Ngày 1/6, ông Phạm Thanh Thành - giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận - khẳng định việc xét nghiệm nhiễm HIV với ông Trần Ngọc Khanh được thực hiện đúng quy trình chiến lược 3 của Bộ Y tế.
|
Ông Trần Ngọc Khanh (phải) - người "bỗng dưng hết nhiễm HIV" - vui mừng với kết quả xét nghiệm âm tính HIV tại 4 cơ sở xét nghiệm khác nhau - ẢNH: NG.NAM |
Theo ông Thành, việc lấy mẫu xét nghiệm HIV từ năm 1997 là do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận thực hiện. Còn Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận được thành lập sau này vào năm 2006.
Đề nghị loại ông Khanh khỏi danh sách người nhiễm HIV
Về dư luận xung quanh chuyện nhiều người biết tin ông Trần Ngọc Khanh nhiễm HIV từ năm 1997, dẫn đến có sự kỳ thị đối xử, thì ông Thành cho rằng cán bộ y tế phải giữ bí mật cho bản thân người bệnh.
Khi được hỏi ông Trần Ngọc Khanh được cán bộ y tế địa phương giám sát đều đặn, sao lại không biết ông Khanh hết nhiễm HIV lúc nào, ông Thành cho hay ông Khanh không đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS điều trị và việc điều trị HIV dựa trên tinh thần tự nguyện.
Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Trung tâm y tế dự phòng huyện Tuy Phong về việc kiểm tra rà soát số liệu quản lý người nhiễm.
Theo đó, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận thông báo trường hợp ông Trần Ngọc Khanh (65 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong) có kết quả xét nghiệm HIV âm tính, đề nghị giám đốc Trung tâm y tế huyện Tuy Phong chỉ đạo cho cán bộ chuyên trách AIDS huyện và xã Vĩnh Hảo loại bỏ trường hợp trên khỏi danh sách quản lý người nhiễm của địa phương mình.
Như đã thông tin, vào năm 1997 ông Trần Ngọc Khanh được cán bộ y tế đưa đi xét nghiệm HIV (theo lời ông Khanh ông có sử dụng ma túy nhưng bỏ trước năm 1997) và có kết quả dương tính. Hằng tháng, cán bộ y tế đến giám sát trường hợp ông Khanh, hướng dẫn ông đi lấy thuốc uống nhưng ông Khanh không uống thuốc vì cho rằng mình không có bệnh.
Đến tháng 5-2016 thấy đã qua 19 năm rồi mà cơ thể vẫn khỏe, ông Khanh đi xét nghiệm tại 4 cơ sở y tế khác nhau thì đều có kết quả âm tính với HIV.
Độ đặc hiệu xét nghiệm HIV chỉ 90-95%
Nói thêm về quy trình xét nghiệm HIV, Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, một chuyên gia về HIV, cho biết quy trình hiện nay muốn khẳng định một mẫu bệnh phẩm có dương tính với HIV hay không phải qua 3 lần xét nghiệm, trong đó có một lần sàng lọc và 2 lần khẳng định bằng phương pháp xét nghiệm elisa.
“Tuy nhiên độ đặc hiệu của phương pháp chỉ là 90-95%, còn lại có những trường hợp dương tính giả hoặc âm tính giả, trong đó dương tính giả nhiều hơn, còn âm tính giả chỉ 0,01%”- ông Kính cho biết.
Theo ông Kính, thế giới cũng đã có những trường hợp bị xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV nhưng thực tế không phải và ngược lại. Nhưng ông Kính cho biết chưa có thống kê về những trường hợp này, do những người có xét nghiệm dương tính thường được theo dõi hoặc tự họ đi khám lại, sau đó được phát hiện tình trạng thực tế sớm, không như ông Khanh để kéo dài tới 19 năm.
“19 năm trước cũng yêu cầu phương pháp xét nghiệm như hiện tại, và phải những đơn vị xét nghiệm được Bộ Y tế chỉ định mới được công bố trường hợp nhiễm HIV. Tuy nhiên 19 năm trước việc theo dõi không được như hiện nay”- ông Kính nói.
Trong trường hợp còn nghi ngờ xét nghiệm sàng lọc và khẳng định tình trạng nhiễm HIV, ông Kính hướng dẫn có thể làm thêm xét nghiệm PCR, nhưng chi phí xét nghiệm này tới 1,5 triệu đồng/xét nghiệm, trong khi elisa chỉ 30.000 đồng/xét nghiệm và phần lớn được các dự án chi trả nên người dân không muốn chi trả cho xét nghiệm khẳng định bằng PCR. Trường hợp vẫn còn nghi ngờ, người bệnh có thể theo dõi CD4 hoặc đo tải lượng virus để có thể đánh giá tình hình bệnh.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng xét nghiệm HIV có kết quả âm tính giả trong khi thực tế người xét nghiệm đã mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm, ông Kính công nhận điều này và cho rằng có thể người bệnh đó sẽ tiếp tục làm lây lan HIV qua đường tình dục, tiêm chích không an toàn.
Song ông Kính cho rằng tỷ lệ này rất thấp, vì vậy người có kết quả dương tính giả, âm tính giả cần được theo dõi bằng các biện pháp đặc hiệu hơn, như đo tải lượng virus, theo dõi chỉ số CD4 để có kết quả chính xác.
Không thể có chuyện bỗng dưng hết nhiễm HIV
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho rằng không thể có chuyện một người bỗng dưng hết nhiễm HIV được. Đến nay, y học chưa ghi nhận có trường hợp nào bị nhiễm HIV sau đó không còn virus này nữa.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh trường hợp nhầm lẫn về kết quả xét nghiệm HIV có thể xảy ra do nhầm mẫu xét nghiệm của người này sang người khác hoặc quy trình làm xét nghiệm chưa đủ 3 test.
Theo Tuổi trẻ