Bộ Quốc phòng lên tiếng vụ ngư dân Việt bị bắn chết ở Trường Sa

Google News

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Trọng Việt cho biết đang xác minh điều tra vụ một ngư dân Việt bị bắn chết thuộc khu vực Quần đảo Trường Sa.

Chiều 29/11, Trung tướng Võ Trọng Việt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng khẳng định đang điều tra, xác minh về thông tin một ngư dân Việt bị bắn chết ở Trường Sa.
Theo đó, thông tin từ Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu và các thuyền viên trên tàu tường trình sự việc cho biết: Chiều 26/11, tàu QNg-95861TS cho neo tàu để các ngư dân đi trên tàu thả thúng nhỏ vào các bãi rạng ở quần đảo Trường Sa hành nghề lặn biển và trên tàu chỉ còn lại 2 ngư dân là chủ tàu Nguyễn Văn Cu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) và thuyền viên Trương Đình Bảy (42 tuổi, thôn An Hải, xã Bình Châu).
Bo Quoc phong len tieng vu ngu dan Viet bi ban chet o Truong Sa
Ông Nguyễn Thanh Nam, người trực icom cộng động xã Bình Châu. Ảnh: Trần Mai. 
Lúc 18h15 cùng ngày, khi tàu đang neo đậu thì xuất hiện 2 chiếc tàu lạ áp sát và 1 tàu với 5 đối tượng xông thẳng về tàu. Ngay lập tức, 3 trong 5 đối tượng trên tàu lạ mặt được trang bị súng nhảy lên tàu với mục đích trấn áp ngư dân trên tàu.
Ngay lúc đó, ngư dân Bảy bỏ chạy về hướng mũi neo với mục đích cắt dây neo cho tàu chạy để thoát khỏi các đối tượng này thì liền bị 1 trong 3 tên dùng súng bắn chết ngay trên tàu. Sau khi bắn chết ngư dân Bảy, nhóm người này lên tàu rời đi.
Sau khi sự việc xảy ra, chủ tàu Nguyễn Văn Cu đã báo động với các ngư dân đang lặn quay trở lại tàu và đưa thi thể ngư dân Bảy về đất liền, đồng thời thông báo icom trở về cho gia đình thông báo tàu bị tấn công.
Gia đình chủ tàu Nguyễn Văn Cu đã thông báo lại cho người trực tổng đài icom cộng đồng xã Bình Châu là ông Nguyễn Thanh Nam báo tin.
Ngay lập tức, ông Nam mở lại icom dò tín hiệu và kết nối được với tàu ông Nguyễn Văn Cu. Ông Nam cho biết, hiện con tàu đang đưa thuyền trưởng Bảy trở về đất liền an toàn, không xảy ra sự cố gì và sẽ trở về tới trong 2 ngày nữa.
Ông Nam kể lại: “Khi nghe thông tin tôi cũng rất lo lắng bởi lúc đó tâm lý của ngư dân rất hốt hoảng vì ông Bảy bị bắn chết, 14 ngư dân như chết lặng và sợ hãi. Trên tàu còn có một người là con trai đầu của ông Bảy cũng theo bố đi biển ngất lên ngất xuống nhiều lần.
Ngoài thuyền trưởng Cu bình tĩnh kể lại câu chuyện còn tất cả các ngư dân khác nói giọng run run như khóc. Con trai ông Bảy chẳng nói được lời nào, không kịp nghe chúng tôi động viên đã ngất lịm”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết khu vực tàu ông Nguyễn Văn Cu neo đậu và bị tàu lạ áp sát, bắn chết một người cách đá Suối Ngọc 30 hải lý. Đá này cách đá Vành Khăn (nơi Trung Quốc cưỡng chiếm và đang xây đảo nhân tạo trái phép) 29 hải lý về phía Nam.
Được biết, đây là khu vực biển lâu nay ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt bình thường chưa bao giờ có sự việc bị tàu nước ngoài tấn công hay xua đuổi.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện các ngư dân vẫn còn giữ bốn vỏ đạn do nhóm người đi trên tàu nước ngoài bắn chết ngư dân Bảy rơi lại trên tàu cá của mình.
Theo nhận định của PGS. TS Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam: “Hội nghề cá Việt Nam cực lực phản đối, lên án hành động này. Việc đánh chết người là một hành động dã man. Đó là việc làm phi nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng đến người và tài sản của ngư dân Việt Nam".
Ông Trác khẳng định, cần có giải pháp cụ thể để bảo vệ ngư dân của mình hoạt động đánh bắt trên vùng biển chủ quyền. Ngăn chặn các hành động vi phạm của lực lượng nước ngoài. Đồng thời sớm làm rõ vụ việc để ngư dân an tâm vươn khơi.
Cũng đồng ý với nhận định này, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, ông Lưu Văn Huy lên tiếng mạnh mẽ: "Dù là lực lượng chấp pháp khác hay bất cứ lực lượng nào có hành động dùng vũ lực tấn công, bắn chết ngư dân ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đó là những hành động không thể nào chấp nhận được".
Ông Huy nhận định: Đây là một hành động đáng lên án phải tiến hành điều tra ngay sau ngay sau khi xảy ra sự việc như trên. Ngoài ra ngư dân cần báo cáo sự việc của thể với cơ quan chức năng của địa phương cụ thể để có hướng hỗ trợ kịp thời bảo vệ ngư dân.
Đồng thời, "kết luận điều tra cũng phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng quy rõ trách nhiệm đối với những cá nhân lực lượng chấp pháp nước ngoài đã gây ra đối với ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền”, ông Huy khẳng định.
Theo Đất Việt