Theo bản cáo trạng vụ án "cậu Thủy" làm giả hài cốt liệt sĩ, Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên là những đối tượng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chấp hành xong hình phạt trở về sinh sống tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội bằng thủ đoạn lợi dụng lòng tin của tổ chức và người có nhu cầu tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, làm cho họ tin tưởng, Thúy và Duyên có khả năng tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ thông qua lĩnh vực tâm linh dưới danh nghĩa “Nhà ngoại cảm” nhằm chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện hành vi, Thúy tự xưng là nhà ngoại cảm có khả năng tìm thấy hài cốt. Kể từ năm 2008, Thúy bắt đầu hành nghề, Thúy và Duyên đã rủ Nguyễn Văn Hoành (em ruột của Thúy), Mẫn Đức Phương (em ruột của Duyên), Nguyễn Anh Chiến và Nguyễn Trường Sơn (con rể của Duyên) cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội.
Khi có người liên hệ nhờ Thúy tìm kiếm mồ mả, hài cốt, thúy chỉ cần lấy tiểu sành cũ chôn, làm giả nơi có mộ. Nhiều khi tìm kiếm, Thúy còn cố tình nói cho người chứng kiến nghe để tạo lòng tin. Thời gian đầu, Thúy làm chủ yếu cho “có tiếng” chứ chưa ra giá mà do các gia đình tự nguyện chi trả, tùy theo hoàn cảnh của gia đình.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Thúy tại phiên tòa. |
Thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của Thúy và Duyên là khi nhân thân các gia đình liệt sĩ có nhu cầu tìm kiếm hài cốt, Thúy yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến liệt sĩ như: họ tên, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh,…
Đồng thời thỏa thuận giá cụ thể với họ, trong đó phải đặt tiền trước cho Thúy từ 10 – 15 triệu đồng gọi là Lễ trình, lúc nào tìm được hài cốt thì Thúy sẽ gọi điện báo và hẹn thời gian, địa điểm gặp, tổ chức cất bốc. Sau khi hoàn thành việc tìm kiếm, thân nhân các gia đình liệt sĩ phải đưa tiếp cho Thúy từ 100 triệu đồng trở lên, gọi là Lễ tạ.
Để phục vụ cho việc nhận tiền của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm kiếm, Duyên đã đứng ra mở 2 tài khoản tại Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương chi nhánh Tiên Sơn – Bắc Ninh và Ngân hàng cổ phần công thương chi nhánh 146 tây Hà Nội.
Có được thông tin của liệt sĩ từ gia đình người thân, ban ngày, Thúy - Duyên đưa cả nhà đến Nghĩa trang ở các tỉnh Ọuảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thắp hương giả vờ là khách viếng Nghĩa trang để quan sát tìm chọn khu vực mộ và hướng dẫn cho Hoành, Chiều, Phương và Sơn vào đó lấy trộm hài cốt.
Đợi đêm xuống, Hoành, Sơn, Chiều, Phương mang theo dụng cụ gồm: 1 xà cày dài khoảng 80cm, đèn pin tiểu, một số tấm vải( kích thước 2 X 2m/ 01 tấm) dùng để bỏ đất hoặc cát lấy từ trong mộ ra, chổi rơm dùng để xóa dấu vết, túi nilon màu đen để đựng xương cốt; các vật dụng này được Duyên mua tại chợ mang theo để thực hiện hành vi lấy trộm xương cốt liệt sỹ tại các Nghĩa trang liệt sỹ.
Việc lấy trộm xương cốt được thực hiện bằng nhiều cách tùy theo kết cấu của mộ, tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Tuyên Hóa, Hoành, Sơn, Chiều, Phương dùng một chiếc xà cày cậy phân thân mộ lật về một bên, sau đó trải tấm vải và bốc đất cát trong mộ bỏ vào đó, lấy hài cốt trong mộ bỏ vào túi nilong màu đen, lấy xong chúng đưa thân mộ lại vị trí cũ.
Ngày 10/12/2011, cán bộ quản trang phát hiện phần thân mộ bị cậy nên báo cáo cho Phòng Lao động - Thương binh - xã hội, đồng thời có Văn bản báo cáo Cơ quan chức năng.
Tại các Nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, việc lấy hài cốt liệt sỹ thực hiện bằng cách dùng tay thọc vào lấy cát trong phần mộ liệt sỹ chưa biết tên bỏ vào tấm vải trải một bên mộ, khi đến nắp đậy của tiểu sành thì dùng xà beng thọc xuống làm vỡ nắp, dùng tay lấy xương hài cốt bỏ vào túi nilon màu đen, lấy xong chúng đổ toàn bộ đất cát vào mộ như ban đầu, dùng chổi quét xóa dấu vết.
Còn tại Nghĩa trang liệt sỹ Hương Điền thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế do tấm đậy nắp mộ đúc dày, nặng phải 2,3 người mới thực hiện được nên cả nhóm bê nắp mộ bỏ xuống rồi lấy cát, mở nắp tiểu sành thực hiện các hành vi phạm tội tương tự.
Dưới sự chỉ đạo của Thúy - Duyên; Nguvễn Văn Hoành, Nguyễn Anh Chiều, Mẫn Đức Phương và Nguyễn Trường Sơn đã lấy trộm khoảng 70 bộ hài cốt của các liệt sỹ chưa biết tên. Tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình(2 lần 20 mộ); Nghĩa trang liệt sỹ huyện Gio linh, tỉnh Quảng Trị (1 lần 20 mộ); Nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (nhiều lần khoảng 9-10 mộ); Nghĩa trang liệt sỹ Hương Điền thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế (2 lần khoảng 20 mộ).
Sau khi lấy được xương cốt Hoành, Sơn, Phương, Chiều bỏ vào xô nhựa đưa vào chôn tập kết tại khu vực đất cát cạnh Cây xăng Ngô Đồng 3 thuộc địa phận xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để khi cần thì lấy đưa đi chôn làm giả vị trí có chôn cất liệt sĩ.
Vì đặc điểm liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ là đang còn xương cốt, nên Thúy - Duyên đã tìm mua đồ dùng cũ từ các nguồn khác nhau gồm: Bi đông, ăng gô, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo của bộ đội... Thủy và Phương trực tiếp thực hiện khắc một số thông tin của một số liệt sỹ lên bi đông, ăng gô... Công việc này được thực hiện tại phòng ngủ của Thúy. Ngoài ra, Duyên, Phương, Hoành còn lấy đất đen ở gần các khu công nghiệp để rải chung cùng xương cốt, đồ vật khắc tên liệt sĩ khi làm giả hiện trường nơi chôn cất liệt sỹ tại các địa phương.
Trước khi làm giả hiện trường, Duyên đưa hài cốt từ vị trí tập kết về tại nơi nghỉ và trực tiếp cùng Sơn kiểm tra, chia hài cốt thành các nhóm xương rồi bỏ vào các túi bóng khác nhau. Để tiện cho việc đi lại làm giả mộ tập thể, khi đến địa bàn nào thì Duyên tìm mua 1 xe máy cũ (Sơn là người đứng tên, Duyên trả tiền) giao cho Phương, Hoành và Sơn sử dụng đi làm giả hiện trường trong đêm và sau mỗi lần làm xong Duyên bán lại xe máy này cho cửa hàng nơi mua.
Việc đào hố chôn hài cốt liệt sỹ (kích thước lớn bé, vị trí đầu chân, di vật có tên liệt sỹ đặt vào hố nào....) đều do Thúy - Duyên hướng dẫn, vẽ sơ đồ giao cho Hoành, Phương và Sơn thực hiện. Quá trình đào hố, Hoành, Phương, Sơn sử dụng tấm vải đặt bên cạnh, lấy đất trong hố đào bỏ vào đó, không cho rơi vãi ra ngoài làm xáo trộn hiện trường. Sau đó, sử dụng môi múc canh để múc đất tạo hình sọ người, sống lưng và rải một lớp mỏng đất đen mang theo xuống dưới hố, sắp xếp hài cốt theo hình người: xương ống tay, ống chân theo vị trí tay, chân; xương sọ ở vị trí đầu...
Tiếp theo chúng đặt đồ vật xuống và rải một lớp đất đen lên xương cốt, đồ vật và để đất gắn kết chặt lại, dùng nước đổ vào để kết dính giữa đất đen và xương. Sau cùng chúng lấp đất, dùng chân nện cứng và rải nước để ngụy trang bề mặt.
Sau khi làm giả nơi có hài cốt liệt sỹ cần tìm, Thúy gọi điện thông báo thời gian, địa điểm tìm kiếm, cất bốc hài cốt cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu tìm kiếm mà chúng đã chuẩn bị. Thúy cho cắm hương xác định vị trí có xương cốt, đồ vật đã làm giả và chờ đến chiều tối hoặc đêm xuống mới cho tiến hành khai quật. Khi khai quật thì Duyên là người trực tiếp xuống cất bốc hài cốt để tránh sự phát hiện những sai sót mà đồng phạm đã làm trước đó.
Ngoài ra, trong quá trình “Tìm kiếm, cất bốc hài cốt”, Thúy còn cho Chiều hoặc Phương sử dụng camera ghi lại đưa về biên tập, dàn dựng ghi thành đĩa VCD và bán lại cho nhiều người, nhằm đưa ra các thông tin Thúy có khả năng ngoại cảm với nhiều người. Để đề phòng bị phát hiện Thúy luôn mang theo 2 Giấy báo tử và Bằng tổ quốc ghi công của 2 anh trai mình là liệt sỹ khi trộm hài cốt và làm giả hiện trường nơi chôn cất hài cốt các liệt sỹ.
Với thủ đoạn trên Thúy, Duyên và các đồng phạm đã nhiều lần làm giả nơi có chôn liệt sỹ ở tại các tỉnh Quảng Trị, Đăk Lăk, Bình Phước nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức và cá nhân.
Hồng Liên