Như đã biết, sau gần 11 tháng tìm kiếm, thi thể chị Huyền đã được phát hiện tại bến đò Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo đó, vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường chính thức bước sang giai đoạn mới. Cơ quan chức năng đã công bố bản kết luận điều tra bổ sung, song điều làm dư luận quan tâm là khả năng bác sĩ “đồ tể” Nguyễn Mạnh Tường sẽ được tại ngoại do thời hạn tạm giam sắp hết.
|
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. |
Kết luận điều tra bổ sung vụ án Cát Tường
Theo bản kết luận điều tra bổ sung của cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, bị can Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường bị đề nghị truy tố về hành vi “xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” và tội “vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Nhân viên bảo vệ của thẩm mỹ viện là Đào Quang Khánh bị đề nghị truy tố về hành vi “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “trộm cắp tài sản”.
Còn vợ bác sĩ Tường là Nguyễn Thị Hằng, tuy có tham gia vào vụ việc nhưng do có hành vi ngăn cản chồng ném xác nạn nhân, nên được xác định không phạm tội. Đối với một số nhân viên trung tâm thẩm mỹ tham gia phụ giúp Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị Huyền là tội thực hiện với lỗi vô ý nên cũng không có căn cứ xử lý đồng phạm.
Đối với Nguyễn Quang Thành - bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai được Tường gọi đến giúp cấp cứu chị Huyền nhưng nạn nhân tử vong, cơ quan điều tra xác định bác sĩ Thành biết sự việc nhưng không tố cáo với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hành vi này không cấu thành tội nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự.
Cơ quan điều tra cũng xác định Thẩm mỹ viện Cát Tường của bị can Nguyễn Mạnh Tường chưa có giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội mà chỉ có giấy đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp và giấy chứng nhận hành nghề cá nhân do Bộ Y tế cấp.
|
Nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. |
Bác sĩ Tường sẽ được tại ngoại?
Tính từ thời điểm cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội bắt đầu khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tường - hung thủ vụ án vào ngày 22/10/2013, vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường đã trải qua hơn 10 tháng, qua 1 lần xét xử và 2 lần trả lại hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung. Đến nay, vụ án mới có kết luận chính thức.
Theo như trình tự quy định của điều luật trong Bộ luật Hình sự thì thời gian tạm giam điều tra với tội phạm nghiêm trọng không quá 4 tháng và thời gian gia hạn điều tra với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng là 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng. Như vậy, nếu tính cả thời gian tạm giam và thời gian gia hạn tạm giam điều tra đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thì thời hạn điều tra sắp hết. Bác sĩ Tường đang bị gia hạn tạm giam điều tra lần 2, đến 22/10/2014 thời gian tạm giam bác sĩ Tường để điều tra về hành vi phạm tội sẽ hết hiệu lực.
Việc phát hiện được xác của chị Huyền sau nhiều tháng mất tích là mấu chốt của vụ án. Và cơ quan điều tra sẽ phải vào cuộc để xác định thời điểm chết của chị Huyền trước hay sau khi bị đem đi phi tang cũng như làm rõ cách thức và thủ đoạn phi tang xác của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Nếu xác định tội danh của bác sĩ Tường như đã được khởi tố là “vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và tội “xâm phạm thi thể mồ mả” thì bác sĩ Tường nhiều khả năng sẽ được xem xét tại ngoại.
Phân tích về vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh thuộc Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam cho rằng: Nếu căn cứ theo quy định của pháp luật (khoản 6, Điều 120 Bộ luật Hình sự), “khi hết thời gian tạm giam để điều tra vụ án thì phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xem xét các biện pháp ngăn chặn khác”, khả năng bác sĩ Tường được tại ngoại có thể xảy ra. Và khi được tại ngoại thì bác sĩ Tường có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn bao gồm: Cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo theo như quy định của pháp luật.
Gia đình chị Huyền nói gì?
Trước thông tin bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường sẽ được tại ngoại vì hết thời hạn điều tra vụ án căn cứ theo các điều khoản của Bộ luật Hình sự, đa số dư luận đều không đồng tình và cho rằng bác sĩ Tường cần phải bị trừng trị nghiêm khắc.
Bà Nguyễn Thị Hiền - mẹ đẻ của chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân vụ án Cát Tường) cho biết: “Thông tin bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường được tại ngoại gia đình chỉ mới biết qua một số tờ báo chứ cũng không biết đích xác cụ thể thế nào. Vì gia đình tôi không có ai hiểu biết về luật nên căn cứ thế nào để bác sĩ Tường được tại ngoại gia đình tôi không được tường tận. Hiện cũng chưa có thông báo cụ thể gì từ phía cơ quan điều tra vụ án của con tôi. Hôm lấy kết quả xét nghiệm ADN, phía cơ quan điều tra cho biết khi nào có kết luận điều tra thì sẽ thông báo tới gia đình tôi. Đến hôm 29.8 vừa qua, gia đình đã nhận được bản kết luận điều tra. Gia đình tôi vẫn đang chờ thông tin chính xác từ phía cơ quan Công an Hà Nội thì mới biết bác sĩ Tường có được tại ngoại hay không”.
Bà Hiền cũng chia sẻ sự bức xúc trước việc bác sĩ Tường được tại ngoại: “Thực sự thì mọi người trong gia đình hết sức bất ngờ và ngạc nhiên trước thông tin bác sĩ Tường - người đã gây ra cái chết oan khuất cho con gái tôi lại được tại ngoại. Vì vụ án của con gái tôi mà gia đình đã tốn kém, lao lực không biết bao nhiêu công sức, tiền của để tìm lại thi thể con tôi bị mất tích. Gia đình vẫn đinh ninh rằng người gây ra tội ác thì sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, đảm bảo công lý. Nhưng giờ lại có thông tin hết thời hạn điều tra bác sĩ Tường được thả thì thực sự là bất công cho con tôi quá… Rất nhiều người đến nhà chia sẻ hoặc gọi điện hỏi han thông tin đều bày tỏ quan điểm không đồng tình trước việc bác sĩ Tường được tại ngoại như vậy. Có người nói “nếu cứ làm chết người, rồi mang đi phi tang xong có tìm ra cũng chỉ phải chịu tội nhẹ như vậy thì sẽ có những người dám làm theo lắm”.
Còn về kết luận điều tra của cơ quan Công an thành phố Hà Nội thì bà Hiền cho biết: “Mặc dù thấy chưa thỏa đáng với kết luận điều tra của về cái chết của chị Huyền nhưng gia đình tôi mong rằng pháp luật sẽ xử đúng người, đúng tội để đảm bảo công lý, lẽ công bằng”.
Tại ngoại hay không là do đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng về mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội
Luật sư Vũ Ngọc Trai - Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Trong vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, khi hết thời hạn điều tra, có được tại ngoại hay không là do cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá về mức độ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và các yếu tố khác như khả năng bị can bỏ trốn hoặc tìm cách cản trở các hoạt động điều tra. Do vậy, chưa thể khẳng định được là hết thời hạn điều tra thì bác sĩ Tường sẽ được tại ngoại.
Nguyễn Mạnh Tường đối diện mức án 20 năm tù
Theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, cơ quan điều tra đề nghị VKSND TP Hà Nội truy tố BS Nguyễn Mạnh Tường (cựu giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) hai tội: Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (khoản 3 Điều 242 BLHS, mức án cao nhất 15 năm tù) và xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (khoản 2 Điều 246 BLHS, mức án cao nhất 5 năm tù). Như vậy, BS Tường sẽ phải đối diện với mức án cao nhất cho cả hai tội là 20 năm tù. Trước đây, Tường chỉ bị truy tố khoản 2 Điều 242 BLHS (cao nhất 10 năm tù) và khoản 1 Điều 246 BLHS (cao nhất 2 năm tù) nên khi đó mức án cao nhất mà Tường phải đối diện chỉ 12 năm tù.
Theo Lao Động