Đang tuyên án Huyền Như và đồng phạm

Google News

(Kiến Thức) - Sáng nay, Huyền Như và các đồng phạm trong vụ chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng tại Vietinbank sẽ bị tuyên án sau 1 tuần tòa phúc thẩm nghị án.

Sau một tuần nghị án, hôm nay 7/1, HĐXX Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM sẽ tuyên án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 27/1/2014, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về các tội: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 22 bị cáo còn lại nhận các mức án từ 1 - 20 năm tù. Bên cạnh đó, Huyền Như và các đồng phạm có trách nhiệm hoàn trả gần 4.000 tỷ cho các nguyên đơn dân dân sự, bị hại được xác định trong vụ án.
Ngay sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, đã có 1 kháng nghị tăng nặng hình phạt của VKSND TP HCM, 20 bị cáo trong tổng số 23 bị cáo kháng cáo, 60 nguyên đơn dân sự, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo.
Dang tuyen an Huyen Nhu va dong pham
 Huỳnh Thị Huyền Như.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, Huyền Như cho rằng Như không kháng cáo mà chỉ xin lại biệt thự trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ để bà giúp Như nuôi con nhỏ. Ngoài ra, còn 2 nguyên đơn dân sự và một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan rút kháng cáo.
Phiên tòa phúc thẩm do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM xét xử được bắt đầu từ ngày 15/12/2014 kéo dài đến 30/12/2014 cho phần xét hỏi và tranh luận.
Tại phiên tòa phúc thẩm, phần xét hỏi và tranh luận diễn ra khá căng thẳng, kéo dài suốt 2 tuần lễ. HĐXX và VKS, các luật sư đã dành khá nhiều thời gian tập trung thẩm vấn để làm rõ hơn một số hành vi, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của Huyền Như trong vụ án.
Cụ thể, HĐXX đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Huyền Như có phải là người có chức vụ, quyền hạn ở Vietinbank hay không? Tài khoản các cá nhân, đơn vị gửi tiền được mở ở đâu? Có hợp pháp hay không? Tiền của các nguyên đơn dân sự, người bị hại ở đâu trước khi bị Như chiếm đoạt? Mức lãi suất thỏa thuận trong và ngoài hợp đồng được Như thỏa thuận ra sao? Thủ đoạn rút tiền của Như diễn ra như thế nào?...
Phiên tòa tranh luận nảy lửa giữa hai luồng quan điểm trái chiều, một bên là quan điểm của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank và bên kia là bảo vệ cho những đơn vị, cá nhân đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Liệu Huyền Như có phạm tội tham ô tài sản hay không? Trách nhiệm liên quan đến khoản tiền gần 4.000 tỷ đồng bị thiệt hại được giải quyết ra sao? Hôm nay, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết.
Trong phần nêu quan điểm và đề nghị mức án, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng qua hồ sơ vụ án và phần xét hỏi, đã thấy rõ việc các khách hàng dù bị Huyền Như dẫn dụ nhưng mục đích của họ là gửi tiền vào tài khoản được mở tại VietinBank để hưởng lãi suất, và số tiền họ gửi cũng đã được chuyển vào tài khoản được mở hợp pháp tại VietinBank.
Do đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX hủy một phần bản án, trả hồ sơ điều tra lại đối với hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty (SBBS, Toàn Cầu, Hưng Yên, An Lộc, Phương Đông).
Theo đại diện VKS, số tiền này đã được gửi vào hệ thống của VietinBank. Do đó, Như chiếm đoạt số tiền này là chiếm đoạt tiền của VietinBank chứ không phải lừa đảo của khách hàng, và Huyền Như là người có quyền hạn và chức vụ tại VietinBank, được ký duyệt chi đến 50 tỷ đồng nên hành vi của Như không phải là lừa đảo mà là tham ô tài sản.
Và trong việc gửi tiền vào VietinBank, các khách hành này không có lỗi, việc VietinBank đổ lỗi cho khách hàng là “đổ lỗi ngược”. Để xảy ra việc mất tiền là do việc quản lý tại VietinBank lỏng lẻo dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của chính VietinBank.
Riêng đối với số tiền gửi của ngân hàng ACB và NaviBank, HĐXX cho rằng, cả hai ngân hàng này đều là ngân hàng thương mại, biết rất rõ quy định cấm gửi lãi suất vượt trần nhưng vẫn thực hiện. Bởi vậy, pháp luật không thể bảo vệ cho số tiền của 2 ngân hàng này.
Về các bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, VKS đề nghị HĐXX xem xét cho những bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng VietinBank chi nhánh TP HCM, họ đều tin vào uy tín của Huyền Như, một số bị Như chỉ đạo nên đã vi phạm về quy chế cho vay, nên đề nghị HĐXX xem xét giảm án.
Riêng về phần thu hồi vật chứng của vụ án đã không được cấp sơ thẩm làm rõ nên VKS đề nghị HĐXX làm rõ và thu hồi từ các khoản tiền thu lời bất chính của các bị cáo phạm tội cho vay lãi nặng và làm rõ các nguồn tiền này đã được chuyển đi đâu.
Trong phần tranh luận, đại diện ngân hàng VietinBank không đồng ý bồi thường tiền cho các khách hàng bởi cho rằng khách hàng không có lỗi ham lãi suất mà bị Như dẫn dụ lừa đảo. Tranh luận lại điều này, VKS cho rằng, việc ngân hàng phải có trách nhiệm với khách hàng là một điều quá rõ, không cần phải tranh cãi.
Sau 2 tuần làm việc, ngày 30/12, các bị cáo đã nói lời sau cùng, phần lớn các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt, một số bị cáo được tại ngoại xin HĐXX cho được ăn tết cùng gia đình trước khi phải thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Hiện các bị cáo đang trong phòng xử chờ tuyên án.
Minh Hiếu (Tổng hợp)