Những thách thức đó có thể kể ra như: Tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính... Phải chăng đã đến lúc bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con.
Cảnh báo hệ lụy từ mức sinh giảm
Sau hơn 50 năm thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng: Tốc độ gia tăng dân số ngày càng giảm dần, mức sinh giảm và đã đạt được mức sinh thay thế với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,03 con, ít hơn 3 lần số con cách đây 50 năm; số người già (trên 60 tuổi) chiếm hơn 10% dân số...
|
Các gia đình có xu hướng đẻ một con khiến tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm. |
Theo bà Lâm Phương Thanh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư: “Hiện xu hướng mức sinh giảm, thấp một cách bền vững, bên cạnh các lợi ích như góp phần tạo nên thời kỳ “dân số vàng”, nâng cao chất lượng giáo dục và bình đẳng giới thì mức sinh giảm cũng là nguyên nhân cơ bản đẩy nhanh quá trình già hóa dân số, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm đi trong khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh… Dân số Việt Nam “già nhưng chưa giàu” khiến việc chăm sóc, nâng cao chất lượng sống cho người già trở nên khó khăn. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng (năm 2009 là 110,6 nam/100 nữ, nay là 112,2 nam/100 nữ) sẽ kéo theo hệ lụy đến năm 2050, Việt Nam có thể dư khoảng 2 - 4 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn”.
Mức sinh giảm đã tác động sâu sắc tới nhiều mặt của kinh tế - xã hội và môi trường trên phạm vi cả nước cũng như trong khuôn khổ mỗi gia đình. Theo GS, TS. Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và Phát triển (thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân): “Chưa bao giờ, mức sinh của Việt Nam lại thấp như 10 năm qua. Nếu tỷ lệ sinh vẫn giảm, chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức về việc thiếu lao động và năng suất lao động trong tương lai. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của các thế hệ đang già hóa. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chưa bao giờ cao như hiện nay, 112 cháu trai/100 cháu gái, cá biệt như Hưng Yên 130 cháu trai/100 cháu gái, điều này sẽ dẫn đến mất cân bằng xã hội và nhiều hệ lụy khác trong tương lai”.
Chưa khuyến sinh, nhưng không cấm sinh
Đó là đề xuất của nhiều chuyên gia tại Hội thảo về định hướng chính sách dân số trong thời kỳ đổi mới do Ban Tuyên giáo T.Ư và Quỹ dân số Liên hợp quốc tổ chức vào sáng 16/10. Theo GS,TS.Nguyễn Đình Cử: “Thế hệ độ tuổi sinh đẻ hiện nay hầu hết là SN 1975 trở lại, được giáo dục tốt, có học vấn, có vị thế xã hội, nên họ có khát vọng chung là nâng cao chất lượng cuộc sống, chứ không phải là con đàn cháu đống nữa. Giờ chẳng ai dám đông con nếu điều kiện kinh tế yếu kém, nghèo khó, chất lượng sống thấp. Nên dù chính sách có cấm hay không thì nhận thức, ý thức tự giác của mỗi người cũng đã đạt đến độ tự điều chỉnh được rồi”. Vì vậy, GS, TS. Nguyễn Đình Cử đề xuất nên chuyển quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân “sinh một hoặc hai con” trong Pháp lệnh Dân số năm 2008, thành mục tiêu của vận động, tuyên truyền và giáo dục để người dân từ quyết định số con một cách có trách nhiệm. Đồng thời, chuyển chính sách dân số Việt Nam từ chủ yếu là Kế hoạch hóa gia đình sang chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện. Mục tiêu và giải pháp của kế hoạch hóa gia đình cần thích hợp và linh hoạt với từng địa phương.
Cùng quan điểm, TS. Lê Cảnh Nhạc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng: Việt Nam chưa đến lúc phải khuyến sinh, nhưng cũng không nên cứng nhắc trong các quy định về số con, khoảng cách lần sinh mà nên tập trung nâng cao chất lượng dân số, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tốt nhất, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” hiện có; đồng thời, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát có hiệu quả tỷ số gia tăng dân số.
"Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học quan trọng duy nhất trong lịch sử, khi nhóm dân số trẻ đông đảo, nhóm dân số cao tuổi đang tăng cao và mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính vì vậy, Luật Dân số sắp tới cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc giảm sinh”.
Ông Arthu Erken, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam
Theo Giao Thông Vận Tải