Bồi thường rồi... đòi lại tiền
Năm 2012, Mùa Chứ Dia (SN 1977, trú tại xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) bị kết án 7 năm tù về tội "Hiếp dâm". Nạn nhân là người Mông cùng bản, mới 12 tuổi, là cháu đằng vợ của y.
Một lần, đi làm nương về, thấy cháu bé đang địu em chơi trước cửa nhà, thấy người lớn đi vắng hết, thú tính nổi lên, y đã hiếp dâm cháu họ.
Sau khi vụ việc vỡ lở, gia đình nạn nhân đã tố cáo lên Công an huyện Sông Mã và yêu cầu Dia phải bồi thường danh dự, sức khỏe cho cháu bé.
Theo lệ ở địa phương, ngoài số tiền 3 triệu đồng để làm vía giải xui, Dia còn phải trả thêm 9 triệu đồng cho gia đình. Tuy nhiên, theo luật, Dia vẫn phải chịu trách nhiệm vì hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm cho cộng đồng kể trên.
Sau đó, vụ án được củng cố, chuyển tiếp hồ sơ lên cấp tỉnh. Xét hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ Dia lại đau yếu luôn nên thời gian chờ xét xử và thi hành án, Dia vẫn được phép tại ngoại. Song, lợi dụng sự khoan hồng của luật pháp, y đã nhanh chóng bỏ trốn vào rừng, thỉnh thoảng mới lén lút trở về nhà.
Công an huyện Sông Mã, Công an tỉnh Sơn La, VKS phối hợp cùng già làng, trưởng bản, người thân trong gia đình nhiều lần lên tiếng vận động y ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng, tuy nhiên đều không thành.
Tên Dia lý luận, bắn tin về cho người nhà: “Tao đã trả cho nhà nó 9 triệu đồng rồi, bây giờ nếu bắt tao đi tù, thì nhà nó phải trả lại tiền đó cho vợ tao, nhà nó không trả thì công an phải trả. Nếu không thì đừng hòng”.
Sau khi vận động đầu thú không thành, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định truy nã Mùa Chứ Dia ngay sau đó.
Vụ án này, đích thân Thượng tá Lò Tiến Sơn, Phó phòng PC52, Công an tỉnh Sơn La thụ lý.
Tin tức từ Thượng tá Sơn cho biết, sau năm lần bảy lượt đến nắm tình hình địa phương, chân dung của Dia cũng dần được hé mở.
Theo đó, y mới chỉ học hết lớp 3, thậm chí không biết ký tên trên giấy nhưng lại có sức khỏe, rất to con, thuộc dạng đầu gấu ở địa phương, chuyên đi làm thuê, cửu vạn kiếm ăn từng bữa nuôi gia đình. Chưa hết, trong người y lúc nào cũng đeo sẵn một con dao quắm, rất manh động, sẵn sàng tấn công ngược trở lại bất kỳ lúc nào.
Với đám giang hồ “lâu nhâu” ở địa phương, tên Dia được xem như là chủ soái. Chú ruột của Dia lại là trưởng bản, rất có tiếng nói với người dân.
Sau khi bị phát lệnh truy nã, thỉnh thoảng người bản vẫn thấy y trở về thăm gia đình, tuy nhiên y chỉ thăm chốc lát rồi di chuyển sang các nhà anh em bên cạnh, hoặc lẩn lên lán rừng ở. Đây là một trong những điểm mấu chốt để trinh sát có thể lên phương án tác chiến với đối tượng này.
|
Ảnh minh họa.
|
Đòn quyết định (!)
Kế hoạch tác chiến được đặt ra, tuy nhiên phải mất gần 2 năm, qua 7 lần xuất quân mới buộc Mùa Chứ Dia tra tay vào còng chịu tội.
Theo Thượng tá Sơn, khó khăn nhất là mỗi lần xuất quân đều chủ yếu vào mùa mưa, đường sá vào bản đi lại rất khó khăn cho việc tiếp cận đối tượng và hiện trường.
Mặt khác, đây cũng là địa bàn tập trung nhiều người Mông sinh sống, có tinh thần đoàn kết trong cộng đồng khá cao. Vì vậy, mỗi lần có trinh sát xuất hiện là đám “chân rết” nghiện ngập, anh em họ hàng với Dia đều đã báo động trước cho y để trốn.
Khó khăn nữa là sau khi bắt được đối tượng, không đơn giản để có thể áp giải Dia ra đường lớn mà không bị dân làng cản trở, phản đối.
Thậm chí, có lần trinh sát của ta trong vai người buôn ngô, buôn trâu bò đã vào tới nhà của y, được vợ y mổ gà mổ vịt khoản đãi, ngồi cùng mâm với đối tượng nhưng cuối cùng vẫn phải rút về.
Thượng tá Sơn cười hóm hỉnh: “Anh em trinh sát so với tên Dia hóa ra lại trở thành thấp bé nhẹ cân, hai đồng chí mà chỉ sợ không khống chế được y, để cả bản kéo đến sẽ rất phức tạp nên phải rút lui mà trong lòng, quyết tâm phải bắt cho kỳ được tên này”.
Lần khác, sau khi tiếp cận và bắt được đối tượng nhưng lại bị người dân cản ở đầu bản, chặn xe, tạo điều kiện cho y chạy thoát. Lần nữa, do đồng chí công an viên của xã thiếu kinh nghiệm, khi cúi xuống để lộ khóa số 8 móc ở sau quần, tên Dia phát hiện, lập tức hô cả bản đến giữ người bắt. Phải nhờ trưởng bản thuyết phục mãi, cán bộ ta mới được thả ra.
Ơ mùa xuất quân thứ hai, cuối năm 2013, sau nhiều lần bắt hụt, kế hoạch bắt Dia lại được đặt lên bàn các trinh sát. Lúc đó, một sáng kiến được đưa ra, vốn người Mông hiện nay sống trên núi vẫn thường sử dụng loại máy thủy điện loại nhỏ đặt trên đầu suối, vì vậy, anh em cử người đi vô hiệu hoá chiếc máy của nhà Dia trong đêm.
Sau khi mất điện, theo dự đoán, vợ tên Dia sẽ bắn tin lên cho y, anh em sẽ lập các chốt để đón bắt y ngay sau khi xuất hiện. Cuộc vận lộn với y diễn ra kịch liệt ngay trong đêm mới khóa tay được y.
Sau đó, tổ công tác lập tức dẫn giải Dia về trụ sở UBND xã, cách đấy chừng 20km. Không may, trên đường về một đồng chí công an trẻ chưa có kinh nghiệm, đi lạc đường, bị dân bản phát hiện và giải ngược trở về bản.
Cơ quan công an, chính quyền địa phương phải đưa hết lực lượng vào gồm UBND xã, mặt trận, hội phụ nữ vào thuyết phục, vận động và giải thích về pháp luật, chiến sỹ này mới được thả ra.
“Kỷ niệm đi đánh án thì nhiều, nhưng chưa đối tượng nào khiến anh em phải lâm vào những tình huống… “khó đỡ” như kể trên. Đó cũng là bài học kinh nghiệm với nhiều thế hệ trinh sát khi hoạt động trong những địa bàn dân trí thấp và phức tạp”, Thượng tá Sơn nhớ lại.
Đồng ý bồi thường vì... “vợ khuyên thế”
Cũng cần nói thêm, địa bàn xã Nậm Ty là một trong những điểm nóng về tội phạm của huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Xét về gia đình, vợ Dia vốn người trong bản, sức khỏe yếu, không làm được việc nhiều nên trách nhiệm nuôi vợ con đổ hết lên đầu y. Dia cũng là một kẻ khá thương vợ.
Chính vì vậy, sau khi không làm chủ được hành vi của mình với đứa cháu vợ, y nhanh chóng đồng ý bồi thường cho gia đình nạn nhân vì “vợ khuyên thế”, mặc dù lúc ấy, tổng cộng số tiền 12 triệu đồng với gia đình y không phải là một khoản nhỏ.
Theo Người đưa tin