Những ngày gần đây người đến thăm quan triển lãm sinh vật cảnh Mỹ Đình (TP. Hà Nội) không khỏi trầm trồ trước tấm đá ngọc Serpentine dài 3,24 mét; rộng 2,11 mét; dày 0,66 mét; nặng 16 tấn của ông Nguyễn Văn Việt.
Theo lời ông Việt, tấm đá tự nhiên này được mua lại từ một người dân ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Sau khi mua về, tấm đá được 10 người thợ chế tác trong suốt 1 tháng trời mới hoàn thiện.
Trước đó, vào tháng 1/2018, một tấm đá ngọc Serpentine có hình dạng tương tự cũng được trưng bày, rao bán tại triển lãm sinh vật cảnh Mỹ Đình với giá 2,2 tỷ đồng. Có thông tin nói rằng, một người đến trả giá tấm đá này 1,4 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán.
|
Tấm đá ngọc Serpentine trưng bày ở triển lãm sinh vật cảnh Mỹ Đình được chủ nhân rao bán 2,6 tỷ đồng. |
Khi đó, một người tên Đỗ Minh Quân nhận là chủ nhân của tấm đá ngọc này cũng khẳng định anh mua lại từ xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái.
"Có những khối đá to hơn nhưng người dân không thể vận chuyển từ trên núi xuống được .Việc vận chuyển rất khó khăn và bị vỡ nên tấm phản màu xanh ngọc này là lớn nhất, đẹp nhất Việt Nam" - ông Quân nói.
Ngoài ra, ông Quân còn cho biết, đá ngọc Serpentine tự nhiên được chế tác thủ công nên có độ bền rất cao.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khoảng sản cho biết, đá ngọc Serpentine là loại đá khá mềm. Với độ cứng kém thì đá ngọc Serpentine chỉ có thể được sử dụng để làm đồ trang sức như vòng tay hay mặt nhẫn. Đá Serpentin làm đồ trang sức độ bóng của đá sau một thơi gian sử dụng có thể mờ và mất đi độ bóng.
TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đá ngọc Serpentine ở Việt Nam phân bố chủ yếu ở các tỉnh Yên Bái, Gia Lai, Đắk Lắk... mỗi tỉnh thì loại đá này lại cho ra màu khác nhau.
"Đá Serpentine là tài nguyên thiên nhiên, tải sản của quốc gia nên đơn vị nào muốn khai thác phải được cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định, cấp phép. Nhưng thực tế, loại đá này lại bị khai thác tràn lan ở nhiều địa phương. Có những tấm đá Serpentine nặng hàng chục tấn được ra bán công khai với giá nhiều tỷ đồng mà không có giấy tờ đầy đủ" - ông Văn cho biết.
|
Trước đó, 1 tấm đá ngọc Serpentine cũng được rao bán 2,2 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng, hai tấm đá này là một. |
Theo Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý vấn đề này để không gây thất thoát, lãng phí tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.
Trao đổi thêm với Đất Việt về phiến đá Serpentine nặng 16 tấn đang được rao bán 2,6 tỷ đồng ở TP. Hà Nội, ông Sổng A Nủ - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn khẳng định: "Nếu thông tin đúng như người bán tấm đá đó đưa ra thì đây là hành động khai thác trái phép! Hiện nay chính quyền địa phương chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khai thác đá ngọc Serpentine trên địa bàn".
Chủ tịch UBND xã Suối Giang cũng đang rất "đau đầu" trước tình trạng người dân tự ý lên từng khai thác đá Serpentine gây lên tình trạng phá rừng, thất thoát tài nguyên thiên nhiên. Thậm chí, để đưa được những khối đá lớn về, các đối tượng còn ngang nhiên sử dụng các loại xe lớn chuyên dụng.
"Không chỉ có Suối Giàng mà nhiều xã khác ở huyện Văn Chấn cũng đang khó khăn trong việc ngăn chặn người dân khai thác đá tràn lan. Chúng tôi từng lập trạm theo dõi, ngăn chặn nhưng chỉ được 1 - 2 tháng thì đâu lại vào đấy" - ông Nủ nói.
Theo Vân Nam/Báo đất việt