Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “lừa đảo tượng cổ đổi màu” tại TAND tỉnh Kiên Giang hôm 13/7/2015 thu hút sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều người.
Sự thu hút không phải tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án mà nằm ở chiêu lừa, những chiêu lừa tinh vi và hoàn hảo đến không ngờ.
|
Những bức tượng giả của nhóm lừa đảo.
|
Cái kết cho những kẻ lừa đảo
Đứng trước vành móng ngựa là ba bị cáo: Trà Trung Tín, Nguyễn Văn Song (cùng trú tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) và Nguyễn Thị Tuyết Lan (trú ở thị trấn Gò Quao, Kiên Giang). Bảy người bị hại sống nhiều nơi như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bình Thạnh và Thủ Đức (TP.HCM), Tân Uyên và Thuận An (Bình Dương), Long Biên và Thanh Trì (Hà Nội).
Trà Trung Tín vốn buôn bán đồ đồng mỹ nghệ, sau đó đi cóp nhặt “bí kíp” làm tượng đồng đổi màu, rồi cùng câu kết với Lan và Song đóng giả làm người thân hoặc vợ chồng để lừa đảo. Chiêu thứ nhất mà Tín học được là làm tượng đồng “tự đổi màu”.
Tín mua tượng đồng mới, thuê thợ hàn gió đá đổ chì vào tượng cho nặng, dùng axit rửa sạch lớp xỉ, sau đó dùng một loại axit khác quét lên bề mặt rồi quét lớp thủy ngân lên.
Nếu dùng vật nhọn rạch hay giũa đi giũa lại thì chỉ sau ít phút thủy ngân sẽ kéo liền lại, che phủ dấu vàng màu bông bí của đồng bên trong. Tín lu loa với người mua là đồng tự đổi màu.
Chiêu thứ hai mà Tín tìm được là làm tượng đồng đen. Tín mua tượng giả cổ, thuê thợ đổ chì vào đầy bên trong cho nặng, rồi thoa dung dịch CuSO4 lên bề mặt và ngâm trong nước javel...
Tín móc nối với Nguyễn Thị Tuyết Lan và Nguyễn Văn Song, diễn giải chiêu trò cách biến đồng đổi màu và đóng giả làm người thân hoặc vợ chồng để tìm cách lừa bán tượng giả.
Với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2013 đến tháng 5/2014, ba bị cáo đã tiến hành lừa đảo bốn vụ, chiếm đoạt tài sản của bảy người với số tiền hơn 2 tỉ đồng...
Đến cuối năm 2014, từ đơn tố giác của các nạn nhân, Công an tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc điều tra, lật tẩy các trò lừa đảo. Ngày 12/8/2014 Song và Lan bị bắt. Hơn nửa tháng sau, ngày 30-8-2014, đến lượt Tín phải tra hai tay vào còng.
Cả ba bị cáo bị quy tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tín bị 17 năm tù, Song 12 năm tù và Lan 7 năm tù. Bản án cũng cho biết liên quan đến trò lừa đảo còn có một người tên Tuấn (ở La Gi, Bình Thuận) - theo lời khai của Tín, tuy nhiên nhân thân và lai lịch không chứng minh được.
Sập bẫy “tượng đồng đổi màu”
|
Nạn nhân Vũ Thị Hương.
|
Cuối tháng 7/2015, lần theo bản án, chúng tôi tìm đến nhà một nạn nhân là chị Vũ Thị Hương (phường 2, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng). Dù đã giới thiệu trước là nhà báo, nhưng chị Hương tiếp đón chúng tôi trong trạng thái rất căng thẳng vì lo sợ là người nhà phạm nhân đến trả thù.
Sau một hồi trấn an bằng thẻ nhà báo và những giấy tờ liên quan, cùng câu chuyện và sự chia sẻ, chị Hương mới trấn tĩnh để kể câu chuyện. Chị cho biết: “Chiêu lừa quá hoàn hảo, tinh vi đến mức quá dã man”...
Giữa năm 2012, một người bạn của chị Hương tên D. đến Bảo Lộc chơi và có nói nhiều về chuyện đồng đổi màu.
Cho dù chị bỏ ngoài tai nhưng D. cứ nằng nặc kể, nào là rất nặng, bằng nắm tay mà cả chục ký, dùng dao rạch qua thấy màu vàng bông bí bên trong rồi để một lát thì tự liền lại, nào là mỗi ký sẽ được một tập đoàn mua đến 80 triệu USD...
Nghe chuyện khó tin nên chị Hương để ngoài tai. Một thời gian sau qua Phan Thiết có việc, chị Hương ghé thăm bạn thì D. khuyên nên đi môi giới đồng đen, chỉ cần ít tiền đối ứng cho tập đoàn sẽ rất nhanh giàu.
Khi về lại Lâm Đồng, D. gọi điện nhờ chị Hương tìm mối bán thông tạp cho một người bạn tên Tuấn làm nghề san lấp mặt bằng. Sau khi được giới thiệu, trong khoảng mười ngày đầu, tối nào Tuấn cũng điện thoại chuyện trò, tạo cảm giác quen thân.
Đầu năm 2013 Tuấn lên Bảo Lộc. Trong bữa cơm chung, Tuấn chợt hỏi: “Có bao giờ Hương nghe chuyện đồng chưa?”. “Anh có hả?”. “Anh không có, nhưng người nhà bạn anh ở Rạch Giá cào được hai cái rương, trong có bức tượng gần cả tạ vàng 18k và mấy món tượng đồng rất quý!”.
Nghĩ đến bức tượng 80 triệu USD mỗi ký, chị Hương vặn hỏi và được nối máy cho Trung (Trà Trung Tín giả danh) ở Rạch Giá.
Nghe Tín diễn tả y chang như lời D. nói hôm nào. Diễn biến rất tự nhiên của sự việc đã khiến Hương tin ngay và đặt vấn đề giá cả để mua. Tín mời chị Hương về Kiên Giang để giao dịch.
Điện thoại lại cho D. kể về toàn bộ câu chuyện, D. khuyên nên đi ngay nên chị Hương thuê xe cùng Tuấn đi Kiên Giang liền trong đêm.
Tại Kiên Giang, Tín giới thiệu sang Tư (Nguyễn Văn Song giả danh), người giữ những bức tượng tại ấp 8, xáng 1, huyện An Minh. Sau nhiều lần “cò kè”, chị Hương mới tiếp cận được bức tượng và thử bằng giũa sắt.
“Tư lấy ra một pho tượng nhỏ màu sáng sẫm, cao chừng 15cm kể cả bệ ngồi. Tưởng nhẹ tôi cầm thử nhưng rất nặng, phải bê cả hai tay mới nổi. Tôi giũa qua thì thấy lộ ra màu vàng bông bí. Sau chừng năm phút, vết giũa tự lành trả lại màu sáng sẫm ban đầu. Tôi gọi về Bình Thuận cho D., cậu ấy nói cứ tìm cách giữ chân, để D. đưa người của tập đoàn xuống!”.
Sau hơn một tuần, chị Hương hỏi mượn và nhờ D. mang tiền về Kiên Giang mua tượng. Bức tượng sau đó được chị Hương mua với giá 545 triệu đồng, rồi đưa về Bình Thuận để “giao cho tập đoàn”.
Ngày 21/1/2013, tượng được khò qua máy và lộ rõ đồ giả, chị Hương tức tốc về Kiên Giang. Ngày 22/1/2013, chị trình báo Công an Kiên Giang toàn bộ vụ lừa đảo nói trên...
Chị Hương kể chuỗi ngày tiếp theo là khoảng thời gian kinh hãi nhất trong đời. Trước tiên, D. buộc chị phải trả gấp 400 triệu đồng, nếu không dọa kiện Hương cấu kết với nhóm lừa đảo. Chị phải bán toàn bộ xe cộ, vật dụng trong nhà và vay nóng bên ngoài để đủ tiền trả cho D..
Sau khi vay nóng hai tháng không có tiền trả, ngày nào cũng có nhóm “đầu gấu” đến đòi tiền với đủ trò dọa dẫm, đập phá đồ trong nhà. Sức ép quá lớn buộc chị xin chồng cầm cố ngôi nhà để vay ngân hàng trả nợ.
Cho đến cuối tháng 7/2015, chị cho biết vẫn còn nợ 300 triệu đồng, gồm ngân hàng 270 triệu đồng và 30 triệu đồng vay bên ngoài.
Tiền bạc mất chưa nói. Mất mát lớn nhất của chị Hương chính là khủng hoảng tinh thần suốt thời gian dài. Đặc biệt sau vụ việc, chuyện vợ chồng của chị cũng tan vỡ...
“Dù càng kể càng đau, nhưng tôi cũng mong chuyện của tôi được nhiều người biết để tránh những chiêu lừa tán gia bại sản này. Tôi cũng nhờ cơ quan pháp luật có biện pháp buộc bên lừa đảo trả lại số tiền mất mát mà tòa đã tuyên cho tôi!” - chị Hương chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ