Đây là thông tin được ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2014 của Bộ Tư pháp.
Lĩnh vực hộ tịch, trong quý I, Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất và trình Chủ tịch nước giải quyết 2.062 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Trong đó có 2.055 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam; 4 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và 3 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định của Luật Quốc tịch (năm 2008 - hiệu lực năm 2009), người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Hiện nay Việt Nam có hàng triệu đồng bào đang sinh sống định cư ở nước ngoài, nhưng mới chỉ có hơn 6.000 người xin giữ quốc tịch Việt Nam. Có ý kiến lo ngại đến thời điểm 1/7/2014, hàng triệu kiều bào đang định cư ở nước ngoài sẽ mất quốc tịch Việt Nam.
Năm 2008, thời điểm sửa Luật Quốc tịch (1998), có hơn 3 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, đến nay có khoảng trên 4,5 triệu người. Tuy nhiên chưa có số liệu thống kê trong số đó có bao nhiêu người có quốc tịch nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam, bao nhiêu người chưa có quốc tịch nước ngoài.
Theo Cục trưởng Nguyễn Công Khanh tới đây, số người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chắc sẽ không nhiều vì phần lớn những người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang có quốc tịch nước ngoài. Theo Luật Quốc tịch của nước ngoài, nếu đã mang quốc tịch của nước họ mà vẫn có liên hệ, gắn bó về quyền và nghĩa vụ công dân với nước thứ hai, thì đấy là một trong những dấu hiệu, căn cứ để họ xem xét về quốc tịch cho công dân. "Chính vì lý do sinh sống, do những quy định chặt chẽ của pháp luật quốc tịch nước ngoài như thế nên những người đồng thời có quốc tịch Việt Nam và nước ngoài phải cân nhắc, lựa chọn" - ông Khanh lý giải.
Vậy có nên bỏ quy định sau 5 năm không đăng ký bị mất quốc tịch Việt Nam không? Để giải quyết vấn đề này, Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cho biết: Bộ Tư pháp đã họp bàn kiến nghị đưa ra các phương án. Tới đây Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết vấn đề trên, sau đó mới công khai.