Bị nước ngoài trục xuất, không thể quay về với họ tên của mình, nhiều người đã sử dụng thông tin thân nhân của người khác để nhập cảnh trở lại. Nhiều người muốn đi xuất cảnh lao động nhưng không đủ điều kiện đã dùng thủ đoạn “hồn Trương Ba, da hàng thịt” để làm hộ chiếu xuất cảnh. Nhưng, thủ đoạn dù có tinh vi đến đâu, vỏ bọc có chắc chắn thế nào đi nữa thì đối tượng vẫn để lộ gót chân Asin.
“Phù phép” chứng minh nhân dân
9h sáng, Hà Nội nóng như đổ lửa, tại Đội Quản lý xuất cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72), Công an TP Hà Nội người chật như nêm.
Trung tá Nguyễn Thị Lan Chi, Đội trưởng Đội Quản lý xuất cảnh cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.200 công dân đến làm thủ tục xin cấp hộ chiếu xuất cảnh, tăng cao so với các mùa khác.
Với một áp lực công việc lớn, ngoài nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho công dân một cách nhanh chóng nhất, các cán bộ của Đội Quản lý xuất cảnh còn có nhiệm vụ phát hiện những trường hợp sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) và giấy tờ giả để được cấp hộ chiếu.
Kể về vụ việc làm giả CMND mới được phát hiện, Trung tá Nguyễn Thị Lan Chi cho biết: “Khi tiếp nhận hai hồ sơ này, chúng tôi phát hiện CMND mặt trước đầy đủ, mặt sau hơi mờ, trong khi đặc điểm nhận dạng, dấu vân tay, dấu dập nổi rõ nét.Thấy có dấu hiệu thay ảnh nên đã mời 2 công dân đó lên kiểm tra. Lúc đầu cả 2 người đều không thừa nhận, sau khi đấu tranh mới khai là mượn CMND của người khác để làm giả”.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Hà Nội đã bóc trần đường dây làm giấy tờ giả có quy mô lớn.
Do không thể sang Nga vì họ tên trùng với một đối tượng thuộc diện cấm nhập cảnh vào Nga trong 3 năm, Nguyễn Văn Đình, trú tại xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã nhờ một phụ nữ làm giả CMND cho mình (mang tên Nguyễn Tiến Ánh, ở Đông Anh, Hà Nội và dán ảnh của Đình) để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu với giá 1.300 USD, đặt cọc trước 400 USD. Tuy nhiên, lúc Đình đang làm thủ tục tại Phòng PA72 thì người phụ nữ gọi điện yêu cầu anh ta rời khỏi nơi đó ngay vì đã bị phát hiện.
Căn cứ vào lời khai và tài liệu thu thập được, cơ quan ANĐT đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Bùi Thị Uyên, 42 tuổi, trú tại Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội và đồng bọn tên là Mạnh. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng đã thu giữ được nhiều công cụ, phương tiện liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Mở rộng điều tra, cơ quan ANĐT đã bắt thêm 3 đối tượng trong đường dây này.
Theo Phòng PA72 thì Nga và Đài Loan (Trung Quốc) là hai nước mà khi nhập cảnh ngay tại cửa khẩu đã kiểm tra bằng dấu vân tay trên hệ thống, thế nên đối với những người đã bị 2 nước này trục xuất đương nhiên đã lưu dấu vân tay.
Khi đi qua cửa Hải quan nhập cảnh, quét dấu vân tay là phát hiện ra người nào đã bị cấm nhập cảnh hay không. Chính vì vậy mà tội phạm làm giả giấy tờ tập trung vào 2 nước này nhiều nhất.
|
Qua công tác tiếp nhận hồ sơ xin xuất cảnh, Phòng PA72 đã phát hiện nhiều trường hợp làm giả CMND. |
Thuận lợi cho dân nhưng không để lọt kẻ xấu
Làm thế nào để phát hiện trong hơn 1 nghìn công dân đến làm hộ chiếu mỗi ngày có đối tượng làm giả CMND trà trộn trong khi không hề có một thiết bị máy móc nào hỗ trợ?
Đại úy Chu Phương Hoa, Đội Quản lý xuất cảnh, Phòng PA72 cho biết: “Thông qua nghiệp vụ, do sự nhạy cảm của cán bộ, qua giác quan thứ 6 quan sát thái độ của công dân khi mình hỏi. Qua đó nếu phát hiện khả nghi thì mình sẽ tập trung hỏi nhiều hơn, sẽ phát hiện mâu thuẫn trong câu trả lời của họ. Nhiều trường hợp kiểm tra CMND có dấu hiệu không còn nguyên vẹn thì cho lăn tay”.
Đại úy Chu Phương Hoa là cán bộ trực tiếp làm ở khu vực tiếp nhận hồ sơ xuất cảnh, qua sự nhạy bén bằng “giác quan thứ 6”, chị đã phát hiện nhiều trường hợp giả mạo CMND để được cấp hộ chiếu.
Theo Trung tá Nguyễn Thị Lan Chi thì trong một ca làm việc gần đây, khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ của người mang tên Nguyễn Văn Phương, ở Đan Phượng làm hộ chiếu xuất cảnh đi Nga, nhìn qua CMND 12 số không thấy có gì nghi vấn. Tuy nhiên, bằng linh cảm nghề nghiệp, cán bộ cảm thấy có nghi vấn nên đã hỏi công dân này. Ban đầu thì trả lời lưu loát, nhưng đên câu thứ 4 thì lắp bắp, lẫn lộn, không trùng khớp.
Sau khi báo cáo lãnh đạo đơn vị, một tổ công tác đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng CMND 12 số thì phát hiện có dấu hiệu làm giả. Đây là trường hợp “hồn Trương Ba” nhưng lại “da hàng thịt”. Người mang tên Nguyễn Văn Phương thực chất là Đỗ Văn Dũng, từng là lao động xuất cảnh ở Nga, nhưng do trốn ra ngoài nên đã bị trục xuất về nước. Vì muốn quay trở lại Nga lao động, Dũng đã mượn CMND 12 số của anh rể là Nguyễn Văn Phương, sau đó liên hệ với đối tượng làm giả để nhờ cậy.
Theo Trung tá Nguyễn Thị Lan Chi thì đối tượng dùng phương pháp bóc ảnh thật ra thay ảnh giả vào, dùng bàn là là và ép plastic lại rồi tạo dấu nổi. Nếu nhìn bằng mắt thường thì không phát hiện được là giả, chỉ khi sờ lên thấy gợn một chút thì mới phát hiện được.
Trung tá Nguyễn Trường Giang, Phó Đội trưởng Đội Quản lý xuất cảnh cho biết, đối tượng lợi dụng vào sự thông thoáng, thuận tiện giảm tối đa về thủ tục giấy tờ, thời gian giải quyết của công dân theo yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Công an và Giám đốc Công an TP Hà Nội để làm giả giấy tờ, CMND với các hình thức rất tinh vi, ngay cả CMND l2 số cũng bị làm giả để đề nghị cấp hộ chiếu xuất cảnh.
Thủ đoạn chủ yếu là làm giả CMND bằng cách bóc ảnh người thật rồi dán ảnh của mình, tẩy xóa bỏ phần nhận dạng và dấu vân tay. Hoặc bóc tách CMND, thay ảnh, cắt bỏ phần dấu vết nhận dạng, vân tay, sau đó làm giả đặc điểm nhận dạng, vân tay ghép với phần còn lại photocopy. Thậm chí, đối tượng còn mượn sổ hộ khẩu và lấy nhân thân của người khác khai man hồ sơ để được cấp CMND, sau đó đề nghị cấp hộ chiếu.
Trung tá Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc làm giả hồ sơ để được cấp hộ chiếu có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên tập trung vào nguyên nhân một số người bị nước ngoài trục xuất không quay trở lại được bằng họ, tên của mình mà phải dùng thông tin thân nhân của người khác để nhập cảnh trở lại.
Số xuất cảnh theo diện hợp đồng lao động nhưng bản thân không đủ điều kiện nên đã mượn giấy tờ của người khác để làm hộ chiếu xuất cảnh. Từ năm 2016 đến nay, Phòng PA72 đã phát hiện 10 vụ giả mạo hồ sơ để cấp hộ chiếu.
Theo đồng chí Giang thì việc phát hiện rất khó khăn vì hiện nay lực lượng PA17 không có phương tiện hỗ trợ. Khi công dân đến nộp hồ sơ làm hộ chiếu chỉ cần mang CMND, không cần hộ khẩu. Nếu nhìn bằng mắt thường, đối chiếu CMND, nhìn ảnh thì rất khó phát hiện giả mạo.
Ngược lại, đối tượng làm giả luôn tìm cách làm giống thật, hết sức tinh vi, bằng mắt thường khó phát hiện, mà phải có thiết bị xem CMND này đã bị bóc tách ra chưa hay vẫn nguyên bản của cơ quan Công an.
Trong khi yêu cầu hành chính phải tạo điều kiện cho công dân nên phần nào đã ảnh hưởng đến sự chính xác trong việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu. “Vấn đề này đòi hỏi cán bộ phải giầu kinh nghiệm”- đồng chí Giang cho biết.
Theo Trần Hằng – Xuân Mai/CAND