Hà Nội đang xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”. Đề án này đưa ra lộ trình hạn chế tiến dần đến cấm đối với xe máy trên một số tuyến trục chính và một số khu vực trong vành đai 3.
Đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội từ năm 2021 này khiến nhiều độc giả nghĩ đây là một sự phân biệt vùng miền, đối xử không công bằng với những người không có hộ khẩu Hà Nội. Tuy nhiên, lại có những ý kiến cho rằng đây là một ý kiến hay, nạn ùn tắc sẽ giảm nhanh sau khi áp dụng.
"Hết sức vô lý"
Việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội từ năm 2021 đang gây “bão dư luận”.
Bạn đọc Nguyễn Thúy bày tỏ sự bức xúc: “Hết sức vô lý, dân ngoại tỉnh vào lập nghiệp, học đại học, sinh sống ở đây sẽ đi lại như thế nào? Đâu phải ai cũng đủ khả năng để sắm một chiếc xe máy mới”.
Cũng giống như Nguyễn Thúy, độc giả Sơn viết: “Biển ngoại tỉnh ở thành phố nhiều lắm, đa phần họ ra đây để sinh sống, làm việc. Cấm phương tiện của họ thì khác gì bắt họ ở nhà, mà đi xe bus thì không tiện. Đâu phải ai cũng có điều kiện mua nhà, mua xe máy biển đăng ký Hà Nội”.
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đưa ra các quy định gặp phải nhiều ý kiến trái chiều như vậy. Cụ thể, giải pháp xe biển số chẵn không được lưu hành vào ngày lẻ là biện pháp hạn chế xe máy giai đoạn 2003-2005.
“Những đề xuất nực cười, hết ngực lép, cận thị không được đi xe máy, biển số chẵn không được lưu hành vào ngày lẻ, đi xe phải chính chủ, hết cấm taxi rồi giờ đến cấm xe máy ngoại tỉnh, toàn đề xuất không hợp với hoàn cảnh của nước ta”, đó là ý kiến của bạn Nguyễn Ánh Võ khi đọc bài viết đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội từ năm 2021.
Cấm thế thì người dân đi khám chữa bệnh, đi làm ăn buôn bán, sinh viên ngoại tỉnh vào Hà Nội học thì đi kiểu gì? Đó là câu hỏi chung của không ít độc giả gửi về Zing.vn trong hàng trăm bình luận.
Độc giả Minh Minh cho rằng: “Nhà nước phải cần phát triển mạnh giao thông công cộng, bổ sung mạng lưới xe bus tiện dụng, phủ sóng rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Lúc đó không cần cấm, người dân tự bỏ xe cá nhân để đi xe công. Làm thế nào để người dân tự nguyện từ bỏ việc sử dụng xe máy chứ đừng ép buộc họ”.
Bạn Thu Hà than phiền: “Mình muốn đón xe bus cũng phải đi bộ khoảng 2 km mới điểm bus, đi 30 km trong thành phố bằng xe bus mất tiếng rưỡi, chưa kể thời gian đợi xe. Những hôm nào học sáng, mình phải dậy từ 5h để bắt đi, nghĩ tới thôi cũng đã thấy sợ”.
Việc cấm xe ngoại tỉnh sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề tiêu cực, trong vấn đề lạm phát sẽ nổi cộm nhất. Đó là ý kiến của bạn Quang Huy, xe máy là phương tiện mưu sinh của người lao động, cấm kiểu này rất dễ sinh ra lạm phát. Người có nhà ở thủ đô sẽ mua thêm vài chiếc xe bán giá cao, khi đó nạn lạm phát sẽ như một “đại dịch”.
|
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà |
Khác với những bình luận trên, nick name Hoa Trang cho rằng đây là một đề xuất có tính khả thi cao. Nick name chia sẻ: “Đây là ý kiến rất hay! Nạn ùn tắc sẽ giảm nhanh, không còn tình trạng kẹt xe hàng giờ trong các giờ cao điểm, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm đáng kể khi đề xuất này đi vào thực tế”.
Theo Hải Đăng, phương án trên giảm ách tắc giao thông khá hiệu quả, hơn nữa giải pháp này còn hướng người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay vì di chuyển bằng xe công. Hải Đăng cho rằng đây là một giải pháp hay, cần được triển khai sớm hơn.
Với độc giả Nguyễn Quang, anh hoàn toàn ủng hộ việc cấm xe này. Tôi ủng hộ việc Hà Nội cấm xe máy, nhưng trước khi cấm cần phải có lộ trình cụ thể để dân biết tạo điều kiện cho các cơ quan sắp xếp lại nơi làm việc, mọi người có thời gian xem xét phương án đi lại như thế nào cho phù hợp.
‘Phân biệt vùng miền’
“Tại sao lại chỉ cấm biển số xe tỉnh lẻ?”, “Đã cấm xe cá nhân thì nên cấm hết, sao lại chỉ cấm xe ngoại tỉnh?”... là những câu hỏi mà độc giả quan tâm xoay quanh vấn về cấm xe tỉnh lẻ đi vào Hà Nội trong năm 2021. Liệu đây có được coi là phân biệt vùng miền không?
“Không công bằng, không tôn trọng quyền của những người không có hộ khẩu thủ đô, đây giống như thể là phân biệt vùng miền vậy. Biển số xe ngoại tỉnh thì sao chứ nó chỉ khác ở đầu số 29, 30 thôi mà”, bạn Loan Nguyễn thắc mắc.
Cùng quan điểm với Loan Nguyễn, Huy Hoàng bày tỏ quan điểm: “Phân biệt xe ngoại tỉnh với xe thành phố, luật còn phân biệt thì nói gì đến người dân, mình nghĩ nên đánh thuế mua xe thật cao và cải thiện phương tiện công cộng. Như vậy sẽ giảm được kẹt xe thôi, cần gì phải phân biệt thế chứ?”
Nhiều độc giả Mai Trang, Hoàng Tân, Vũ Nam… đều có cùng ý kiến, họ cho rằng đề xuất vậy chẳng khác nào phân biệt vùng miền, mất tính tự do của người dân. Là một công dân Việt lại không được chạy xe do mình sở hữu chạy trên quê hương mình.
>>> Mời quý độc giả xem video về tai nạn giao thông (nguồn Youtube):
Theo Zing News