Mới đây, vào ngày 9/1, hình ảnh cô gái đi dép lê lái xe đặc chủng của cảnh sát giao thông Hải Phòng gây xôn xao dư luận. Theo thông tin từ phía lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho biết, chiếc xe đặc chủng mang BKS xanh 15A1-0215 do cô gái đi dép lê lái là xe máy của phòng CSGT Công an TP Hải Phòng quản lý. Còn cô gái lái xe không phải là nhân viên của Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng.
Giải thích lý do vì sao cô gái này lại lái xe mô tô của lực lượng CSGT Hải Phòng, vị cán bộ này cho biết, thời gian vừa qua Phòng CSGT Hải Phòng có kế hoạch đi bảo dưỡng các xe mô tô để phục vụ cho việc tuần tra trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Chiếc xe mô tô đặc chủng mang BKS 15A1- 0215 cũng được đưa đến xưởng để bảo dưỡng. Sau khi bảo dưỡng xe xong, nhân viên của cơ sở bảo dưỡng này lấy xe để chạy thử xem việc bảo dưỡng đã đạt tiêu chuẩn hay chưa.
|
Chiếc xe mô tô đặc chủng mang BKS 15A1- 0215 cũng được đưa đến xưởng để bảo dưỡng. |
Với phát ngôn từ phía lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng về sự việc này có vẻ như không được nhiều người đồng tình, nhận thấy không thuyết phục.
Điểm lại trong năm 2016, cũng có những phát ngôn gây sốc dư luận từ phía những phát ngôn của CSGT tại Việt Nam gây xôn xao.
Đơn cử như tại cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Công an Nhân dân tổ chức sáng 22/11 về nghị định 71/2012/NĐ-CP, trong đó có đề cập đến kết quả cuộc điều tra xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20/11 thì CSGT là một trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất. Tại cuộc họp này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công An không đồng tình với kết luận đó.
Thiếu tướng Tuyên cho rằng, đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng". Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.
Trong thời gian qua còn nhiều phát ngôn khác của đại diện CSGT với lời lẽ không thuyết phục cũng đã và đang gây mất thiện cảm với những người dân. Trong cuộc họp ngày 15/8 tại Phòng CSGT Công an Hà Nội, Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói: "Cán bộ, chiến sỹ Phòng CSGT Công an Hà Nội khi xử lý vi phạm ngoài đường phải cứng rắn, kiên quyết đấu tranh với những trường hợp vi phạm. Chúng ta ra đường xử lý vi phạm được các cấp có thẩm quyền cho phép, trên ngực có bảng tên, biển hiệu, có thẻ đàng hoàng nên người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy".
|
Thiếu tướng Trần Sơn Hà trong cuộc họp ngày 15/8 tại Phòng CSGT Công an Hà Nội. |
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, thiếu tướng Trần Thế Quân – Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) nói: CSGT khi làm nhiệm vụ đều đeo thẻ tuần tra kiểm soát trên ngực và có ghi rõ họ tên, số hiệu của cán bộ, chiến sỹ. Trường hợp người dân nghi ngờ đó là thẻ giả hoặc người đó giả danh CSGT thì có quyền yêu cầu người làm nhiệm vụ xuất trình chứng minh CAND hoặc gọi điện đến đơn vị có cán bộ, chiến sỹ đó để xác minh, kiểm tra.
Tuy nhiên, với các chương trình hay kế hoạch chuyên đề, nếu người dân yêu cầu được xem lại là không khả thi. Theo đó, mỗi kế hoạch chuyên đề chỉ có người quản lý chung được giữ, sau đó phổ biến cụ thể cho cán bộ, chiến sỹ và không phải cán bộ, chiến sỹ nào cũng có một tờ kế hoạch chuyên đề đem theo.
Người dân có quyền kiểm tra, giám sát, nhưng cũng không nên lạm dụng quyền đó để gây khó dễ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ”, thiếu tướng Trần Thế Quân bày tỏ.
Anh Tuấn (TH)