Lời bộc bạch từ lao tù của bác sĩ “máu lạnh” TMV Cát Tường

Google News

Nhắc đến vị bác sĩ từng gây bão dư luận, dường như người ta quên mất tên thật, mà chỉ gọi là bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường. 

Khi tôi đề nghị Tường tư vấn giúp tôi có nên phẫu thuật thẩm mĩ, Tường như bị chạm mạch. Anh ta linh hoạt hẳn, và câu chuyện vì thế cởi mở hơn rất nhiều.
Đến giờ vẫn không hiểu tại sao
Nhắc đến vị bác sĩ từng gây bão dư luận, dường như người ta quên mất tên thật, mà chỉ gọi là bác sĩ Cát Tường - thẩm mĩ viện Cát Tường. Thoạt đầu, khi mới gặp chúng tôi, Nguyễn Mạnh Tường có vẻ "lạnh", hoặc đang trong tâm thế thăm dò, vì có lẽ đây là lần đầu tiên anh ta tiếp xúc với nhà báo. Tường quét đôi mắt không cảm xúc với những người lạ. Có thể anh ta không muốn nhắc lại câu chuyện cũ, không muốn trả lời những câu hỏi cũ. Nhưng khi tôi đề nghị Tường tư vấn giúp tôi có nên phẫu thuật thẩm mĩ, Tường như bị chạm mạch. Anh ta linh hoạt hẳn, và câu chuyện vì thế cởi mở hơn rất nhiều.
Sau những hành động phạm pháp, nhiều người vẫn đổ lỗi, đó là "15 phút trong ngày" hoặc "ma xui quỷ khiến", Nguyễn Mạnh Tường thì cho rằng khi đó mình bị bấn loạn, mất tri giác, tri thức, và đến giờ anh ta cũng không giải thích được tại sao lại thực hiện hành vi ném xác nạn nhân xuống sông phi tang, trong khi sự việc đó có hơn 30 nhân viên trong trung tâm thẩm mĩ biết.
- Vào trong này, anh được phân công làm việc gì?
+ Tôi làm may.
- Anh làm công việc đó có tốt không? Khi ở ngoài, anh đã từng làm việc đó chưa?
+ Không, tôi may người thì được chứ không may được quần áo. Tôi làm công việc gấp quần áo và cắt chỉ.
- Vào trong này, anh có theo dõi tình hình phát triển của ngành phẫu thuật thẩm mĩ ở Việt Nam không?
+ Hơn 2 năm rồi, tôi không biết đã có thêm công nghệ nào chưa.
- Những người phụ nữ xung quanh anh có làm phẫu thuật thẩm mĩ không? Ví dụ như vợ, bạn gái?
+ Bạn bè tôi thì phẫu thuật thẩm mĩ nhiều nhưng chắc vợ thì chưa cần làm. Còn nếu cần phải làm thì tôi ủng hộ thôi. Cái đẹp là do quan niệm của từng người. Hiện nay thì cả nam giới và phụ nữ đều lựa chọn phẫu thuật thẩm mĩ để đẹp hơn. Hồi tôi ở ngoài, làm khá nhiều cho nam giới. Trời sinh ra con người chưa hoàn thiện thì mình phải làm cho họ đẹp hơn.
Phạm nhân Nguyễn Mạnh Tường.
- Nói như thế thì anh sẽ khuyến khích những người phụ nữ xung quanh mình phẫu thuật thẩm mĩ?
+ Người ta có thể làm đẹp bằng cách này hay cách khác. Phẫu thuật thẩm mĩ chỉ là một cách mà thôi. Chị có thể mặc đẹp, trang điểm đẹp mà không cần phẫu thuật thẩm mĩ nữa.
- Anh có nghĩ án của mình nặng không?
+ Đương nhiên là nặng rồi. Gần kịch khung cơ mà. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ mình ở khoản 1, kịch là 10 năm.
- Với sự hiểu biết của mình, thì chắc chắn anh biết thừa hành vi của anh sẽ bị phát hiện, tại sao anh vẫn thực hiện, trong khi vợ anh đã hết lời khuyên can?
+ Thì đấy, rất nhiều người hỏi chuyện đó rồi, đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lại làm thế. Không phải tôi bao biện cho hành động của mình đâu, vì nếu bình thường thì phải rất xấu hổ khi làm thế.
- Nhưng rõ ràng là đã có một thời gian khá dài để anh có thể suy nghĩ lại, sao anh vẫn thực hiện đến cùng mà không chọn một giải pháp khác?
+ Lúc đầu tôi có nghĩ đến chuyện phi tang đâu. Nếu có kế hoạch ngay từ đầu thì khác.
- Rất nhiều người hỏi, tại sao thời điểm đó anh không đưa vào khoa cấp cứu?
+ Thực ra thời điểm nào đưa vào khoa cấp cứu cũng được. Nhưng đến lúc đưa vào bệnh viện mới thấy sợ sệt và không nghĩ gì được trong đầu.
- Anh cảm thấy cuộc sống hiện tại thế nào?
+ Tất nhiên mình phải chấp nhận thôi.
- Với anh, áp lực nhất trong câu chuyện này là gì?
+ Áp lực tất cả. Gia đình, bạn bè. Với riêng tôi thì luôn day dứt, tại sao lại để chuyện đó xảy ra. Bây giờ đặt câu hỏi, tại sao rất nhiều nhân viên biết chuyện mà tôi lại chọn giải pháp phi tang, rõ ràng đó là điều cực kì vô lý. Có thể lúc đó tôi bị stress quá, mất cả tri giác, tri thức. Nhưng xã hội thì ít người thông cảm điều đó, họ nói tôi là quỷ dữ. Có rất nhiều bài báo gọi tôi như thế.
- Sao anh không trình diện sớm hơn?
+ Tôi định sau ca trực cuối cùng, sẽ lên cơ quan Công an đầu thú, nhưng gần 6h sáng, tức là cuối ca trực thì đã thấy Công an đến nơi tôi làm việc rồi. Tôi nhận luôn, không giấu giếm.
- Cảm giác khi ấy thế nào?
+ Là bác sĩ, trước đây không phải là kẻ lưu manh gì nên tôi rất day dứt chuyện đó. Sau hôm xảy ra vụ việc, tôi về quê, ý định như kiểu chào mẹ, tất nhiên là tôi không nói rõ điều đó.
- Sau này trong trại tạm giam, anh có theo dõi việc tìm xác của nạn nhân không?
+ Có, tôi biết qua bạn tù, điều tra viên. Tôi cũng không hiểu tại sao lại không tìm thấy xác.
- Khi đó, người ta nghi ngờ anh đã tiêm một chất gì đó vào nạn nhân?
+ Họ cứ nói thế chứ làm gì có chất nào tiêm vào người lại có thể tiêu huỷ, nhất là khi ngâm dưới nước, có chất gì phát huy được tác dụng đâu.
- Khi chưa có câu trả lời chính thức, tất nhiên dư luận có quyền đặt ra nhiều giả thuyết?
+ Đồng ý, nhưng phải đặt giả thuyết trong cơ sở khoa học.
- Hai ngày trước khi bị bắt, anh có hình dung được cuộc sống trong trại giam như thế nào không?
+ Thực ra tôi không nghĩ nhiều đến thế. Chỉ nghĩ ân hận và nghĩ đến việc ra đầu thú thôi.
"Trân trọng những gì vợ đã chịu đựng vì mình"
- Người phụ nữ cùng anh đi lễ chùa, có hay vào thăm anh không?
- Thỉnh thoảng.
- Vợ anh có biết câu chuyện này không?
+ Biết từ trước khi xảy ra chuyện này.
- Chị ấy chấp nhận?
+ Nói tóm lại, tôi đã chọn vợ không nhầm. Đó là người phụ nữ tốt, bị áp lực như thế vẫn chịu đựng. Đó là những điều tôi phải trân trọng. Vợ tôi bây giờ phải chấp nhận nhiều cái. Tôi bây giờ không dám nói là mình tốt hay xấu, nhưng vợ tôi yêu thương tôi như thế, chắc phải yêu cả cái tốt cái xấu của tôi.
Nguyễn Mạnh Tường trong giờ lao động ở trại.
- Tôi vẫn nghĩ, làm được nghề bác sĩ là phải có bản lĩnh gấp đôi người bình thường. Nhưng dường như hành động che giấu tội lỗi của anh lại không thể hiện điều đó?
+ Cũng như nghề báo của chị thôi. Tôi cũng yêu nghề nên cố gắng làm tốt chứ có phải cầm súng, cầm dao đánh nhau đâu mà nói đó là bản lĩnh.
+ Không, ý tôi là nghề bác sĩ có đặc thù riêng, phải có thần kinh thép, ví như tôi rất sợ nhìn xác người chết. Chỉ riêng việc tiếp xúc với tử thi cũng là điều người bình thường khó làm được?
+ Lần đầu tôi cũng sợ lắm, nhưng chỉ năm đầu khi là sinh viên Trường Y thôi. Sau đó buộc phải quen, mà xác ngâm phóoc môn nhìn biến dạng ghê lắm.
- Tỉ lệ tử vong trong phẫu thuật thẩm mĩ có nhiều không?
+ Nếu nhiều thì không ai dám làm.
- Theo anh thì việc hút mỡ bụng bơm lên ngực có phải là lựa chọn tốt nhất để nâng ngực không? So với các phương pháp khác thì tỉ lệ an toàn như thế nào?
+ Mô mỡ được bơm lên sẽ tiêu huỷ từ 40-60 phần trăm, nhưng nếu nó ở lại thì sẽ vĩnh viễn vì đó là mô của mình. Trong y học thì đó chỉ là một thủ thuật đơn giản. Trước chị Huyền, tôi đã làm cho nhiều người rồi.
- Nếu cần một lời khuyên dành cho người nhà, thì anh có khuyên họ nên lựa chọn phẫu thuật thẩm mĩ không, một bên đẹp và một bên an toàn?
+ Quan trọng là phải đánh giá như thế nào là an toàn chứ. Nếu như mình đi ngoài đường, có hàng ngàn mối nguy hiểm rình rập. Tỉ lệ người chết vì tai nạn giao thông ai cũng biết. Chẳng lẽ muốn an toàn thì không tham gia giao thông.
- Sau tất cả mọi chuyện, anh có muốn nói gì với vợ mình không?
+ Có lẽ, điều cần nói tôi đã nói hết rồi. Nhưng trước sau gì tôi vẫn phải nói, những gì vợ tôi đã chịu đựng, tôi rất trân trọng.
- Với dư luận thì sao?
+ Tôi nợ cuộc đời một lời xin lỗi.
>>>  Xem video "Phiên tòa xét xử Nguyễn Mạnh Tường":

Trưa 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Thẩm mỹ viện Cát Tường, số 45 Giải Phóng làm phẫu thuật nâng ngực, do Nguyễn Mạnh Tường làm Giám đốc.
Sau khi phẫu thuật xong, Tường để chị Huyền nằm nghỉ rồi cùng bạn gái đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) đi lễ.
18h cùng ngày, nhân viên của thẩm mỹ viện gọi điện báo cho Tường, chị Huyền có biểu hiện nguy cấp. Tường gọi điện cho ông Nguyễn Quang Thành, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (cùng khoa với Tường) đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để cấp cứu chị Huyền. Tường cùng ông Thành cấp cứu cho chị Huyền nhưng đã không thành công.
Khoảng 23h30 cùng ngày, Tường và một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đến Bệnh viện Bưu điện. Khánh - nhân viên bảo vệ cầm túi xách và đi xe máy của chị Huyền theo xe ô tô. Đến cổng Bệnh viện Bưu điện, Tường thấy có nhiều người nên sợ không dám vào.
Khánh nói với Tường, không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông. Tường đồng ý và lái xe ô tô chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy chở chị Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) theo.
Đến đường Cổ Linh, Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội) thì Tường dừng lại. Khánh bỏ xe máy và túi xách của chị Huyền lại vỉa hè rồi cùng Hằng lên ô tô (trước đó, Khánh đã lấy trộm điện thoại của nạn nhân).
Tường tiếp tục lái xe đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì. Thấy không có người qua lại, Tường và Khánh khiêng xác chị Huyền thả xuống sông Hồng. Rồi cả 3 cùng đi về nhà.

 

Theo Đinh Hiền - Phương Thủy/Cảnh sát toàn cầu