Hằng ngày, ngoài việc tập luyện để duy trì sức khoẻ tốt, ông còn làm công tác nghiên cứu cũng như đọc các tài liệu trên máy tính thông qua ba thứ tiếng Anh, Nga và Pháp.
Tôi hẹn ông phỏng vấn khi trời đã nhá nhem tối với một cuộc điện thoại sau khi đón con. Đón tiếp chúng tôi trong căn phòng tập thể của cán bộ Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện T.Ư Quân đội 108), vị bác sĩ già mừng vui như đón con cháu trong nhà vừa đi học về. Dù bước đi đã chậm nhưng sự minh mẫn cùng trí nhớ của ông lại rất tuyệt vời. Ông nhớ rõ từng lần gửi bài khoa học, ý kiến phản biện cho KH&ĐS. Ông cũng không quên khoe góc làm việc công nghệ của mình với đầy đủ máy tính, máy in cùng các thiết bị nghiên cứu về răng khác.
Dành hàng giờ cho máy tính
Ông chia sẻ, dù đã về hưu hàng chục năm nhưng chưa ngày nào ông không làm việc và nghiên cứu. Khi mới về hưu ông mở phòng khám răng. Vì khám tốt, giá rẻ nên người bệnh cứ thế giới thiệu nhau đến. Làm việc nhiều đến nỗi ông không có thời gian dứt ra cho việc khác. Sau này có con rể đồng hành cùng làm việc, gánh đỡ nặng hơn. Nhưng cũng phải qua 80 tuổi ông mới giao lại cho con để quay về nghỉ ngơi một cách thực sự.
|
Đôi bàn tay nhăn nheo mày mò từng phím chữ nhỏ. |
Tưởng nghỉ làm, rỗi rãi là sướng nhưng đối với ông đó lại là nỗi buồn và sự cô đơn. Hằng ngày ông phải ở nhà một mình cùng bốn bức tường, hết ăn lại nằm. Để xoa dịu điều đó ông quay vào học máy tính và vào mạng internet. Đôi bàn tay nhăn nheo, run rẩy hơn 45 năm chữa răng cho nhiều thế hệ giờ đây quay về mày mò từng phím chữ nhỏ thực sự khó khăn. Nhưng sự kiên trì tìm hiểu đã giúp ông sử dụng tốt máy tính.
“Tôi tự học máy tính thông qua sách vở của con cháu. Để nhớ các cách tôi ghi ra sổ tay riêng. Khó lắm. Mở theo mẫu của mình thì được nhưng tay già vụng, không may chạm phải là mất trắng tất cả. Có những lần bài viết mất đi phải đánh lại từ đầu suốt mấy tuần”, ông tâm sự.
Nhưng sau những cái khó đó, internet mang lại cho ông nhiều điều bổ ích và lý thú. Vốn là người thông thạo ba ngoại ngữ là Anh, Pháp và Nga, ông thỏa mãn với kho tài liệu khoa học từ nước ngoài. “Tôi mê máy tính, học được nhiều điều mới mẻ từ đó. Như về khoa học răng, tôi biết đến các nghiên cứu chẩn đoán mới, có cơ sở để nghiên cứu sâu hơn về bệnh. Tôi cũng thường xuyên gửi thư, thơ cho bạn bè bằng email”.
Nói rồi, ông đưa khoe tôi chiếc máy đo mức độ hôi miệng điện tử nhỏ bằng hai ngón tay. Ông bảo, khi vào internet đọc thông tin, thấy thiết bị bổ ích nên đặt mua luôn qua mạng. Ngoài ra, ông vẫn đang làm thống kê khả năng gây hôi miệng của khoảng 100 món ăn và thực phẩm của Việt Nam trên máy tính.
Bí quyết… sống thọ
Là một người vui vẻ, hài hước, ông cười và bảo: Tôi về hưu như thế này thì Nhà nước lỗ lắm. Người ta vài năm là mất, còn tôi đến nay vẫn hưởng lương hưu và trợ cấp đều mà không bị bệnh tật gì. Nhưng để “Nhà nước lỗ”, ông đã kiên trì tập luyện thể thao theo cách riêng của mình.
Mỗi ngày sau khi uống một cốc nước lọc, ăn sáng xong BS Nguyễn Tiến Bích dành thời gian để đạp 1.400 vòng xe tại nhà. Để đánh mốc số vòng đạt được, cứ 100 vòng ông cắm một chiếc cờ. Ngày hôm nay, ông mới cắm được 5 lá cờ do dành thời gian thăm bạn bè. Tối nay ông phải hoàn thành nhiệm vụ cắm thêm 9 lá cờ nữa. Chưa dừng ở đó, ông còn tập đứng lên ngồi xuống 20 lần như cách rèn luyện cho đôi chân vững chắc. Tập hít thở sâu để có giấc ngủ ngon. Cũng nhờ máy tính, một tuần nay ông luyện thở theo cách của người Pháp là hít vào thở ra theo nhịp 2, 3, 4 phút mỗi chu kỳ. “Cháu làm thử với ông đi, đứng lên 10 lần là mỏi lắm rồi, nhưng ông làm đều mỗi ngày đấy”, ông vừa nói vừa tập cho chúng tôi xem.
Ông cũng không quên chia sẻ chế độ ăn uống mang lại sức khoẻ dẻo dai. Đó là mỗi bữa ông chỉ ăn một lưng bát cơm, một bát thức ăn và rau xanh, một bát canh. Ngoài hai bữa chính trên, mỗi ngày ông uống một cốc sữa, ăn hai cốc sữa chua, hai lần hoa quả, chỉ uống nước lọc. “Đáng lẽ tôi phải mặc váy thì đúng hơn. Tôi không uống cà phê, rượu, bia, thuốc lá cũng như trà. Nước trắng là đồ uống duy nhất. Sợ tốn cơm con dâu mỗi ngày tôi ăn rất ít cơm”, ông tếu táo.
Chia tay ông ra về khi trời đã xẩm tối, nhưng tôi biết một ngày chưa kết thúc với ông, bởi còn nhiều chỉ tiêu do ông đưa ra chưa hoàn thành. Tất cả những điều đó đều chỉ để ông thực hiện mong muốn tưởng chừng như đơn giản: Sống qua tuổi 90.
“Ông dù tuổi đã cao nhưng rất minh mẫn, nhớ rõ từng việc. Con cháu đi làm cả ngày nên ông tự đưa ra kế hoạch luyện tập, ăn uống và làm việc cho mình. Có lẽ làm việc chăm chỉ đã giúp ông mẫn tiệp ở tuổi 90”.
Chị Lê Thị Thủy
(con dâu BS Nguyễn Tiến Bích)
Thu Hiền