Gắn liền với cuộc sống từ thời bao cấp, chợ Giời dần trở nên quen thuộc với người Hà Nội, đến nỗi người ta nhiều khi quên hẳn đi tên thật của chợ là chợ Hòa Bình.
Đi chợ mất... biển số
Ở chợ Giời, gần như khách có thể mua bất cứ đồ gì cần mua mà có lẽ sẽ vô cùng khó để tìm được ở bất cứ một khu buôn bán hiện đại nào khác tại Hà Nội. Đó có thể là biển số của chính chiếc xe họ đi đến chợ, câu chuyện cười ra nước mắt của anh Vũ Hưng (26 tuổi, ở Đội Cấn, Hà Nội) là một minh chứng.
Số là, trong một lần đến chợ Giời tìm mua vài linh kiện cho chiếc máy ảnh, anh Hưng gửi xe ở một bãi trông giữ bên ngoài rồi đi vào chợ khoảng 30 phút, sau đó anh trở lại bãi xe. Phải mất một lúc tìm kiếm, anh Hưng mới choáng váng nhận ra chiếc xe Wave của mình vẫn còn đó, nhưng biển số thì đã “không cánh mà bay”. Thắc mắc với thanh niên trông xe thì anh nhận được câu trả lời: “Ở đây chỉ trông xe chứ biển số thì ai mà trông được? Muốn tìm, anh thử quay vào chợ thì may ra...”.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh tại chợ Hoà Bình (chợ Giời). |
Mặc dù rất khó chịu nhưng không còn cách nào khác, anh Hưng đành làm theo gợi ý của cậu thanh niên là quay vào chợ hỏi mua chính chiếc biển số của mình. Theo chỉ dẫn, anh đến một sạp ở ngõ Thịnh Yên, chuyên bán phụ tùng xe máy dò hỏi. Chỉ sau vài câu trao đổi, chủ sạp khẳng định không quá 20 phút sẽ tìm được với cái giá chắc nịch là 300 nghìn đồng. Thắc mắc về số tiền “cắt cổ” phải trả, anh Hưng được ông chủ giải thích: “300 nghìn là còn rẻ vì mất ở gần đây nên dễ tìm, chứ ở xa thì không những vừa phải đợi lâu mà giá phải từ 500 – 600 nghìn đồng”.
Quả thật, chỉ sau hơn 20 phút len vào chợ, anh Hưng nhận ra cô nhân viên của cửa hàng đang vui vẻ trở lại, trên tay cầm chiếc biển số của mình. Vẫn còn ấm ức vì cuộc mua bán chóng vánh và “cái giá cắt cổ”, nhưng vì biết tiếng “dân chợ Giời”, không muốn thêm rắc rối nên anh đành ngậm ngùi trả tiền rồi quay lại bãi lấy xe đi về.
Cứ đặt hàng là... có!
Theo chân anh C.G. (36 tuổi, ở Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội), một dân chơi ô tô cổ, thường xuyên nhặt nhạnh “đồ chơi” ở khắp chợ Giời, PV được anh dẫn đi xem đồ ở vài sạp quen bên trong chợ. Đến một cửa hàng khá lớn, người phụ nữ tên Hiền (anh G. giới thiệu là chủ cửa hàng) vừa lục lọi đồ theo mong muốn của anh G. vừa xởi lởi giới thiệu giá, nguồn gốc của mỗi thứ.
Theo chủ cửa hàng này, hàng nhà chị có chủ yếu là do chị và người nhà tìm mua lẻ hoặc do người ta đem đến bán lại. Khi nghe PV than thở dạo này ô tô dễ mất “tai” (gương) quá, mà mua mới thì đắt nên không biết phải làm sao, chị Hiền lanh lảnh nói: “Mất “tai” thì cứ tìm đến đây, cả cái Hà Nội này chúng nó “nhảy” (vặt trộm - PV) ở đâu thì cũng phải mang về chợ này hết, nhà chị không mua được thì chị hỏi ở hàng khác cho, chỗ chị em, chị không lấy công. Còn nếu là bạn bè chú mất thì chị lấy vài chục, coi như tiền điện thoại, giá cả cứ trả theo mức chung là được”.
Khi được hỏi mức chung là như thế nào, chị Hiền cho biết: “Ví dụ như em hỏi cặp gương nào đấy, người ta báo niêm yết khoảng 8 – 10 triệu đồng, thì em cứ trả mức thấp nhất là 8 triệu, cùng lắm thêm vài trăm là đúng giá”. PV thắc mắc: “Nhưng mà nhiều ông phải mua lại chính đồ của mình, như thế sao gọi là đúng giá được?”. Người phụ nữ lại ôn tồn giảng giải: “Đồ mất rồi thì kiểu gì cũng phải mua lại đúng không? Chú cũng biết, mò ra hãng thì có mà chết tiền, vớ vẩn vài hôm lại bị “nhảy” thì có mà khóc! “Anh chị” ở chợ này cũng phải dùng mối quan hệ đi tìm coi như là “giúp” khách thôi chứ lãi lời được mấy”.
Qua thêm một vài cửa hàng, PV được biết với sự nhạy bén của mình, các tay buôn chợ Giời vẫn luôn có nhiều “mánh” khác nhau, cho khách hàng lựa chọn nhằm đáp ứng nhu cầu. Khách dễ tính, không muốn phải chi nhiều tiền thì có thể dùng hàng nhái với giá có lúc thấp đến hơn một nửa hàng chính hãng. Khách khó tính hơn thì có thể nhờ chủ hàng “dựng” đồ.
“Dựng” ở đây chỉ là một cách gọi lái đi của những kẻ sành sỏi, trên thực tế, tùy theo yêu cầu của khách, chính các chủ hàng đặt trực tiếp với một “đội quân du mục” bên ngoài nhằm tìm kiếm đồ, có thể là săn lùng mua lại ăn chênh giá, hoặc trắng trợn hơn là đặt hàng “nhảy” của những kẻ chuyên chôm chỉa. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao nhiều người kém may mắn bị mất đồ mà vẫn không thể tìm lại được đồ của mình ngay cả khi phải mò đến chợ Giời.
Tạm giữ hàng nghìn phụ tùng ô tô nghi vấn
Theo thông tin từ phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 Công an TP.Hà Nội), trong dịp Tết Bính Thân 2016 vừa qua, đơn vị này tiếp nhận 3 vụ trình báo mất trộm gương ô tô. Trong đó, có một vụ người dân trình báo vào ngày 28 Tết và hai vụ còn lại được trình báo trong mấy ngày Tết. Tuy nhiên, cũng theo nhận định của cơ quan công an, trên thực tế có thể vẫn còn có các trường hợp khác bị mất cắp phụ tùng xe ô tô nhưng do người dân ngại nên đã không trình báo công an. Ngoài ra, trong mấy ngày Tết, PC45 cũng nhận được trình báo về 2 vụ mất trộm cần gạt nước xe ô tô. Qua điều tra ban đầu cho thấy, các vụ mất trộm phụ tùng ô tô chủ yếu xảy ra ở những nơi vắng người, chủ sở hữu tài sản để xe ở nơi khuất, không có người trông giữ.
Ngay sau dịp Tết, ngày 14/2 vừa qua, phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng và đội Quản lý thị trường số 5 (chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô tại khu vực quanh chợ Hòa Bình (chợ Giời), nơi được coi là điểm nóng về hàng gian, hàng giả. Qua kiểm tra hành chính, lực lượng liên ngành đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm linh kiện, phụ tùng ô tô đã cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, như vòng bi, cần gạt nước, logo, logo ốp bánh, lazăng...
Toàn bộ số linh kiện, phụ tùng đã được bàn giao đến cơ quan quản lý thị trường để phân loại, xác minh, xử lý. Được biết, trên cơ sở phân loại, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những phụ tùng, cá nhân nào có dấu hiệu phạm pháp hình sự thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng PC45 Công an TP.Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng cảnh sát hình sự của các quận và của thành phố đã tăng cường kiểm tra giám sát trên địa bàn để phát hiện và bắt giữ các đối tượng có biểu hiện trộm cắp các loại phụ tùng ô tô. Dịp trước và trong Tết, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, PC45 cũng đã phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng để điều tra khảo sát 44 hộ kinh doanh phụ tùng ô tô xe máy ở hai phường Đồng Nhân và phường Phố Huế, yêu cầu các hộ kinh doanh này cam kết không tiếp tay, mua bán đồ cũ của các đối tượng đem đến bán. Nếu trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Tiếp tục chặn đường tiêu thụ đồ gian
Đại tá Dương Văn Giáp cũng khẳng định, thời gian tới, PC45 vẫn phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục ra quân, đẩy mạnh công tác kiểm tra, phòng ngừa để các hộ kinh doanh phụ tùng ô tô, xe máy không có điều kiện tiếp tay tiêu thụ đồ gian. Lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền cho người dân các địa điểm thường hay mất trộm để phòng tránh. Đại tá Giáp cũng khuyến cáo, người dân không nên đỗ xe tại các địa bàn công cộng, nhất là ban đêm thì cần phải đưa đến điểm gửi xe. Trong trường hợp bị mất trộm các loại phụ tùng xe ô tô cần phải trình báo ngay với công an phường nơi gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết.
Theo Người đưa tin