các biện pháp như trả trẻ về với người thân hoặc phối hợp với phòng LĐTB và XH huyện Bình Chánh để đưa trẻ không có người thân vào Trung tâm bảo trợ xã hội chậm nhất là ngày 15/6.
“Vợ chồng tôi đang thương lượng giá đền bù đất với chủ đầu tư khu đô thị cạnh bên. Nếu sớm có tiền chúng tôi sẽ mua đất, gom góp vay mượn người thân để cất ngôi nhà có chủ quyền rồi xin giấy phép để các con không phải chịu cảnh “tan đàn xẻ nghé”. Tôi mong chính quyền cho chúng tôi thêm thời gian 1 năm nữa để thực hiện tâm nguyện này” - vợ chồng anh Hoàng tha thiết đề nghị.
Clip: Những đứa trẻ khóc nghẹn khi sắp mất "Hạnh phúc"
Đăng Lê