Trong khi liên ngành (GTVT - Công an) phủ nhận không có chứng cứ về việc “chạy” lốt xe giá cao như Bộ trưởng Bộ GTVT phản ánh, thì sáng qua, tại cuộc họp giữa Sở GTVT Hà Nội với các doanh nghiệp (DN) vận tải, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đã công khai chuyện một nhà xe chạy “lốt” 130 triệu đồng.
|
Ngoài chạy “lốt” xe hết 130 triệu, ông Liên còn cho biết, phí tại một số bến xe Hà Nội cao gấp 3 lần quy định. Ảnh: Trọng Đảng. |
Sáng qua, một lần nữa đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra thông tin về việc “chạy” lốt xe hết vài trăm triệu, qua kiểm tra, xác minh, Sở GTVT thấy rằng đây chỉ là dư luận. Còn việc chuyển nhượng, thay thế lốt xe giữa các cổ đông, xã viên trong một công ty cổ phần, hợp tác xã (HTX) là việc nội bộ của các đơn vị.
Tuy nhiên, cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khẳng định, với vai trò là Chủ nhiệm HTX Vận tải Thăng Long, một xã viên của đơn vị ông là nhà xe Tiến Bộ (Thái Bình) đã liên quan trực tiếp đến việc trên. Cụ thể, khi đã gia nhập HTX Vận tải Thăng Long, nhà xe Tiến Bộ có xin được một “lốt” xe chạy tuyến Kiến Xương (Thái Bình) - bến xe Mỹ Đình, tuy nhiên nhà xe này chỉ chạy khoảng một tháng thì làm thủ tục theo hình thức “đi đêm” để chuyển “lốt” xe này sang bến Giáp Bát. Sau đó, “lốt” xe này hoạt động kéo dài khoảng 2 tháng thì bị HTX Vận tải Thăng Long phát hiện và yêu cầu quản lý nhà xe phải làm tường trình.
Qua tường trình của quản lý nhà xe, ông Liên cho rằng, tuy bến Mỹ Đình có khách, nhưng tuyến trên bến Giáp Bát vẫn đông hơn, đây là lý do nhà xe đã tự ý làm thủ tục với các đơn vị quản lý liên quan để chuyển. “Cùng với việc làm rõ quy trình chuyển, tôi đã yêu cầu quản lý nhà xe Tiến Bộ cho biết kinh phí “đi đêm” để làm việc trên hết bao nhiêu. Chủ xe cho biết, đã chi phí hết 130 triệu đồng”, ông Liên khẳng định.
30/11 sẽ minh bạch luồng tuyến
Cho ý kiến về việc quản lý vận tải hành khách liên tỉnh và phương án công khai biểu đồ chạy xe mà Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng, ông Bùi Danh Liên, nêu quan điểm, đây là việc lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu. Theo ông Liên, qua việc bỏ chấp thuận tuyến theo hình thức “xin - cho” từ các Sở GTVT sẽ giúp cho lĩnh vực hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh công khai, minh bạch hơn. “Hà Nội đưa ra mốc thời gian 30/11 sẽ công khai toàn bộ luồng tuyến trên biểu đồ thì cần thực hiện đúng lộ trình này. Như thế, sau thời gian trên, tại các bến xe những lượt tuyến nào đã có đơn vị khai thác, lượt tuyến nào còn trống… DN, HTX vận tải đều biết và có thể chủ động đăng ký khai thác tuyến theo hình thức đấu thầu”, ông Liên nói.
Đại diện nhiều DN cũng cho rằng, tuy đã có quy định và các khoản thu theo hợp đồng, nhưng hiện các bến xe thu không rõ ràng, nhiều khoản tiền rất khó hiểu. Liên quan đến việc xây dựng và công bố biểu đồ luồng tuyến xe khách, ông Lưu Hồng Hoàng, Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Nam cho biết, việc xếp “lốt” tại các bến hiện nay khá dày đặc, trung bình mỗi lượt xe xuất phát chỉ cách nhau 15 phút. Do đó, khi xe ra khỏi bến hầu hết không có khách.
Trao đổi với PV Tiền Phong sau cuộc họp trên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sự việc trên đã diễn ra cách đây khoảng 4 năm. Khi đó, việc chấp thuận tuyến và cho xe vào bến hoạt động thì lãnh đạo các bến xe được một phần tự quyết.
(Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết)
Theo Tiền Phong