Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV họp phiên thứ 2 cho ý kiến về dự thảo Luật Cảnh vệ. Nhiều ý kiến trao đổi xung quanh đề nghị mở rộng đối tượng được bảo vệ và có được nổ súng khi thi hành nhiệm vụ.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự thảo Luật Cảnh vệ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc tờ trình về dự thảo Luật Cảnh vệ. Dự thảo Luật gồm 5 chương, 29 điều, trong đó có nhiều điểm mới như về đối tượng cảnh vệ, dự thảo Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, 3 chức danh này là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe nên cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ.
Về các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ, theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong dự thảo Luật Cảnh vệ, các trường hợp nổ súng được quy định ngay trong dự thảo Luật.
Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ như quy định trước đây. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, nên giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ.
“Trong dự án luật này cũng có quy định là giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, bổ sung đối tượng cảnh vệ khi cần thiết. Tôi nghĩ khi cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét”, ông Định nói.
Về việc sử dụng vũ khí khi thi hành nhiệm vụ, theo ông Định, cần tuân theo pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ. “Dự kiến sắp tới pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ sẽ nâng lên thành luật. Luật Cảnh vệ chỉ có quy định được sử dụng súng thôi, còn sử dụng thế nào thì dẫn chiếu từ Pháp lệnh sang”, ông Định nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc ban hành Luật Cảnh vệ là cần thiết. Ông Lưu đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ và cũng không nên mở rộng lực lượng cảnh vệ. “Bây giờ nếu theo quy định hiện hành thì chỉ tổ chức lực lượng cảnh vệ ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, nếu mở rộng ở quân khu, quân chủng, các tỉnh…thì biên chế, tổ chức, kinh phí, ngân sách bảo đảm có đủ không?”, ông Lưu nói.
Về việc sử dụng vũ khí, ông Lưu đề nghị phải cân nhắc quy định một số trường hợp được nổ súng vì trong trường hợp khẩn cấp, cấp bách thì phải được sử dụng, phải quy định luôn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ để bảo đảm sự ổn định. Bà Phóng cũng cho rằng, không nên tăng các đầu mối cảnh vệ, mà cần tăng cường sự phối hợp giữa T.Ư và địa phương, đặc biệt, nên có quy định về các trường hợp được nổ súng.
“Nên có một số quy định được nổ súng ghi vào luật. Có hướng dẫn trong trường hợp bất khả kháng thì được nổ súng. Khi áp dụng vào các tình huống rất khác, lúc này chờ áp dụng theo pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ thì khó lắm”, bà Phóng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật cảnh vệ. Về đối tượng cảnh vệ, Chủ tịch Quốc hội thống nhất ý kiến đa số của Ủy ban Quốc phòng – An ninh là không nhất thiết phải mở rộng đối tượng cảnh vệ.
"Nếu đưa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào thì các bộ khác thế nào? Thực tiễn hoạt động cũng không nhất thiết phải mở rộng. Kinh nghiệm các nước cũng không có các trường hợp này”, bà Ngân nói.
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, trang bị vũ khí và nổ súng là lĩnh vực hết sức đặc biệt. “Việc nổ súng trấn áp, đe doạ đối với lực lượng Cảnh vệ rất quan trọng, các nước đều có chứ không riêng gì bảo vệ tiếp cận.
Nếu quy định khắt khe quá thì nhiều khi anh em không dám sử dụng, luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp, như vậy khó khăn trong triển khai”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, kể cả đối với Cảnh sát Hình sự, lực lượng tuần tra trên đường cũng sẽ gặp khó khăn trong công tác thực tế và việc nổ súng tấn công, trấn áp tội phạm…
Theo Tiền Phong