Giá đắt cho phụ nữ đơn thân hám quà “đại gia”

Google News

Chỉ cần một cái nick ảo, với tài ăn nói, nhiều tay lừa đảo xuyên quốc tế đã dụ dỗ không ít phụ nữ đơn thân nhẹ dạ vào bẫy...

Nhiều phụ nữ đơn thân đã mất từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu chỉ vì lời hứa hẹn gửi tặng hàng chục ngàn đô, quà tặng đắt tiền từ nước ngoài gửi về.

Gia dat cho phu nu don than ham qua “dai gia”
Ảnh minh họa.
Mơ đổi đời từ lời hứa ảo

Mới đây, cô giáo mầm non Trần Thị T ở (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) có đơn trình báo tới Công an TP Hà Nội và các cơ quan chức năng về việc mình bị lừa đảo trên mạng, mất tới 30 triệu đồng.

Theo lời cô giáo T: “Vào ngày 4/3/2016 có một nick facebook mang tên Pauhector Miranda, giới thiệu sống ở Anh vào làm quen với tôi. Sau đó anh ta tiếp tục nhắn tin cho tôi, chúng tôi trò chuyện, trao đổi về cuộc sống, sinh hoạt… Do tôi không biết tiếng Anh nên ông ta sử dụng google dịch để nhắn tin cho tôi trên facebook. Ông ta khoe mình là kỹ sư xây dựng các ga đường sắt xe lửa và đi nhiều nơi nhưng chưa tới Việt Nam. Ông ta hỏi về thu nhập của tôi, rồi khoe là thu nhập của ông ta là 11 nghìn bảng Anh. Vào ngày 15/3, ông ta tỏ tình với tôi nhưng tôi không nói gì”.

Khi cảm thấy con mồi đã cắn câu, kẻ lừa đảo nói rằng sẽ chuyển cho cô giáo T số tiền 80 nghìn USD. “Đến ngày 17/3/2016, ông ta nói đã gửi quà về cho tôi gồm iphone, vàng, máy tính xách tay… quà sẽ được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không. Ông ta dặn hãy làm theo hướng dẫn của công ty chuyển phát quà”. Quá tin tưởng, cô giáo T tưởng rằng mình đang gặp một giấc mơ đổi đời.

“Vào ngày 21/3/2016, có 3 số điện thoại: 01227616077, 01229689858, 01207117029, gọi cho tôi và nói đã gửi quà về Việt Nam. Họ nói có người ở Luân Đôn gửi hàng về cho tôi, bây giờ hàng đã về Việt Nam và tôi phải chuyển số tiền 29.380.000 đồng cho họ theo số tài khoản 0081001237211 tại Vietcombank, chủ tài khoản mang tên Đinh Thị Linh Phương, Công ty X.logistics” - cô T kể lại.

Sau khi cô giáo T chuyển tiền (21/3/2016), ông người Anh tiếp tục nhắn tin cho T: “Số quà chuyển về Việt Nam bị hải quan giữ lại vì có việc chuyển tiền bất hợp pháp”, đồng thời nói rằng có nhiều tiền trong gói quà và giục cô T thanh toán tiền theo yêu cầu của công ty để lấy hàng.

“Phía công ty tiếp tục gọi điện cho tôi yêu cầu chuyển thêm tiền vào thứ 2, họ bảo số tiền là 130 triệu đồng để làm việc với hải quan lấy quà ra nhanh, còn không thì phải mất 25 ngày sau mới lấy được hàng hoặc có thể mất hàng. Nhưng tôi không gửi và khi tôi hỏi số điện thoại thật bên công ty thì họ không cho và tắt máy luôn. Đến bây giờ tôi vẫn không thể liên lạc được với những số máy kia. Còn ông người Anh kia vẫn giục tôi ra lấy hàng nếu không ông ta sẽ rút hàng về” - cô giáo T ân hận khi nhận ra mình bị lừa.

Khó xử lý

Vụ việc cô giáo T là một trong nhiều vụ việc điển hình đang xảy ra hiện nay. Một số vụ cơ quan chức năng trong nước đã bắt được đối tượng lừa đảo. Thượng tá Ngô Minh An - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết: “Đối tượng lừa đảo thường chủ động sử dụng mạng xã hội để làm quen với các phụ nữ có tuổi sống đơn thân. Nhóm đối tượng này thường quảng cáo là những doanh nhân giàu có, giám đốc của các công ty lớn...”.

Về vụ việc trên, Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, nhận định, những hành vi hứa hẹn gửi quà rồi chiếm đoạt tiền “thông quan” của nạn nhân đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, các đối tượng này đã dùng hành vi gian dối rằng sẽ gửi quà cho nạn nhân, giá trị món quà quy đổi sang tiền Việt Nam rất lớn, khi nạn nhân bị dẫn dụ, các đối tượng này sẽ yêu cầu nạn nhân gửi tiền thông quan để gửi quà về Việt Nam, rồi chiếm đoạt số tiền này.

Tuy nhiên, để xử lý trách nhiệm hình sự các đối tượng lừa đảo qua mạng rất khó, và khó xử lý hơn nữa khi là tội phạm lừa đảo qua mạng xuyên quốc gia. Từ thông tin tố giác của nạn nhân, để xác định được các đối tượng lừa đảo này phải mất rất nhiều thời gian bởi sự tinh vi của các đối tượng và đòi hỏi phải có sự hợp tác phối hợp với lực lượng cảnh sát điều tra của các quốc gia khác.

Đồng thời, để xử lý các đối tượng này theo pháp luật Việt Nam, khi phối hợp bắt giữ các đối tượng đang ở nước ngoài đòi hỏi giữa quốc gia đó và Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định dẫn độ để phối hợp xử lý tội phạm. Trong trường hợp này, việc đấu tranh bắt giữ tội phạm cần phải nhờ đến Interpol.

Nếu các đối tượng được đưa ra xét xử dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài thì số tiền các nạn nhân bị các đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt sẽ rất khó để hoàn trả lại. Do đó, mỗi người dân khi sử dụng mạng internet cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo bằng những thủ đoạn tặng quà, tham gia quay thưởng trúng lớn, góp vốn được lãi suất cao… đặc biệt cảnh giác hơn nữa đối với các đối tượng đang ở nước ngoài. Có như vậy mới tránh được việc tiền mất, nhưng được thì chỉ toàn rắc rối và mệt mỏi.

Theo Pháp luật Việt Nam