Ngày 12/5/2015, lần đầu tiên, 63 nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu trên khắp cả nước đã có một buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đội ngũ các nhà sáng chế không chuyên cho đến nay đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Họ là những người bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu. Sáng kiến chủ yếu phát sinh từ đòi hỏi của thực tiễn, nên những sản phẩm làm ra không rơi vào tình trạng “xếp ngăn kéo” mà có tính ứng dụng rất cao. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho các nhà sáng chế không chuyên đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, năng lực sáng tạo của nhân dân cần được nuôi dưỡng và động viên mạnh mẽ, từ đó lực lượng khoa học trở thành điểm tựa cho công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, Chính phủ phải tạo mọi thuận lợi, mọi chính sách để khuyến khích người dân nghiên cứu sáng tạo. Mỗi sáng chế phải được trân trọng và cần nhân lên mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta phải hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, đưa ra thị trường để nhân rộng và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Và mới đây, một dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, nông dân có sáng chế mang tính thực tiễn cao có thể vay đến 500.000USD để phát triển các sản phẩm mới. Những tiêu chí để lựa chọn những sáng chế công nghệ được hỗ trợ tài chính gồm: Công nghệ đang sẵn có ở Việt Nam, nông dân sẵn sàng và dễ dàng sử dụng, có tiềm năng ứng dụng và làm giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng có thu nhập thấp.
“Hồi sinh” khu công nghệ cao Hòa Lạc
Sau một thời gian dài gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng thì ngày 26/6/2015, tại Khu công nghệ Cao Hòa Lạc, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ khởi công dự án Phát triển Cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch theo mô hình thành phố khoa học và công nghệ thông minh, thu hút các loại hình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong môi trường cạnh tranh nhằm kích thích phát triển các ngành công nghệ cao trên cả nước. Dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD, trong đó 400 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự án gồm 5 gói thầu chính về hạ tầng, sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018.
Theo yêu cầu năm 2018 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới phát triển theo đúng nghĩa là một khu đô thị thông minh chuyên về nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, chuyển giao KH&CN.
Cổ vũ nhà khoa học trẻ
Ngày 11/9/2015, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức buổi gặp mặt giữa 70 nhà khoa học trẻ với lãnh đạo Chính phủ. Buổi gặp mặt nhằm ghi nhận, biểu dương đóng góp của những tài năng trẻ với sự phát triển của đất nước nói chung và nền khoa học công nghệ nói riêng. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, những năm qua, thành tựu Việt Nam đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên, những người làm khoa học ở Việt Nam còn gặp khó khăn, phương tiện, thiết bị nghiên cứu lạc hậu, kinh phí hạn hẹp, chế độ tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống để có thể chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học... Bên cạnh đó, số lượng nhà khoa học đầu ngành, có kinh nghiệm và trình độ cao ngày càng giảm, hầu hết đã cao tuổi, trong khi nhân lực kế cận ngày càng thiếu hụt. Hiện tượng “chảy máu chất xám” đang diễn ra khi cán bộ khoa học trẻ không theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu mà chuyển sang làm việc tại những khu vực có mức thu nhập hấp dẫn hơn. Một số nhà khoa học giỏi sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài đã không về nước. Các nhà khoa học trẻ đã có dịp chia sẻ những tâm tư, khó khăn gặp phải, những bất cập trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, thông qua buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý hỗ trợ máy trợ thị lực cho hàng trăm nghìn người mù Việt Nam thông qua sáng chế của nhà khoa học trẻ - TS Nguyễn Bá Hải, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Đây là chế tạo nổi tiếng mang tên “Mắt thần” – một loại kính được lập trình sẵn, có thể rung lên khi người dùng sắp đụng phải vật cản, với mục đích giúp người khiếm thị đi lại được an toàn và hội nhập cuộc sống dễ dàng hơn.
Chợ công nghệ thiết bị lớn nhất
Với chủ đề "Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững", Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam (Techmart 2015) là một dấu ấn lớn của năm. Từ chỗ tiếp thị một chiều, Techmart năm nay đã có sự thay đổi vượt bậc, các doanh nghiệp đã đem các sản phẩm công nghệ của mình để giới thiệu, chuyển giao tại chợ công nghệ. Sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp đã làm nên thành công của Techmart lần này. Với sự tham gia của 500 doanh nghiệp, 110 viện nghiên cứu, 22 trường đại học, 32 sở KH&CN, 32 tổ chức hỗ trợ phát triển KH&CN, 57 nhà sáng chế không chuyên đã đem đến những sản phẩm công nghệ mới nhất.
Đã có 463 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết có tổng giá trị lên đến 380 tỷ 600 triệu đồng. Đặc biệt là ở gian hàng của TPHCM đã có hàng trăm thiết bị, máy móc được bán trực tiếp với tổng số tiền là 5 tỷ 856 triệu đồng và 6,8 tỷ đồng được ký kết, chuyển giao. Tới đây sẽ có những Techmart chuyên đề, theo chuyên ngành để tập trung chuyên sâu hơn, và sẽ tiến hành giao dịch thường xuyên ở các sàn giao dịch công nghệ.
Vận hành trung tâm chuyển giao công nghệ lớn nhất nước
Cuối tháng 10/2015, Hà Nội đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ. Trung tâm có diện tích 2,1ha và là khu phức hợp liên thông về KH&CN lớn nhất Việt Nam về nghiên cứu, sản xuất và giám định công nghệ. Theo thiết kế, sẽ có khoảng 200 nhà khoa học làm việc tại đây, với các thiết bị nghiên cứu hiện đại. Đây cũng là nơi liên kết nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt kiều và quốc tế trong các chương trình hợp tác KH&CN. Các lĩnh vực công nghệ được trung tâm nghiên cứu, chuyển giao và thẩm định công nghệ gồm: Cơ khí chế tạo, điện tử - tự động hóa, tiết kiệm năng lượng, sản xuất pin mặt trời, môi trường. Đặc biệt, thực hiện quy hoạch năng lượng Việt Nam đến năm 2030, trung tâm sẽ đẩy mạnh sản xuất pin năng lượng mặt trời và dự kiến sẽ hòa lưới điện quốc gia vào năm 2020.
“Cởi trói” cho các nhà khoa học trong nghiên cứu KH&CN
Ngày 22/4/2015, Liên Bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ ký ban hành Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN (Thông tư 55) hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước. Có hiệu lực từ tháng 6/2015, Thông tư sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu khoa học từ trước tới nay. Theo Thông tư 55 thì tiền công, thu nhập của chủ nhiệm đề tài, dự án KH&CN được cơ cấu trong dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN hằng tháng có thể lên tới gần 20 triệu đồng. Với những đề tài, dự án KH&CN được áp dụng cơ chế khoán chi thì tiền công và thu nhập của những người tham gia đề tài, dự án còn có thể gấp nhiều lần mức dự toán trên. Đây là một trong các nội dung đột phá của Thông tư số 55 bởi đã thừa nhận và đưa ra phương pháp tính toán đầy đủ tiền lương, tiền công tương xứng với mức độ tham gia và mức độ đóng góp của các nhà khoa học trong dự toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN. Việc quy định này cũng khắc phục được tình trạng một nhà khoa học đứng tên, kê khai trong quá nhiều đề tài dự án, nhưng mức độ tham gia ít, đóng góp không tương xứng với thu nhập được hưởng... Nhìn chung thông tư này sẽ giúp các nhà khoa học được hưởng công xứng đáng hơn trong nghiên cứu; giúp các nhà khoa học không phải lo đối phó, nói dối để quyết toán; đồng thời cũng giúp chấm dứt tình trạng “cai thầu” trong nghiên cứu khoa học.
Toán học, Vật lý của Việt Nam được tổ chức UNESCO đầu tư
Kỳ họp lần thứ 38 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra trong tháng 11/2015, đã thông qua việc thành lập trung tâm toán học và vật lý dạng II của Việt Nam dưới sự bảo trợ của UNESCO. Trung tâm dạng II là một loại hình các viện chuyên môn trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO, được UNESCO công nhận và bảo trợ. Đến nay, UNESCO đã công nhận và bảo trợ khoảng 98 trung tâm khoa học dạng II. Tại khu vực ASEAN, đã có hai nước là Malaysia và Indonesia có trung tâm khoa học được UNESCO công nhận và bảo trợ. Năm 2015 có 17 trung tâm dạng II về khoa học cơ bản được thông qua trong đó riêng Việt Nam được thông qua, hai trung tâm toán học và vật lý. Việc UNESCO công nhận và bảo trợ vào mạng lưới trung tâm khoa học dạng II có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây chính là sự công nhận của quốc tế đối với trí tuệ của Việt Nam bên cạnh những công nhận về di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng
Năm 2015 là năm ghi nhận nhiều thành tựu vượt trội của đề tài KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” (mã số KC.10/11- 15). Trong khuôn khổ Chương trình KC.10/11-15, đầu tiên phải kể đến thành công của Bệnh viện T.Ư Huế ứng dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ (Single Port) và qua lỗ tự nhiên (NOTES) trong điều trị ung thư đại trực tràng. Thành công của đề tài mang lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn, nhất là trong điều kiện Việt Nam là nước tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao có phần chậm hơn so với các nước khác. Thành công nữa trong khuôn khổ chương trình KC.10/11-15 là việc sản xuất thành công thuốc tiêm đông khô Carboplatin để điều trị ung thư do Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định chủ trì thực hiện. Sự thành công này là sự khích lệ động viên trong việc nghiên cứu các sản phẩm chống ung thư khác tại Việt Nam, góp phần ổn định thị trường thuốc, đặc biệt là nâng cao năng lực sản xuất của ngành dược.