“Kho báu núi Tàu” chỉ có trong mơ

Google News

Các chứng cứ về kho báu núi Tàu mà ông Hoàng Văn Đợi đưa ra là mơ hồ, không có cơ sở khoa học.

Ngày 25/3, một lãnh đạo của UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cho biết đang hoàn tất báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Thuận để bác bỏ những chứng cứ liên quan đến kho báu núi Tàu (ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong) mà ông Hoàng Văn Đợi (SN 1972, ngụ đường Quang Trung, phường 1, quận Gò Vấp, TP HCM) đã trình báo.
Suy diễn
Theo UBND huyện Tuy Phong, tại buổi làm việc với địa phương này mới đây, ông Đợi cho biết đã có 5 năm dày công “nghiên cứu” và đã đưa ra những chứng cứ được cho là kho báu này tồn tại.
Thứ nhất, theo ông Đợi, qua nghiên cứu từ sách báo và internet, giai đoạn từ năm 1931-1945, quân đội phát-xít Nhật tiến hành xâm lược 12 quốc gia và gom được hàng ngàn tấn vàng. Số vàng này sau đó được người Nhật đúc thành thỏi, đem chôn giấu ở Việt Nam và Philippines.
“Kho bau nui Tau” chi co trong mo
 Một góc núi Tàu (Bình Thuận) - nơi được cho là có kho báu.
Đến khi ông Trần Văn Tiệp (101 tuổi, ngụ TP HCM) phát hiện ra tấm bản đồ được cho là chỉ điểm nơi cất giấu kho báu ở khu vực núi Tàu và đã cất công tìm kiếm hơn 20 năm nhưng không thấy. Do vậy, ông Đợi cho rằng thông tin về kho báu trên là có thật.
Thứ hai, ông Đợi nghe nhiều thông tin cho rằng trong giai đoạn từ năm 1943-1944, người Nhật có xuất hiện ở khu vực núi Tàu và đến năm 1976, Tỉnh đội Bình Thuận có phát hiện một chiếc tàu rỗng ruột của quân đội Nhật bị đắm cách Cù lao Câu (huyện Tuy Phong) khoảng 3 hải lý. Ông Đợi cho rằng chính chiếc tàu này đã chở vàng đến chôn ở núi Tàu.
Thứ ba, ông Đợi cho rằng đã có thời gian người Nhật đến khu vực núi Tàu để nuôi thủy hải sản nhưng theo ông, họ đến để tìm kho báu.
Thứ tư, qua khảo sát hiện trường, ông Đợi phát hiện ở khu vực này có một loại đá “kỳ lạ”. Ông cho rằng đây là đá nhân tạo mà người Nhật làm ra để lấp kho báu.
Ông Đợi cũng cho rằng người dân sống quanh khu vực từng phát hiện nhiều bộ xương người được chôn tập thể dưới đất. Từ đó, ông suy đoán rất có thể sau khi chôn kho báu, quân đội Nhật đã thủ tiêu những tù binh tham gia sự việc.
Cuối cùng, ông Đợi cho biết ông đã dùng máy dò kim loại để tiến hành khảo sát 3 chiếc giếng ở khu vực núi Tàu và cả 3 nơi máy dò đều có tín hiệu báo có kim loại.
Từ những “chứng cứ” trên, ông Đợi khẳng định không còn nghi ngờ gì nữa, “kho báu núi Tàu” đã lộ diện (?!).
Chấm dứt ngay!
Sau khi nghe ông Đợi trình bày, UBND huyện Tuy Phong yêu cầu ông đưa ra những chứng cứ, tài liệu khoa học, kết quả khảo sát… để chứng minh cho những “nghiên cứu” đã nêu thì ông Đợi chỉ đưa ra được bản báo cáo dày 7 trang kể lại vụ việc như đã nói kèm 3 bản vẽ mặt cắt giếng sơ sài và 1 bản đồ kho báu lấy từ internet. Còn về vị trí kho báu, ông Đợi thừa nhận là nghe kể lại và tự nghiên cứu, suy luận.
Trước những thông tin ông Đợi cung cấp, bước đầu huyện Tuy Phong đưa ra nhận định: Về thông tin kho báu mà quân đội Nhật chôn giấu ở khu vực núi Tàu, cũng như thông tin về chiếc tàu bị đắm, bản đồ kho báu… thì chỉ cần tìm trên mạng internet là có đầy, nhiều người biết. Về loại đá “kỳ lạ” mà ông Đợi phát hiện thực chất là một loại tài nguyên có rất nhiều ở huyện Tuy Phong. Việc người dân khu vực núi Tàu phát hiện nhiều bộ xương người ở một chỗ là có. Tuy nhiên, theo UBND huyện Tuy Phong, thực chất đây là phong tục chôn cất theo hình thức chôn tập thể của người Chăm xưa (vì khu vực này là nơi người Chăm sinh sống rất nhiều).
Từ đó, cơ quan chức năng huyện Tuy Phong kết luận rằng tất cả thông tin mà ông Đợi đưa ra còn rất mơ hồ, thiếu khoa học.
Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện đơn vị vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể từ huyện Tuy Phong. Tuy nhiên, về quan điểm của sở, ông Chính khẳng định sẽ không đồng tình và sẽ không bao giờ cho phép tiếp tục nghiên cứu về “kho báu núi Tàu” vì rất viển vông, chứng cứ không có cơ sở khoa học.
Theo Khám Phá