Ác mộng “đổi đời” ở Angola

Google News

Nhiều người dân nghèo Hà Tĩnh tìm đường sang Angola lao động với hi vọng đổi đời, nhưng nhanh chóng vỡ mộng. 

Người bị cướp, người bị đánh bỏ mạng ở xứ người khiến vợ góa, con thơ... khi sang sang Angola lao động.
Ác mộng “đổi đời” ở Angola
Ac mong “doi doi” o Angola
 Ông Lê Văn Đường, 68 tuổi, ngồi trên xe lăn ôm di ảnh con trai chết bên Angola - Ảnh: Văn Định.
Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Tĩnh cho biết hiện có hơn 7.200 lao động địa phương đang làm việc tại Angola.
Trước đó, cơ quan này đã khuyến cáo đây là thị trường lao động không an toàn do an ninh bất ổn, cướp bóc hoạt động mạnh, khí hậu khắc nghiệt khiến nhiều lao động người Việt bị mắc bệnh sốt rét ác tính, trong đó nhiều người đã tử vong.
Người chết, nợ mang
Sau hơn hai năm kể từ ngày anh Nguyễn Viết Hậu (33 tuổi) sang Angola, gia đình ông Nguyễn Viết Hồng (xã Sơn Thọ, Vũ Quang) - cha anh Hậu - vẫn chưa bao giờ hình dung giấc mộng đổi đời của con trai mình đã trở thành ác mộng mãi đến ngày 5/3.
“Điện thoại đổ chuông báo số nước ngoài, tui nghĩ thằng Hậu gọi về. Ai ngờ đó là người báo tin con trai bị cướp bắn chết, ruột gan như tan nát...” - ông Hồng nói trong hai hàng nước mắt.
Cách đây hai năm thấy cuộc sống khó khăn, anh Nguyễn Viết Hậu cầm cố tài sản, vay mượn được hơn 100 triệu đồng bay sang Angola làm thuê cho một ông chủ người Việt, lương tháng gần 15 triệu đồng. Do lương thấp, anh Hậu bỏ ra ngoài làm đủ nghề như sửa xe máy, phụ hồ, khuân vác.
Anh cũng nhiều lần gọi điện về tâm sự với vợ con cảnh làm thuê ở Angola vất vả, rủi ro. Nhưng vì nợ nần phải bám trụ làm để trả nợ...
Trước đó, chị Trần Thị Kim Dung - vợ anh Hậu - tối nào cũng mở điện thoại cho hai con nhỏ xem những hình ảnh anh Hậu làm thuê ở Angola gửi về. Vậy mà hơn hai tuần nay người ta chỉ thấy chị Dung nằm trên giường khóc sướt mướt, thương chồng bị cướp bắn chết.
“Ngày nhận tin dữ về chồng, nó ôm con ngất lên xỉu xuống. Chưa trả hết nợ, giờ phải vay mượn tiền gửi sang Angola để người ta đưa xác chồng về...” - bà Hương, hàng xóm, kể.
Trưa 3/3, anh Đặng Quốc Nghĩa (thôn Đông Khê, Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên) từ Angola gọi điện thoại về cho vợ là chị Nguyễn Thị Thư báo tin sắp nhận lương, nhưng đến buổi chiều anh bị bọn cướp bắn chết khi đang làm việc.
Nhận tin dữ về chồng, chị Thư ôm ba đứa con vào lòng khóc nức nở, nhiều người đến chia buồn phải ứa nước mắt nhìn ba đứa trẻ sớm mất cha.
Một số người dân thôn Đông Khê kể năm 2012 chị Thư có thai đứa con thứ ba, anh Nghĩa thấy cuộc sống túng quẫn đã vay mượn tiền bay sang Angola làm thuê.
Bốn năm ở Angola, anh làm đủ nghề nhưng chỉ mới gửi tiền về trả hết nợ nần. Vì nhà dột nát, anh đã gọi điện về nói với vợ đi cầm sổ đỏ vay tiền về xây nhà cho con ở.
“Làm nhà xong, mẹ con đang chờ anh Nghĩa về trả nợ, vậy mà... Sau này tui ăn nói với ba đứa con thế nào đây!?” - chị Thư rưng rưng.
Ám ảnh Angola
Hơn hai tuần nay, anh Hồ Sỹ Lãm (Kỳ Hải, Kỳ Anh) vẫn phải uống thuốc mỗi ngày bởi vết thương ở mặt do bọn cướp chém vẫn chưa lành hẳn.
“Vì hoàn cảnh nên tui mới sang Angola làm thuê, có ai ngờ bị cướp chém mới bỏ của về quê...” - anh Lãm nói.
Theo anh Lãm, cuối năm 2014 thấy người trong làng đi sang Angola, anh cũng vay mượn tiền đi theo. Những ngày đầu, anh Lãm sang thủ đô Luanda làm thuê cho một số ông chủ người Việt.
Sau khi thông thạo đường sá, nói được tiếng bản địa, anh đã tự đi nhận công trình làm riêng, nhưng ban đêm không dám ra đường vì sợ nạn cướp giật.
Ngày 1/2/2016 khi cùng với người anh em con cậu tên Lĩnh đi công việc, anh Lãm bị bốn tên cướp chặn lại giật sợi dây bạc, một tên móc túi và một tên cầm gạch đánh vào đầu chảy máu.
“Lúc đó tôi nói với anh Lĩnh đập lại bọn cướp này vì ban ngày có người dân, không sợ gì. Thấy người ra đông, bọn đó bỏ đi” - anh Lãm kể.
Đến ngày 7/2 (29 tết), biết anh Lãm đi ăn tết với người thân, bọn cướp đã đột nhập nơi ở, đập phá, khoắng sạch tài sản. Và rạng sáng 28/2 khi cửa ở tầng một căn nhà vẫn đang khóa chặt, bốn tên cướp đã bắc giàn giáo leo lên tầng hai với hai khẩu súng trong tay.
“Sau khi khống chế anh Lĩnh, bốn tên cướp xông vào phòng tôi nói kwanza (tiền tệ Angola). Do tôi không có tiền, bọn cướp cầm dao chém tôi một nhát vào mặt, máu me đầm đìa, còn anh Lĩnh bị chúng dùng lưỡi dao rạch một nhát bên hông.
Sau bảy ngày điều trị ở bệnh viện Luanda, tôi liền gọi điện thoại về cho vợ xoay mượn gửi tiền sang để về quê gấp...” - anh Lãm tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Nhi (Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) kể do quen biết từ hồi đi học, chị được một người bạn cùng quê hiện đang ở Angola điện thoại về khuyên sang Angola làm ăn.
Mới chân ướt chân ráo đến Luanda, chị phải đi xây kiôt. Sức khỏe yếu, sau một tuần chị bệnh nặng, người tiều tụy, không ăn được, chỉ mong khỏe lại để về quê.
Biết chị Nhi có ý định về nước, người này kêu chị ở lại đứng kiôt bán hàng. Được hai ngày, người này trở mặt bảo chỉ cho ở nhờ, muốn làm kiôt phải gọi điện thoại về cho chồng bảo gửi sang 100 triệu đồng.
“Bỏ ra ngoài chưa đầy một tháng, tui bị cảnh sát Angola bắt giữ hai lần, bị phạt hơn 1.500 USD. Thấy tình cảnh không thể ở lại lâu, tui vay mượn tiền mua vé máy bay 
về nước” - chị Nhi cho biết.
Vợ góa, con côi
Khi đến thôn Linh Trung (xã Xuân Liên, Nghi Xuân) hỏi nhà anh Lê Văn Quế (35 tuổi) bị bắn chết ở Angola, chúng tôi được người dân chỉ đến căn nhà cấp bốn xập xệ, rộng khoảng 20m2, nằm bên nhà văn hóa thôn.
Nghe tiếng người lạ, ông Lê Văn Đường (68 tuổi, ngồi trên xe lăn) - cha anh Quế - nói vọng ra: “Chỉ mình tui ở nhà, ai hỏi thằng Quế thì nó bị bắn chết rồi. Nếu đòi nợ vợ chồng nó thì có căn nhà dột nát đó, có 
mang đi được không...?”.
Nhắc đến anh Quế, ông Đường không nén nổi nước mắt, kể vợ chồng ông có năm người con, anh Quế là con út.
Sau khi anh Quế lập gia đình, ông chia cho một góc vườn làm nhà ra ở riêng. Có con nhỏ, thấy cuộc sống khó khăn, anh Quế bàn với vợ là Hoàng Thị Loan dù khổ mấy cũng ráng vay mượn tiền đi Angola một chuyến vì 
thấy người trong xã đi rất nhiều.
Xoay mượn đủ đường được 120 triệu đồng, anh Quế đã chồng “cò” để làm thủ tục bay sang Angola.
Ngày mới sang, anh Quế điện về cho biết do lạ nước lạ cái, ai sang đây cũng bị bệnh sốt rét. Nghề thợ xây ở thủ đô Luanda rất ít việc, nạn cướp giật hoành hành.
Anh Quế đã mượn bạn bè mua một kiôt kinh doanh nghề chụp ảnh, in ấn nhưng máy móc luôn bị trộm, hằng ngày bọn cướp vẫn vào xin đểu.
“Làm hơn một năm rưỡi ở Angola, anh Quế chưa gửi được một đồng về trả nợ, luôn điện thoại về kể cuộc sống khó khăn, vất vả. Tui nói với chồng cố làm lụng, gom ít tiền rồi về.
Cuối năm 2015, tui bàng hoàng nhận điện thoại người trong làng nói anh Quế đi mua nước bị bọn cướp chặn lại. Do không có tiền, chúng bắn anh ấy bị thương nặng ở chân, mất máu 
nhiều rồi chết...” - chị Loan 
sụt sùi.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh (cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước):
Thị trường lao động Angola rất nhiều rủi ro
Dù chúng tôi cũng như chính quyền các địa phương đã nhiều lần khuyến cáo, nhưng lao động khu vực miền Trung sang Angola làm việc theo các kênh không chính thức rất nhiều, phần lớn là không hợp pháp.
Bởi những lao động này được một công ty tuyển dụng nhưng sang Angola lại làm việc cho một công ty khác. Do đó, khi bị cảnh sát sở tại bắt giữ, hầu như các quyền lợi của người lao động đều không được bảo vệ.
Đặc biệt, an ninh tại Angola không được tốt, tình trạng trấn lột, cướp giật và cả bị bắn chết vẫn xảy ra. Ngoài ra, thực phẩm ăn uống đắt đỏ, thiếu vệ sinh nên người lao động mắc bệnh tật rất nhiều.
Chúng tôi cũng từng cấp phép cho một vài doanh nghiệp thí điểm đưa lao động đi làm việc tại Angola, nhưng hiện nay không một doanh nghiệp nào dám đưa thêm lao động vào thị trường này vì quá rủi ro.
Vì vậy, chúng tôi khuyên người lao động không nên đi làm việc tại Angola theo những kênh không chính thức bởi đây là thị trường không an toàn.
Theo Tuổi trẻ