Cắn đứt ngón tay trẻ sơ sinh... trừ tà chấn động Đồng Nai

Google News

Vừa sinh con gái được hai ngày tuổi, theo chủ ý của người chồng, người vợ đã cắn đứt ngón tay trẻ sơ sinh… với dụng ý để dễ nuôi và trừ tà.

Cho đến giờ, những hủ tục cắn đứt ngón tay trẻ sơ sinh kinh hoàng kiểu như thế này vẫn còn xảy ra đâu đó. Theo các bác sĩ, nhà chuyên môn, việc làm này đầy nguy hại cho sức khỏe và cả tính mạng của trẻ sơ sinh, đồng thời để lại nhiều di chứng trong cuộc sống tương lai của trẻ…
Sự việc gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người phẫn nộ này vừa mới xảy ra tại Đồng Nai. Theo đó, ngày 26/1/2016, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị cho bé Lò Thị G. (2 ngày tuổi, quê Nghệ An, tạm trú huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Theo hồ sơ bệnh án, bé G. được đưa đến viện cấp cứu vào 10h ngày 25/1 trong tình trạng quấy khóc. Vết thương cụt đốt ngón tay do mẹ của bé cắn đứt được sơ cứu, cầm máu bằng lớp bông băng.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé G. có bạch cầu tăng cao, vết thương ở tay nham nhở. Do không còn đốt ngón tay để nối lại nên bác sĩ chỉ tiêm thuốc giảm đau, kháng sinh và sát trùng, điều trị vết thương. Bác sĩ Trương Thị Sang - Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, sức khỏe bệnh nhi G. đã ổn định.
Theo hồ sơ bệnh án, bé G. sinh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nặng 3,5kg, sức khỏe tốt, là con đầu lòng của cặp vợ chồng có bố là người dân tộc Thái, mẹ dân tộc Kinh. Bác sĩ Sang cho rằng, bệnh nhi này nếu không được điều trị kịp thời, nhiều khả năng sẽ bị nhiễm trùng vết thương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Can dut ngon tay tre so sinh... tru ta chan dong Dong Nai
 Bé G. vẫn đang nằm điều trị trong phòng cách ly.
Có mặt tại bệnh viện để chăm sóc mẹ con bé G., bà Lê Thị H. (50 tuổi, bà ngoại của bé G.) chia sẻ, bé là con của vợ chồng chị Lê Thị Q. (26 tuổi, quê Hà Tĩnh). Sự việc bé G. bị mẹ cắn đứt đốt ngón tay diễn ra vào khoảng 9h sáng ngày 25/1 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Trong lúc người nhà đi ra ngoài mua đồ rồi về vào tới phòng chị Q. nằm thì phát hiện cháu bé đang khóc ngặt nghẽo. Ngay lập tức, bà H. liền gọi bác sĩ tới thăm khám mới phát hiện đốt ngón tay út cháu G. đã lìa ra. Các bác sĩ tiến hành băng bó vết thương rồi chuyển gấp cháu bé tới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Thấy chuyện quá bất thường, người nhà bà H. gặng hỏi thì chị Q. nghẹn ngào cho biết, chinh chị là người cắn đứt đốt ngón tay của con. Nhưng hành động này là một nghi lễ theo phong tục của nhà chồng là anh Lộc Văn B. (32 tuổi, người dân tộc Thái, quê ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Theo đó, sau khi vợ sinh con, anh B. đã yêu cầu vợ phải hoàn tất phong tục của dân tộc mình là cắn ngón tay con gái cho "dễ nuôi" và để "trừ tà".
Nghe lời chồng, chị Q. đã thực hiện dù con chỉ mới được hai ngày tuổi. Hành động của chị Q. khiến nhiều người trong bệnh viện ngỡ ngàng và kinh ngạc, thậm chí căm phẫn. Họ không tưởng tượng được đến giờ mà vẫn còn tồn tại những hủ tục kỳ quặc và có phần ghê sợ như vậy.
Qua tìm hiểu được biết, vợ chồng chị Q. cưới nhau năm 2013. Trước đó, chị Q. học tại Đại học Vinh và có tình cảm với anh B. Sau khi cưới nhau, hai người vào Biên Hòa (Đồng Nai) làm công nhân. Chị Q. dù có bằng tốt nghiệp đại học, nhưng chưa xin được việc đúng chuyên ngành nên vừa làm công nhân vừa chờ đợi cơ hội xin việc phù hợp. Chị Q. là con thứ hai trong gia đình có ba anh chị em, còn anh B. sinh ra trong gia đình có sáu anh chị em. Sau khi lấy chồng, chị Q. đã phải tập thích nghi với nhiều phong tục khác lạ bên nhà chồng.
Theo lời bà H. kể lại thì những ngày đầu về nhà chồng, chị Q. từng nói nhiều về việc nhà chồng có nhiều nghi lễ lạ. Thế nhưng vì tình yêu, vì đã là người một nhà nên chị phải làm theo. Lúc cắn ngón tay con gái, chị Q. cũng không dám nói với mẹ ruột vì sợ bị phản đối. Hơn nữa, lúc đó anh B. nói phải giữ kín mọi việc, bởi nếu không sẽ… "mất thiêng".
Can dut ngon tay tre so sinh... tru ta chan dong Dong Nai-Hinh-2
 Bà H. - bà ngoại bé G. chia sẻ về sự việc.
"Đúng là tôi đã từng nghe nói người dân tộc Thái có hủ tục cắn ngón tay như vậy nhưng đó là chuyện của ngày xa xưa. Thời gian qua, con gái tôi mang thai rồi đến ngày sinh cũng không nghe nó nói gì tới việc cắn đứt ngón tay cháu ngoại tôi cả. Khi sự việc xảy ra, tôi rất ngạc nhiên và buồn bã, trên hết là xót thương đứa cháu ngoại chỉ mới hai ngày tuổi đã phải chịu đau đớn như vậy. Riêng con rể B. mấy hôm nay không nói gì cả, chỉ tâm sự rằng nó cũng buồn và phân tâm nhiều.
Hiện B. vẫn phải chạy qua Bệnh viện Đa khoa chăm vợ và tranh thủ quay về bệnh viện bên này ghé thăm con gái. Tôi thấy B. cũng đã biết hối lỗi về việc bắt vợ phải cắn đốt ngón tay con. Nó có chia sẻ cùng chúng tôi và bác sĩ là chỉ vì muốn con gái dễ nuôi và khỏe mạnh, thông minh nên làm theo phong tục cha ông để lại thôi chứ không có ý đồ gì khác", bà H. chia sẻ.
Khi trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Thị Sang nhớ lại một trường hợp tương tự vào cuối năm 2012, bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị mẹ là chị Đ.T.S (quê ở tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tại TP. Biên Hòa) cắn đứt hai đốt ngón trỏ bàn tay trái cũng vì lý do là để... dễ nuôi và tránh tà ma. Tuy vậy, sau khi vụ việc bị phát hiện và báo chí tìm hiểu, phản ánh, dư luận bàng hoàng khi biết gia đình nhà chồng của sản phụ Đ.T.S đã có "truyền thống" thực hiện hành vi cắn ngón tay con cháu ngay sau khi sinh và họ coi đó như một "bí quyết nuôi con" của gia đình mình (?!)
Theo đó, ngày 2/12/2012, các nữ hộ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai phát hiện hành vi của chị Đ.T.S sau khi sinh con ra được ít giờ đồng hồ đã cắn đứt hai đốt ngón tay trỏ bàn tay trái của con trai mình. Ngay sau đó, cháu bé đã được cách ly khỏi mẹ và chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. May mắn là đốt ngón tay của cháu bé đã được các bác sĩ nối lại kịp thời do sự việc được phát hiện sớm.
Theo lời giải thích của vợ chồng chị S., việc chị S. cắn đứt hai đốt ngón tay của con mình là do nghe theo lời mẹ chồng là bà L.T.H. Trước khi sinh con trai thì vợ chồng chị S. đã từng sinh được một bé gái nhưng chỉ được 9 ngày thì mất đột ngột. Sau đó, chị S. tiếp tục có thai rồi vợ chồng đưa nhau vào Đồng Nai sinh sống. Hàng ngày anh L.Đ.D, chồng chị S. đi làm phụ hồ, còn chị S. làm công nhân.
Can dut ngon tay tre so sinh... tru ta chan dong Dong Nai-Hinh-3
 
Can dut ngon tay tre so sinh... tru ta chan dong Dong Nai-Hinh-4
 Một số trường hợp trẻ và người lớn cũng bị cắn đứt ngón tay đã xảy ra trước đây.
Khi chị S. sinh con trai, mẹ chồng là bà L.T.H từ Thanh Hóa gọi điện thoại vào cho biết: Thầy bói phán rằng ngay khi sinh con xong, chị S. phải cắn đứt hai đốt ngón tay trỏ của con rồi nuốt vào bụng thì mới nuôi được. Thầy bói còn nói rằng, do đứa đầu không cắn ngón tay nên cháu đã chết sớm sau khi lọt lòng, nên đứa này phải cắn hai đốt, một đốt là thay cho chị nó cách đó hai năm. Nếu không cắn ngón tay thì "con ma" sẽ lại bắt đứa đứa trẻ sơ sinh. Việc người mẹ cắn đứt một đốt ngón tay của con mình rồi nuốt, coi đó là việc "ăn trước con ma đó" thì nó mới không bắt cháu bé đi được (?!)
Lúc nhận được điện thoại của mẹ chồng, chị S. hoang mang không biết phải làm như thế nào vì sợ con đau đớn, nhưng nếu như sau đó con có mệnh hệ gì nếu không cắn ngón tay nên chị nhắm mắt làm theo lời mẹ chồng.
Tuy vậy, theo tìm hiểu thì các anh chị của bà L.T.H. khi sinh ra đều chết yểu, bản thân bà H. cũng mất hai đứa con đầu lòng. Từ đó, chồng chị S. và người em của anh này khi mới sinh ra đều bị bà L.T.H. cắn đứt một đốt ngón tay rồi nuốt vào bụng. Theo bà L.T.H. thì sau khi cắn, bà chỉ dùng miếng vải màn băng bó vết cắn lại, không dùng thuốc nhưng chỉ vài ngày là vết thương tự lành miệng.
Theo các bác sĩ, hiện tại, với hành động dại dột của chị Q., sức khỏe của đứa con sơ sinh đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Cháu bé bị cắn đứt ngón tay nếu không chữa trị kịp sẽ nhiễm trùng, gây những biến chứng nguy hiểm. Chưa kể hành động này còn bị dư luận xã hội lên án, phê phán mạnh mẽ. Không những thế, thương tật của những đứa bé còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến các bé khi lớn lên bị mặc cảm, khả năng lao động, hòa nhập cuộc sống của chúng sau này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Qua những vụ việc này cho thấy, phong tục tập quán và lối sống lạc hậu vẫn còn hiển hiện đâu đó ở nhiều nơi trên đất nước ta.
Chia sẻ về vụ việc, bà Trần Thị Thuận - Phụ trách truyền thông Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nêu ý kiến: "Sự việc xảy ra với cháu G. là rất đáng tiếc. Nhiều người cảm thương cho cháu bé. Thực tế, chúng tôi cũng đã tìm hiểu phong tục này của người Thái (chủ yếu sinh sống tại một số vùng núi thuộc tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa) nhưng chúng tôi được biết, cho đến nay không còn tồn tại hủ tục cắn ngón tay trẻ sơ sinh. Điều lạ là chị Q. là người Kinh, có học vấn, vậy mà không hiểu sao lại tin vào một điều vô lý đến vậy. Tôi nghĩ đây là hủ tục đã vô cùng lạc hậu, cần phải bị loại bỏ".
Theo CAND