Sau trận mưa gần 200mm, biệt thự 110 tuổi ở Hà Nội bất ngờ đổ sập kèm tiếng động như sấm. Nhiều người bị vùi lấp, hai người tử vong. Theo các chuyên gia, những ngôi nhà được xây bằng gạch, vữa có tuổi thọ trên 70 năm đều phải cảnh giác nguy cơ bị sập.
Thời tiết, sụt lún, cơi nới phá vỡ kết cấu
Vào 13h trưa 22/9, ngôi biệt thự cổ 3 tầng tại 107 Trần Hưng Đạo đã sập xuống và chôn vùi nhiều người trong đống đổ nát. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (đơn vị đang quản lý tòa nhà), tai nạn đến từ việc tòa nhà đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Đặc biệt, do trời mưa, hệ thống kiến trúc này bị ngấm nước mạnh và giảm hẳn khả năng chịu lực. Biệt thự này nằm trong nhóm 382 biệt thự Pháp cổ thuộc loại 2, được chính quyền tiếp quản sau 1954. Hầu hết các biệt thự tại phố Trần Hưng Đạo đều được người Pháp xây khá sớm, ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX.
Công trình mà người Pháp khi xưa xây dựng không sử dụng kết cấu bê tông đổ liền như hiện nay. Rất nhiều biệt thự chỉ có tường gạch, kết hợp với với thanh sắt chữ Y làm trụ cài. Kết cấu này là hợp lý với giá trị sử dụng khi đó. Còn cách khai thác sau này lại đặt các biệt thự vào tình trạng quá tải về công năng và nhanh xuống cấp theo thời gian. Việc sửa chữa, cơi nới để tăng hệ số sử dụng tại các biệt thự cũng là lý do ảnh hưởng tới tính an toàn của công trình. Các biệt thự Pháp cổ thường có một đặc trưng là tường và các công trình chịu lực rất mau bở, mủn và chịu tải kém.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, với kết cấu nhà bằng gạch, vữa, không có bê tông cốt thép thì tuổi thọ tối đa tầm khoảng 70 năm là không còn khả năng chịu tải nữa. Dù tường xây có dày nhưng gạch và vữa là các vật liệu dễ bị tác động của mưa, ẩm phá hủy, xuống cấp. Khi vật liệu xuống cấp, các khối kết cấu sẽ không liên kết với nhau dẫn đến khả năng chịu lực kém. Rồi nền đất sụt lún không đồng đều qua thời gian làm các kết cấu này ngày càng vênh, nguy cơ đổ sập là hoàn toàn có thể.
|
Hiện trường ngôi biệt thự cổ 3 tầng tại 107 Trần Hưng Đạo bị sập. |
Nhận biết dấu hiệu trước khi sập
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, dù là nhà được xây bằng gạch vữa hay bằng kết cấu xi măng cốt thép thì cũng phải duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mới giữ được độ vững chắc của ngôi nhà, không bị thời gian, thời tiết bào mòn. Đây là vấn đề rất ít người quan tâm, trong khi nhà ở là công trình tối quan trọng và có giá trị. Đấy là chưa kể nhiều người cố gắng cơi nới được càng nhiều càng tốt, làm cho kết cấu công trình bị phá vỡ, các bộ phận vênh nhau dẫn đến khả năng đổ, sập.
Với những công trình có tuổi thọ trên 70 năm, để đảm bảo an toàn, tốt nhất là nên thực hiện việc kiểm định đánh giá tình trạng và đưa ra tuổi thọ của ngôi nhà để có cách khắc phục, gia cố cho an toàn. Đặc biệt, với những căn nhà cổ, loại nhà khá phổ biến ở Hà Nội, những biệt thự do người Pháp xây dựng đã lâu, những người sinh sống trong căn nhà đó phải tinh ý để nhận biết các dấu hiệu xuống cấp nguy hiểm như các vết nứt lớn ở các khe, rãnh tường, các vết lún trên sàn, điểm cong vênh của sàn gỗ... Và quan sát tổng thể ngôi nhà từ nhiều phía, bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được tình trạng, mức độ nguy hiểm của công trình nếu có các dấu hiệu như nghiêng, lõm.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, vụ sập nhà ở Trần Hưng Đạo vừa xảy ra là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu người ở trong tòa nhà tinh ý, để ý các dấu hiệu thì hoàn toàn có thể biết trước khả năng sập của khối biệt thự này. Khối sập là cả một mảng có kết cấu rất rộng, nhưng các trụ giữ thì lại không có, tải trọng phải chịu đựng của ngôi nhà quá lớn do có quá nhiều người sinh sống, những vết nứt, lỏng lẻo giữa các kết cấu thể hiện rõ... thì tốt nhất là phải di dời, đặc biệt là trong những ngày mưa bão kéo dài.
“Nền móng của một ngôi nhà không phải là bất biến, nó có thể biến dạng theo thời gian, chỗ này chỗ kia sụt lún không đồng đều làm cho các khối của tòa nhà rời rạc, không gắn kết. Tốt nhất là hãy thực hiện đánh giá toàn diện lại với những ngôi nhà có tuổi thọ cao để tránh các rủi ro tương tự”.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng
Bảo Khánh