Sinh ra với giới tính không mong muốn, nhiều người bị kỳ thị khiến cuộc sống của những người chuyển giới ở Sài Gòn gặp nhiều khó khăn, bế tắc. Họ phải sông một cuộ sống cay đắng, tủi nhục khi đối diện với người thân, và sự xăm soi, miệt thị của người đời.
Cha mẹ đặt tên là Trần Lê Quốc Trí (18 tuổi, quận 3), nhưng thanh niên này lại muốn được mọi người gọi là cô hoặc chị. Để được sống với giới tính thật của mình đồng nghĩa với việc Trí phải đối mặt với sự đau đớn, kỳ thị của xã hội.
Trí cho biết, em mồ côi cha từ nhỏ. Dù được sống trong tình yêu của mẹ nhưng thường bị hàng xóm chế giễu "biến thái". Ở trường, em thường bị bạn bè xa lánh, cô lập, thậm chí còn bị bạn chặn đường đánh vô cớ chỉ vì giống con gái.
Một lần bị đánh oan, Trí nhờ cô giáo can thiệp. "Nhưng giáo viên này chỉ nói 'thì đúng như vậy mà'. Sau đó, cô ta còn đánh cuốn sách vào mặt đứa trẻ chưa đủ nhận thức mình là ai", Trí kể.
|
Trần Quốc Trí muốn sống thật với giới tính của mình. Ảnh do nhân vật cung cấp |
"Bị cô giáo sỉ nhục trước mặt bạn bè, lúc đó em chỉ muốn chết", Trí nhớ lại. Sau trận đòn ấy, về nhà em hỏi mẹ "con là ai?". Mẹ ôm em vào lòng và khóc", Trí chia sẻ.
Người mẹ biết Trí không phải là con trai từ những lần dẫn em đi chợ. Trí chỉ thích những con búp bê, cài lên tóc chiếc kẹp con bướm mà không phải rô bốt, xe hơi, súng nhựa.
12 tuổi, Trí bắt đầu dần nhận ra mình là con gái trong hình hài con trai. Không được bạn bè, mọi người xung quanh chấp nhận, em sống trong bóng tối và lưu lại ý nghĩ của mình qua các bức tranh. Lật hết cuốn tập Trí vẽ đều là nét mặt sắc lạnh, gai góc của một cô gái.
Trí thừa nhận đó là khuôn mặt mình lúc bị kỳ thị. "Em ví mình như con nhím xù lông, giương hết những chiếc gai nhọn lên để chống chọi với cay nghiệt mà cuộc đời dành cho mình", Trí buồn khi kể về những bức tranh.
Muốn bước ra khỏi thế giới cô độc, Trí bỏ học lớp 9 rời quê Bình Thuận vào TP HCM để tìm cho mình một cuộc sống mới.
Khao khát được học trò gọi là thầy
Được sinh ra là con gái với cái tên Nguyễn Thị Trúc Phương, nhưng cô lại muốn đặt cho mình là Nguyễn Trí Phong. Phương cho biết khi nhỏ thích mặc đồ con trai. Lúc đó còn nhỏ, cô chưa nhận diện rõ giới tính của mình là nam hay nữ.
Cho tới năm 18 tuổi, Phương phát hiện cô chỉ có tình cảm với những bạn nữ. "Đến năm 2010, sau khi đọc những kiến thức trên mạng về chuyển giới thì mới nhận ra mình là con trai sinh nhầm trong cơ thể của một cô gái", Phương bộc bạch.
Lúc đó, cô cắt tóc, thay đổi hình dáng, trang phục thì cha mẹ khó chịu. Tuy nhiên về sau, mẹ cô nói "con lớn rồi, muốn sống sao cũng được". "Lúc đó tôi mới biết tôi là ai và sống thật với chính mình", Phương kể.
Sau khi tốt nghiệp đại học, với đầu tóc và ăn mặc như con trai, Phương nộp hồ sơ đi dạy tiếng Anh.
"Khi gọi đến tên mình, trưởng phòng nhân sự nhìn rồi hỏi em Trúc Phương à? Dù rất muốn nói tên là Phong, là con trai nhưng cuối cùng tôi lại im lặng nên mọi người vẫn gọi là cô, dù thực sự trong thâm tâm, tôi muốn học sinh gọi mình là thầy", Phương kể.
Là người chuyển giới có gì sai?
Đó là câu hỏi luôn xuất hiện trong suy nghĩ của Trần Khánh Vi (22 tuổi, quận 3) từ lúc còn là cô học sinh trung học cơ sở cho hết những năm cấp 3.
Vi kể, từ năm lớp 8, em nhận thấy mình có sự khác lạ so với bạn gái cùng lứa và luôn tự hỏi "tôi là ai?". Đến lớp 10, qua những tìm hiểu về người đồng tính, chuyển giới, song giới từ Internet, Vi nhận ra mình là con trai nhưng tạo hóa lại bỏ vào cơ thể con gái.
Em thích được mặc áo quần con trai, muốn bỏ mái tóc dài nhưng mẹ phản đối và rất buồn. "Đó là một cuộc đấu tranh khốc liệt và dày vò bản thân. Lúc nào em cũng đứng giữa lựa chọn: chấp nhận sống trong thân thể con gái này để mọi người không buồn lòng hay cứ bộc lộ hết ra, công khai giới tính thật và sống cho mình", Vi kể.
Cố kìm nén khiến em hoang mang và sợ, không tiếp xúc bất kì ai. Có lúc em bị người khác sàm sỡ nhưng không dám kể với mẹ. Đi học thì chỉ ngồi một chỗ, không nói không cười nên em không có bạn.
|
Trần Khánh Vi và Trương Hải Minh. Ảnh: Trường Nguyên. |
"Về nhà thì em trốn trong góc phòng chịu đựng cơn giằng xé, đòi trỗi dậy trong cơ thể con gái này. Đôi khi em nhốt mình liên tục 3 ngày để kìm hãm mong muốn được sống đúng với 'thằng con trai' trong thân xác mình", Vi nhớ lại giai đoạn đau khổ của mình.
Hết cấp 3, Vi lên Sài Gòn ôn thi đại học và quyết định cắt bỏ mái tóc dài. Đó là bước ngoặc lớn trong cuộc đời cô gái chuyển giới. Tuy nhiên, đến tận giờ này em vẫn không dám thừa nhận với gia đình mình là người chuyển giới.
"Là người chuyển giới có gì sai mà xã hội lại dùng định kiến phán xét chúng em như những kẻ tội lỗi, xấu xa. Người chuyển giới chỉ là khác biệt với người có giới tính bình thường, và làm được những việc như mọi người chứ đâu phải phạm pháp. Tụi em sống và mong muốn có được hạnh phúc như bao người khác thì tại sao phải nhận lấy sự dè bỉu, xỉa xói của người khác", Vi nói.
"Chúng tôi chỉ khác biệt chứ không thấp kém"
Theo "chàng trai" này, hiện đa phần mọi người nhầm lẫn giữa người đồng tính, song tính, chuyển giới. Mọi người gọi chung hết những dạng giới này là đồng tính. Để bảo vệ, giúp và phấn đấu vì quyền lợi của mình, những người này thường tập hợp thành từng cộng đồng LBGT (tập hợp người chuyển giới nam và nữ, người song giới và chuyển giới).
Cũng là người phẫu thuật từ nữ sang nam, nhưng Trương Hải Minh (25 tuổi, ngụ quận 9) lại có hoàn cảnh khác. Ngay từ nhỏ, cô gái này đã có những biểu hiện rõ rệt của người chuyển giới. Cô không muốn mặc đầm con gái, khi đi vệ sinh thì cô chỉ thích đứng chứ không muốn ngồi như người bình thường. "Mẹ em thấy vậy thì mắng, nói con gái không được như vậy nhưng em luôn thấy mình có sự khác thường", Minh chia sẻ.
Đến những năm học cấp 3, qua những tìm hiểu về cộng đồng người chuyển giới, cô xác định mình là người chuyển giới và quyết định công khai.
"Cha mẹ em khá sốc và buồn khi em nói sự thật. Định kiến xã hội đã đóng khung người con gái lớn lên phải lấy chồng sinh con, những chuyện đồng tính hay chuyển giới có người còn xem đó là một căn bệnh phải chữa trị. Thật sự người chuyển giới ở Việt Nam rất đơn độc và gặp nhiều khó khăn trên con đường sống thật với giới tính của mình", Minh nói.
Theo "chàng trai" này, người chuyển giới nữ - nam hay ngược lại đều sống rất khép mình với mặc cảm và sợ sệt. Có nhiều người cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà để tránh tiếp xúc với xã hội, tối đến mới dám diện áo quần, trang điểm (nếu là nam chuyển giới nữ) đi gặp bạn bè giống mình.
Những bạn trẻ chuyển giới cho biết, để được sống thật với giới tính của mình, nhiều người tìm kiếm phương pháp chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc ngược lại. Người nhiều tiền có thể sang Thái Lan phẫu thuật, người chưa có điều kiện thì áp dụng cách tiêm hormon đều đặn.
Dù nhiều tiền hay ít tiền, phẫu thuật hay tiêm thuốc thì người chuyển giới phải đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, đôi khi là cả tính mạng mình. Đó là một con đường gian nan và kéo dài.
Người chuyển giới (transgender) hay còn gọi là hoán tính, là trạng thái tâm lý giới tính của một người không phù hợp với giới tính của cơ thể. Chẳng hạn, một người sinh ra với cơ thể nam nhưng cảm nhận giới tính mình là nữ hoặc một người sinh ra với cơ thể nữ nhưng lại cảm nhận giới tính của mình là nam. Cảm nhận này không phụ thuộc vào việc người đó có làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay chưa. Trong trường hợp người chuyển giới mà thực hiện phẫu thuật theo giới tính mình mong muốn gọi là người chuyển giới đã phẫu thuật. (Theo Wikipedia)
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, có gần 600 người đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại.
Nhóm người này đề xuất được sửa đổi về giấy tờ hồ sơ cá nhân, xác định giới tính và thay tên gọi của họ sau khi phẫu thuật thành công.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa cho phép thay đổi hồ sơ cá nhân cho những người thực hiện việc chuyển đổi giới tính. Hiện tại, nước ta chỉ cho phép sửa đổi với người có khiếm khuyết về nhiễm sắc thể hoặc bộ phận sinh dục, dẫn đến giới tính thực tế không phù hợp ngoại hình.
Theo Zing