Bao giờ sư phạm có điểm chuẩn thuộc tốp đầu?

Google News

Năm nay, điểm đậu vào các trường ĐH cao chót vót, nhưng nhiều trường ĐH sư phạm điểm chuẩn chỉ nhỉnh hoặc bằng điểm sàn ở nhiều ngành. Liệu rồi chất lượng đào tạo giáo viên trong tương lai sẽ ra sao?

Bao gio su pham co diem chuan thuoc top dau?
Giờ hoạt động vui chơi ngoài trời của các cô trò Trường mầm non xã Tam Thanh, huyện vùng cao Quan Sơn - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Chân ngoài dài hơn chân trong

Ai cũng biết đội ngũ giáo viên sẽ quyết định việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Ai cũng biết rằng mọi cuộc đổi mới giáo dục có thành công hay không đều do đội ngũ nhà giáo quyết định.

Điểm chuẩn nhiều trường sư phạm thấp có thể có khá nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân từ quá khứ để lại. Ngày trước trong xã hội đã có câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, hoặc “nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm”.

Mặc dù hiện nay sự đãi ngộ giáo viên đã được cải thiện khá nhiều, nhưng so với mặt bằng thu nhập trong xã hội thì chưa phải là cao. Không ít giáo viên phải chân ngoài dài hơn chân trong để làm thêm kiếm sống. Điều đó khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn với những học sinh xuất sắc từ THPT.

Đó là chưa kể trong bối cảnh đổi mới giáo dục, kiến thức, phương pháp và công cụ giáo dục thay đổi liên tục, đòi hỏi giáo viên phải lao động vất vả, tự học để cập nhật tri thức và kỹ năng, trong khi đãi ngộ chưa được tương xứng.

Các trường công an, quân đội đầu vào được chọn lọc, điểm cao hơn hẳn các trường sư phạm có lẽ do người học được lo từ A đến Z các chi phí học hành, quần áo và cả việc làm sau khi ra trường. Gần như chắc chắn họ có một tương lai được đảm bảo.

Cần một cuộc cách mạng trong tuyển sinh, đào tạo sư phạm

Tôi cho rằng ưu tiên phát triển giáo dục là ưu tiên trong đầu tư. Nếu để chính sách này được hiện thực hóa, điều đầu tiên của những điều đầu tiên cần làm là phải có một cuộc cách mạng trong tuyển sinh vào các trường sư phạm; đào tạo, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo để có được đội ngũ sư phạm chuẩn chất trong vòng 5-10 năm tới.

Chúng ta cũng biết rằng trong một đời dạy học của một giáo viên tiểu học, có gần 1.000 cuộc đời học sinh đi qua. Trong khi giáo dục tiểu học là bậc học cực kỳ quan trọng của hệ thống nhưng sự quan tâm đầu tư đào tạo giáo viên tiểu học còn bất cập ở nhiều địa phương.

Nếu con em chúng ta được học hành, dạy dỗ tử tế bởi các nhà sư phạm chuyên nghiệp ngay từ lớp 1, lớp 2, chúng ta sẽ yên tâm về việc học tập của các cháu ở các lớp và bậc học sau này do các cháu sớm hình thành ham muốn, động cơ, thói quen học tập tốt, phát triển nhận thức, tình cảm mạnh ở giai đoạn tiểu học.

Tóm lại, muốn có nhân lực chất lượng cao, muốn có khoa học công nghệ phát triển và muốn giữ vững an ninh chủ quyền đất nước thì cần chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đầu tiên là chăm lo cho những người theo ngành sư phạm hiện nay và tương lai.

Để ngành giáo dục cất cánh...

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cả nước có 13 thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30. Khi được hỏi, tất cả đều cho biết ước mơ trở thành bác sĩ, công an, nhà báo... chứ không thấy thủ khoa nào mơ thành giáo viên.

Điểm lại cả chục năm nay hầu như rất hiếm thủ khoa lựa chọn ngành sư phạm. Ngay cả những thí sinh 28-29 điểm cũng hầu hết ôm mộng vào y, dược, quân đội, công an, ngoại thương... mà không ngó ngàng tới sư phạm.

Muốn thu hút người tài vào lĩnh vực giáo dục cần phải có chính sách tốt. Người giỏi không chọn sư phạm là có lý do. Lâu nay chúng ta cứ hô hào “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhưng trên thực tế giáo viên nhiều nơi sống khổ sở, thiếu thốn với đồng lương ít ỏi.

Đã thế, học sư phạm ra trường xin việc rất khó khăn. Thậm chí nhiều người rỉ tai nhau muốn trở thành giáo viên phải tốn cả trăm triệu đồng. Đến cả người có bằng tiến sĩ “xịn” (học lớp tài năng chất lượng cao ở đại học, học tiến sĩ ở Pháp) mà thi tuyển giáo viên còn trượt là đủ hiểu khó khăn thế nào.

Vì vậy, nếu có chính sách tốt, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho giáo viên, phải để giáo viên sống được bằng lương thì ngành giáo dục mới khởi sắc, công cuộc đổi mới giáo dục mới thành công. Thế nên có thể coi nghề giáo là một nghề đặc thù và được hưởng chế độ đặc thù như quân đội, công an.

Đời sống được đảm bảo thì giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý chăm lo chuyên môn, chất lượng sẽ được nâng lên. Không chỉ vậy, khi đó học sinh giỏi sẽ đổ xô thi sư phạm, có đầu vào tốt sẽ có những người thầy tốt và có thầy tốt sẽ có trò tốt. Đó là một quy luật.

Bên cạnh cơ chế đãi ngộ xứng đáng, cần có sự cam kết “đầu ra có việc làm” cho những thí sinh từ 28 điểm trở lên vào học sư phạm kèm theo điều kiện tốt nghiệp đại học loại giỏi. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều thủ khoa đại học cho biết ước mơ cháy bỏng của mình là trở thành giáo viên.

Thiết nghĩ, không chỉ quân đội, công an mới cần người tài, ngành y mới cần bác sĩ giỏi, nghề giáo mới cần người thầy xuất sắc, mà những ngành nghề khác cũng rất cần người tài giỏi.

Muốn người tài được “phân phối” ở nhiều ngành nghề để phát triển cân đối và bền vững, cần phải có chiến lược quy hoạch tổng thể với cơ chế, chính sách đủ tốt. Khi nào ước mơ của thủ khoa không đổ dồn về ngành y mà có sự phong phú, đa dạng thì khi đó niềm vui sẽ trọn vẹn hơn, bức tranh ngành nghề sẽ tươi sáng hơn.

Khi điểm chuẩn sư phạm “chạm đáy” thì chắc chắn tương lai không chỉ của ngành giáo dục không thể cất cánh!

PHẠM ĐƯỢC

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh / Tuổi Trẻ