Chiều 23/1, trả lời báo chí bên hành lang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) về việc một số hãng tin quốc tế có đưa tin liên quan tới chức danh cao nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là Tổng Bí thư có 2 ứng viên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng , Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Giám đốc Học viện Quốc phòng, Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết trong Đại hội cũng có nhiều người giới thiệu phương án là Trung ương để lại một đồng chí làm Tổng Bí thư.
|
Ông Võ Tiến Trung trả lời báo chí bên lề Đại hội XII. |
Tuy nhiên, theo ông Trung, trong Ban chấp hành Trung ương khóa XI có giới thiệu 4 người ở lại với cương vị này với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư khóa XI, là 5 người. Ông Nguyễn Phú Trọng là người được Bộ Chính trị thống nhất giới thiệu ra Trung ương. Tuy nhiên, cả 4 người này đều làm đơn báo cáo lên Trung ương khóa XI xin rút khỏi vị trí Tổng Bí thư.
Tướng Trung cho biết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 đã làm rất dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho rút mà đã đưa cả 4 trường hợp này ra trước Hội nghị Trung ương 14 để bỏ phiếu kín, sau đó Hội nghị Trung ương 14 đã kết luận là cho cả 4 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, được phép rút. “Như vậy, chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị nhất trí giới thiệu. Các đồng chí khác hoàn toàn tự nguyện xin rút, nhưng Trung ương chưa cho rút thì phải bỏ phiếu kín. Trung ương cũng đã hết sức dân chủ, đoàn kiểm phiếu 22 đồng chí đã kiểm phiếu mới có kết quả là đồng ý cho 4 đồng chí này rút” - ông Trung cho biết.
“Như vậy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng dù lớn tuổi nhưng được Trung ương khóa XI đồng ý là trường hợp đặc biệt để tái cử vào chức danh Tổng Bí thư khóa XII” – ông Trung nêu rõ.
Theo ông Võ Tiến Trung, trong Đại hội có Đại biểu ngoài Trung ương đề cử cả 4 đồng chí đã xin rút thì vẫn đúng quy định và nếu 4 đồng chí này xin rút hoặc không xin rút thì Đại hội vẫn phải bỏ phiếu hoặc biểu quyết (đó là do quyền của Đoàn chủ tịch) để đưa ra quyết định cuối cùng là có cho rút hay không. Đại hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất. Nếu Đại hội bỏ phiếu quá bán không cho rút thì các đồng chí đó lại tiếp tục ứng cử.
Theo hướng dẫn từ Hội Nghị Trung ương lần thứ 13, nếu một Ủy viên Trung ương khóa XI giới thiệu ứng cử viên mới để bầu và Ban chấp hành Trung ương khóa XII thì người giới thiệu phải chuẩn hồ sơ trích ngang của người được giới thiệu và phải báo cáo trước Trung ương. Nếu người được giới thiệu hiện là Ủy viên Trung ương khóa XI thì Ban Tổ chức Trung ương có lưu lại tất cả hồ sơ nên nếu người giới thiệu cần thì có thể được cung cấp. Sau đó, đến trước Đại hội, hồ sơ này phải cung cấp đến các Đại biểu dự Đại hội để xem xét đồng chí đó có xứng đáng không.
Cũng theo ông Võ Tiến Trung, tại Đại hội, Đại biểu có quyền giới thiệu ứng cử viên mới vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa XII nhưng không kịp chuẩn bị hồ sơ thì vẫn có giá trị. “Trong chiều nay 23-1 và ngày mai 24-1 họp tại từng Đoàn Đại biểu, các Đại biểu bình thường (không phải là Ủy viên Trung ương khóa XI) có quyền giới thiệu người mới vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Và người giới thiệu phải khẳng định biết rất rõ về người được giới thiệu, quá trình công tác, công lao, đạo đức thế nào nhưng vì không có thời gian chuẩn bị hồ sơ nên chỉ mới giới thiệu. Và Ban Tổ chức Trung ương sẽ có trách nhiệm tìm và chuẩn bị hồ sơ người đó giúp Đại hội” - ông Trung giải thích.
“Tất nhiên là trừ những người là Ủy viên Trung ương khóa XI như tôi vì những người đã được quyền giới thiệu người mới tại các Hội nghị Trung ương 12, 13, 14 và Trung ương đã biểu quyết thông qua danh sách đó rồi” - ông Trung cho biết.
Theo P.Dương - T.Dũng/ Người Lao Động