Chiều ngày 8/3/2017, Thanh tra Bộ Nội vụ vừa công bố thông báo kết luận Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý của Bộ Công Thương. Trước đó, Bộ Nội vụ đã tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2016 của Bộ Công Thương.
|
Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh Báo Lao Động. |
Nhiều thiếu sót trong bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo ở Bộ Công Thương
Theo Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định bổ nhiệm 97 trường hợp (năm 2015 có 63 trường hợp, năm 2016 có 34 trường hợp) gồm 55 trường hợp cấp vụ, 42 trường hợp cấp phòng; điều động, bổ nhiệm ngang cấp 10 trường hợp (năm 2015 có 08 trường hợp, năm 2016 có 02 trường hợp); bổ nhiệm lại 05 trường hợp và kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu 01 trường hợp (cấp vụ). Báo cáo của Bộ Công Thương từ năm 2011 đến năm 2014 cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định bổ nhiệm 248 trường hợp.
Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết: “Trong giai đoạn thanh tra, Bộ Công Thương áp dụng các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý của Bộ Công Thương để thực hiện trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Đa số công chức, viên chức được bổ nhiệm đã đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý”.
Tuy nhiên, Kết luận Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ rõ, có 2 trường hợp không đáp ứng về tuổi khi bổ nhiệm lần đầu (quá 2 tháng và 8 tháng), tại thời điểm bổ nhiệm còn 31 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị, 3 trường hợp không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, 3 trường hợp không có chứng chỉ ngoại ngữ, 3 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị và ngoại ngữ, 4 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý nhà nước, 1 trường hợp không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và không có bản đánh giá, nhận xét của nơi cư trú.
Ngoài ra, có 2 trường hợp được tiếp nhận, tuyển dụng không qua kỳ thi tuyển công chức là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (trong đó có 01 trường hợp được nâng ngạch từ ngạch nhân viên kỹ thuật lên ngạch chuyên viên không qua kỳ thi nâng ngạch là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP). Bên cạnh đó, hồ sơ của 01 trường hợp được Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp nhận năm 2008 hiện không có đầy đủ tài liệu xác định việc tuyển dụng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
“Có 04 trường hợp thời điểm tiến hành quy trình bổ nhiệm lại chậm từ 45 đến 107 ngày, trong đó có 3 trường hợp thời điểm ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm từ 07 đến 76 ngày là không đúng quy định tại Khoản 3 Điều 41 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức”, Thanh tra Bộ Nội vụ nêu rõ.
Đáng chú ý, trong kết luận Thanh tra, Bộ Nội vụ nêu rõ: “ Trong giai đoạn thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương còn bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức vụ Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Quyết định số 1169/QĐ-BCT ngày 04/02/2015). Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương hiện không quản lý hồ sơ công chức của ông Trịnh Xuân Thanh vì ông Thanh đã chuyển công tác về tỉnh Hậu Giang từ ngày 27/5/2015, mặt khác các nội dung liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét”.
Ngoài ra, trong giai đoạn thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm 7 trường hợp cấp Phó Vụ trưởng ở 6 cơ quan, đơn vị vượt quá số lượng cấp phó theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ (Văn phòng Bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp địa phương).
Kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức
Từ những nội dung trên, Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các vi phạm đã được kết luận để xử lý theo quy định của pháp luật; Thực hiện đúng số lượng cấp phó của người đứng đầu theo quy định của pháp luật.
“Thu hồi quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 2 trường hợp không được tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật và các quyết định khác có liên quan (tuyển dụng, tiếp nhận, nâng ngạch...); kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tuyển dụng công chức đối với 1 trường hợp được tiếp nhận năm 2008 nêu trên và các công chức, viên chức hiện đang công tác để xử lý theo quy định đối với những trường hợp không được tuyển dụng đúng quy định của pháp luật (nếu có)”, Bộ Nội vụ kiến nghị.
Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Bộ Công Thương rà soát, cử công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng và quy định thời hạn bắt buộc để hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ; xem xét việc miễn nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với các trường hợp sau thời hạn vẫn không đáp ứng yêu cầu; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ để phù hợp với quy định hiện hành; Nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu) trong công tác tổ chức cán bộ. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về công tác tổ chức cán bộ nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục và xử lý vi phạm.
Hải Ninh