Ngày 31/10, ông Nguyễn Văn Thành - chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước - cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Ban phát đất rừng cho quan chức”, UBND tỉnh Bình Phước có báo cáo giải trình gửi Chính phủ.
Nội dung của báo cáo là giải trình xoay quanh ba vấn đề: việc cho cán bộ và vợ con cán bộ thuê đất trồng cao su; việc quy hoạch, thực hiện các dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp tại địa bàn tỉnh; việc người dân thiếu đất sản xuất, đất ở.
|
Ở những lô đất rừng được lấy trồng cao su thế này vẫn còn dấu tích của những cây cổ thụ khi xưa bị chặt bỏ chỉ còn trơ gốc (ảnh chụp tháng 10/2014 tại rừng phòng hộ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh). |
Có việc cán bộ thuê đất rừng
UBND tỉnh Bình Phước khẳng định việc cho cán bộ, công chức và vợ con của cán bộ nhận khoán, thuê đất lâm nghiệp mà báo nêu là có.
UBND tỉnh Bình Phước giải thích việc cho cán bộ thuê đất là do sau khi tách tỉnh (tách với Bình Dương từ tỉnh Sông Bé cũ, vào năm 1997) thì “phần lớn cán bộ, công chức được điều chỉnh từ tỉnh Sông Bé cũ lên công tác đều khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần”, do vậy tỉnh có chủ trương cho các hộ gia đình, cá nhân này thuê đất để “góp phần ổn định cuộc sống, an tâm công tác tại địa phương”.
Tuy nhiên, giải trình của UBND tỉnh Bình Phước không nêu rõ những đối tượng cán bộ nào được cho thuê đất, tiêu chí nào để cán bộ được xét cho thuê đất, cũng như có phải tất cả cán bộ đều được cho thuê đất hay chỉ một số cá nhân?
Đó là chưa kể nhiều trường hợp cán bộ được “ban phát” đất rừng trồng cao su mà Tuổi Trẻ nêu đều là lãnh đạo các sở, ngành, trưởng phòng và lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh.
Nhiều cán bộ còn “khoe” có hàng chục hecta cao su đang cạo mủ, trị giá hàng tỉ đồng... thì chắc chắn không thuộc đối tượng cán bộ “khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần” như UBND tỉnh Bình Phước đề cập.
UBND tỉnh Bình Phước cũng cho rằng “chủ trương cho thuê đất lâm nghiệp của UBND tỉnh có trước năm 2007, đến nay chỉ là làm thủ tục cho thuê đất theo luật định (sau khi các hộ đã hoàn tất thủ tục và thực hiện đầu tư sản xuất trên đất)”.
Thế nhưng, các văn bản Tuổi Trẻ có trong tay lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Cụ thể: ngày 25/9/2013 (sau năm 2007 tới sáu năm), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm ký văn bản số 3123/UBND-KTN, xét đơn xin cấp đất của hai hộ Lê Tính (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và Nguyễn Viết Nghĩa (thị xã Thuận An, Bình Dương), chấp thuận cho hai hộ này thuê mỗi hộ 10ha thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết để “trồng cao su, cải thiện đời sống”.
Theo tìm hiểu, ông Lê Tính và Nguyễn Viết Nghĩa đều nguyên là cán bộ lãnh đạo của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước.
Vào tháng 6/2008 (sau năm 2007 một năm), chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khi đó là ông Trương Tấn Thiệu (bị miễn nhiệm vào tháng 4-2013) cũng ký văn bản số 1635/UBND-SX thuận chủ trương cho 11 hộ gia đình, cá nhân thuê 105ha đất rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết để trồng cao su.
Cuối năm 2007, trước khi chuyển qua làm Bí thư Tỉnh ủy cho tới nay, ông Nguyễn Tấn Hưng khi đó giữ chức vụ chủ tịch UBND tỉnh, cũng ký văn bản cho hàng loạt hộ dân thuê đất trồng cao su, trong đó có hộ được thuê tới 30ha.
Báo cáo chưa đầy đủ
Về việc chuyển đổi đất rừng để trồng cao su, UBND tỉnh Bình Phước khẳng định “việc phát triển rừng trồng cao su trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định”.
Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước không đề cập trực tiếp vào vấn đề mà báo Tuổi Trẻ nêu: đó là việc ồ ạt chuyển đổi nhiều diện tích rừng tự nhiên để trồng cao su khiến rừng tự nhiên giảm trầm trọng, nhiều ban quản lý rừng có nguy cơ giải thể.
Cụ thể, theo công bố của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích rừng tự nhiên của Bình Phước hiện chỉ còn 58.600ha (số liệu năm 2013); trong khi đó vào năm 2002, tỉnh này có tới 127.800ha.
Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết (huyện Lộc Ninh) có tới 8.200ha trồng cao su, trong tổng số 12.500ha diện tích tự nhiên tại đây. Sắp tới, 2.000ha rừng trong số 3.100ha rừng tự nhiên còn lại của rừng Tà Thiết cũng sẽ được chuyển sang trồng cao su.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước xác nhận việc giải thể Ban quản lý rừng Tà Thiết chỉ là chuyện một sớm một chiều.
Đối với các hộ dân khó khăn, thiếu đất sản xuất, UBND tỉnh Bình Phước khẳng định “việc các hộ dân thiếu và không có đất sản xuất là vẫn có, nhưng thời gian qua tỉnh đã bố trí cấp đất cho các hộ này và đang tiếp tục quy hoạch để tiếp tục cấp đất sản xuất cho các đối tượng này”.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước không nêu rõ hiện còn bao nhiêu hộ dân khó khăn, thiếu đất sản xuất và lộ trình tới khi nào thì các hộ này được có đất?
Còn theo số liệu báo có được từ báo cáo của Thanh tra tỉnh Bình Phước thì số lượng người dân khó khăn, thiếu đất sản xuất ở tỉnh này vẫn còn rất nhiều.
Cụ thể, tới tháng 7/2014 có tới 8.000 hộ dân khó khăn có nhu cầu cấp đất sản xuất, với số lượng đất cần lên tới 6.148ha.
Để bổ sung nguồn quỹ đất mới, Thanh tra tỉnh Bình Phước kiến nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xin chuyển đổi một số vị trí rừng trên địa bàn tỉnh để tạo quỹ đất cho các hộ không có đất, thiếu đất sản xuất, có biện pháp thu hồi một phần diện tích đất đã giao cho các doanh nghiệp...
Theo Tuổi Trẻ