Vừa qua, TAND H.Hóc Môn (TP. HCM) đã xử sơ thẩm tuyên buộc bà Lê Thị Bích Liễu phải trả cho ông Nguyễn Minh Chính (67 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) 1,4 tỷ đồng đã vay mượn.
Dàn cảnh ghi âm làm chứng cứ?
Theo đơn khởi kiện, ông Nguyễn Minh Chính khai: ông và bà Liễu quen nhau năm 1992, năm 1995, hai bên có quan hệ ngoài luồng và có con chung ngoài giá thú. Vì đã có gia đình, không thể ra mặt chăm sóc mẹ con bà Liễu nên ông Chính chu cấp tiền cho bà buôn bán nuôi con. Cụ thể, năm 2001, ông Chính và bà Liễu mua đất xây nhà tại Q.Bình Thạnh để bà và con ở. Ông Chính còn đưa tiền cho bà Liễu mua thêm mảnh đất, xây nhà tại Q.Gò Vấp. “Năm 2009, bà Liễu bán căn nhà này được 3,2 tỷ đồng nhưng bà ấy nói giữ lại để lo cho con đi du học. Tôi cũng nghĩ số tiền đó là mình chu cấp cho con ăn học nên không tính toán với bà ấy”, ông Chính khai.
“Năm 2012, bà Liễu vay của tôi 400 triệu đồng, nói là để mua bán thẻ cào điện thoại, tin tưởng nên tôi giao tiền mà không viết giấy vay mượn. Tháng 6/2013, bà Liễu tiếp tục hỏi vay một tỷ đồng để mua nhà đất ở H.Hóc Môn. Bà ấy hứa nếu bán được căn nhà ở Q.Bình Thạnh thì sẽ trả toàn bộ số tiền đã vay mượn cho tôi, nhưng bán được nhà rồi, bà Liễu vẫn không trả dù tôi đã đòi nhiều lần nên tôi buộc lòng phải khởi kiện”, ông Chính trình bày. Ông Chính còn cung cấp cho tòa file ghi âm cuộc nói chuyện giữa ông, hai người bạn của ông, con trai ông và bà Liễu ngày 27/5/2014, tại một quán cà phê, nội dung có đoạn bà Liễu thừa nhận mượn 1,4 tỷ đồng của ông và hứa trả nợ trong ba năm.
|
Bà Liễu cho biết đã làm đơn kháng cáo. |
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Liễu khẳng định toàn bộ lời khai của ông Chính là bịa đặt, vu khống. “Ông Chính là công chức nhà nước, tôi làm nghề kinh doanh bất động sản, thử hỏi điều kiện của ai tốt hơn mà ông Chính dám nói là chu cấp tiền cho tôi và con? Hơn 20 năm qua lại lén lút với ông Chính, tôi hiểu con mình thiệt thòi nên càng phải chu toàn hơn để ông ấy có thời gian ở bên cạnh con riêng của chúng tôi. Bản thân ông Chính cũng thất nghiệp từ năm 2001, tiền đâu mà nói là ông ấy đưa cho tôi mua nhà. Đứa con trai du học ở Anh bốn năm qua cũng một tay tôi lo, đừng nói là ông ấy hỗ trợ ”, bà Liễu bức xúc.
Hỏi về nội dung file ghi âm thể hiện việc bà thừa nhận có vay ông Chính 1,4 tỷ đồng, bà Liễu khẳng định: “Trước khi có buổi gặp đó, chuyện tình cảm giữa tôi và ông Chính đã bị gia đình ông ấy phát hiện nên đôi bên xảy ra xích mích, cãi vã. Nhiều lần ông Chính năn nỉ tôi nói với vợ con ông ấy là tôi có vay của ông ấy 1,4 tỷ đồng nhằm mục đích làm cho họ để ông ấy yên, sau đó ông ấy sẽ dàn xếp tất cả. Không ngờ thuyết phục tôi xong, ông ấy cùng bạn và con trai của mình mời tôi ra quán cà phê nói chuyện, lén ghi âm, gài tôi vào thế có mượn tiền ông ấy”.
Không cung cấp giọng nói giám định: Mất quyền lợi
Tại phiên tòa diễn ra ngày 26/4/2016, đại diện ủy quyền phía nguyên đơn xác định, quan hệ bất chính giữa hai bên là có thật nên việc giao nhận tiền không cần lập thành biên bản nhưng tình cảm là chuyện khác, nợ thì phải trả. Không đồng tình, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Liễu cho rằng, file ghi âm nguyên đơn cung cấp là ghi âm lén, chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định tính xác thực nên không phải là chứng cứ vụ án; các nhân chứng khẳng định bà Liễu vay tiền của ông Chính lại là con trai ông Chính và hai người bạn của ông được nguyên đơn sắp đặt sẵn ở một buổi cà phê rồi ghi âm là không khách quan… Từ đó, luật sư đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
HĐXX nhận định, trong file ghi âm ở đoạn 23 phút 45 giây thể hiện bà Liễu thừa nhận vay 1,4 tỷ đồng, hứa trả trong ba năm, cuộc nói chuyện không cho thấy bà Liễu bị đe dọa hay ép buộc mà các bên nói chuyện tự nhiên với nhau. Nguyên đơn có yêu cầu giám định giọng nói bà Liễu trong băng ghi âm nhưng tại biên bản làm việc ngày 23/4/2015, khi tòa yêu cầu đại diện ủy quyền bị đơn cung cấp giọng nói bà Liễu, người ủy quyền khẳng định không cung cấp và cho rằng bà Liễu không có nghĩa vụ cung cấp.
Trước đó, ngày 1/3/2016, TAND H.Hóc Môn ra thông báo bà Liễu có mặt tại tòa để cơ quan thẩm quyền lấy mẫu giọng nói nhưng bà Liễu cũng không có mặt nên việc lấy mẫu giám định không thực hiện được. Theo HĐXX, bà Liễu một mực khẳng định giọng nói trong file ghi âm không phải là của mình, bác bỏ nội dung khởi kiện nhưng không cung cấp mẫu giọng nói để chứng minh thì xem như bà Liễu khước từ sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Từ đó HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của ông Chính, buộc bà Liễu phải trả cho nguyên đơn số tiền 1,4 tỷ đồng. Không thuận tình, bà Liễu cho biết đã làm đơn kháng cáo.
Chứng minh là nghĩa vụ của nguyên đơn
Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng dân sự (Đại học Luật TP.HCM), trong dân sự, nguyên tắc chứng minh là nghĩa vụ của nguyên đơn, tức người cho vay tiền (ở vụ án trên là ông Chính - PV), bà Liễu không có nghĩa vụ cung cấp giọng nói để giám định. Muốn giám định giọng nói bà Liễu phục vụ cho nội dung khởi kiện của mình, ông Chính phải tự cung cấp cho tòa. Tòa nhận định bà Liễu không cung cấp mẫu giọng nói là khước từ việc bảo vệ cho mình là hoàn toàn sai với nguyên tắc tố tụng dân sự. Về vấn đề nội dung băng ghi âm có phải là chứng cứ hay không, TS Tiến cho biết, ghi âm ở quán cà phê không thể coi là chứng cứ nếu bà Liễu phủ nhận hoặc không có một văn bản nào xác nhận xuất xứ hợp pháp của băng ghi âm đó.
Theo Phụ Nữ Online