Mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề: Nguyệt mua để lừa chồng hờ

Google News

(Kiến Thức) - Phạm Thị Nguyệt - bị cáo vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề mỗi lần đưa các bé về đều nói dối chồng hờ là con đẻ để nhận chu cấp.

Sáng 9/9, TAND quận Long Biên (Hà Nội) mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề hồi tháng 7/2014.
Hai bị cáo trong vụ "mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề" được đưa ra xét xử gồm: Phạm Thị Nguyệt (SN 1970, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang ( SN 1978, trú tại phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cùng về tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”, theo Điều 120, BLHS.
Mua ban tre em tai chua Bo De: Nguyet mua de lua chong ho
Phạm Thị Nguyệt (bên trái) và Nguyễn Thị Thanh Trang (bên phải).
Trước đó, ngày 28/8, phiên tòa đã phải hoãn xử một lần vì đại diện hợp pháp của bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Trong phiên tòa hôm nay, anh Vũ Xuân Trường – bố đẻ của cháu Phạm Gia Bảo (tức Cù Nguyên Công, bị hại trong vụ án) tiếp tục vắng mặt. Tuy nhiên theo HĐXX xét thấy việc vắng mặt. của ông Trường không ảnh hưởng tới phiên xét xử nên phiên toà vẫn diễn ra bình thường.
Cháu bé bị bán được sinh tại một nhà nghỉ
Cháu Phạm Gia Bảo được chị Trần Thị Thu Hà (24 tuổi) sinh vào ngày 25/20/2013 tại một nhà nghỉ. Đến ngày 29/10/2013, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng chị Hà mang cháu Bảo đến chùa Bồ Đề ở 90 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội để nhờ nhà chùa nuôi.
Tại đây chị Hà gặp sự trụ trì Thích Đàm Lan, chị Hà đã nói dối sư trụ trì cháu Bảo là con của người khác và nhờ nhà chùa nuôi hộ, khi nào tìm thấy mẹ cháu bé sẽ đón cháu về nuôi. Sư trụ trì đã giới thiệu chị Hà xuống gặp bị cáo Trang để làm thủ tục cho cháu vào chùa.
Đứng trước tòa, bị cáo Trang cho biết, khi nhận cháu Bảo, Trang đề nghị chị Hà photo CMTND của chị Hà để kẹp vào hồ sơ cho cháu, đồng thời yêu cầu chị Hà làm đơn với nội dung: cháu bé không phải con đẻ của chị Hà, chị Hà đến gửi ở chùa nhờ nhà chùa nuôi hộ. “Tôi khẳng định với HĐXX tôi đã ghi thông tin hồ sơ về cháu bé trong sổ ghi chép của nhà chùa” – Trang nói.
Trước câu hỏi liên tục của HĐXX về việc có đưa thông tin ghi chép của cháu Bảo vào sổ hay không và yêu cầu bị cáo Trang phải suy nghĩ lại về lời khai của mình? Trang đã thừa nhận là không ghi chép rồi thoái thác trách nhiệm là do UBND quận Long biên yêu cầu không tiếp nhận thêm cháu mới nên Trang mới làm như vậy. Ngay sau đó, HĐXX nói, đó chỉ là lí do của bị cáo Trang đưa ra.
Mua ban tre em tai chua Bo De: Nguyet mua de lua chong ho-Hinh-2
Có khá nhiều người đến theo dõi phiên tòa..
Tháng 10/2013, trong một hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề, anh Nguyễn Thành Long (40 tuổi) đã gặp cháu Công và xin được nhận là cha đỡ đầu của cháu. Anh Long đã đặt tên cháu là Cù Nguyên Công.
Sau một thời gian qua lại và không thấy cháu Công ở trong chùa, nghi ngờ cháu bé bị bán, ngày 30/7/2014, anh Nguyễn Thành Long đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác minh và xác định Phạm Thị Nguyệt là người đã mua cháu Cù Nguyên Công từ chùa Bồ Đề vào tháng 1/2014.
Quá trình cháu Công bị mua bán với giá 35 triệu
Khi nhận cháu Công vào chùa, Trang nhiều lần qua lại và tâm sự với chị Hà, biết được Công chính là con đẻ của chị Hà, do có hoàn khó khăn nên chị Hà không nuôi được, vì vậy, Trang đã khuyên chị Hà cho cháu Công đi làm con nuôi.
Ngày 22/8/2012, bị cáo Nguyệt mang một trẻ nhiễm HIV đến chùa rồi quen biết với bị cáo Trang. Nguyệt đề nghị với Trang xin một bé trai, khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV về làm con nuôi.
Trang đã nói với chị Hà là có người muốn nhận cháu về nuôi để khi về già có người nương tựa. Chị Hà đã đồng ý. Trang liền nhờ một người bán hàng nước ở chùa tên Minh đóng giả làm chị dâu của Trang đến gặp Hà nói chuyện xin con. Khi Hà tin, đồng ý cho con, Trang gọi điện cho Nguyệt nói đã lo xong chuyện đó. “Chị Nguyệt hứa cho 40 triệu để bồi dưỡng cho bị cáo và mẹ thằng bé. Lúc hứa chị Nguyệt không nói rõ mỗi người bao nhiêu mà tự bị cáo nghĩ mỗi người được 20 triệu đồng. Chuyện cho tiền chị Hà không hề biết.” – Trang cho hay.
Phản bác lại lời khai của Trang tại tòa, Nguyệt khẳng định không hề hứa việc cho Trang tiền bồi dưỡng.
Ngày 1/1/2014, chị Hà đến gặp sư trụ trì Thích Đàm Lan để xin lại cháu bé rồi cùng Trang đưa con xuống nhà mẹ của Trang ở Linh Sở, Thường Tín. Tại phiên tòa chị Hà cho biết bản thân không biết đấy là nhà mẹ Trang vì Trang nói dối đó là nhà mẹ của chị dâu. Còn Trang nói với HĐXX là vì không muốn mẹ cháu đi lại hay nuôi dưỡng cháu bé.
Khoảng 12h trưa ngày hôm sau, chị Nguyệt xuống cùng chị Giang (người đóng giả là chị dâu chị Nguyệt) xuống nhà mẹ Trang đưa cháu Công đi xét nghiệm ở 50C hàng bài.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Nguyệt đưa cho Trang một túi tiền 35 triệu và nhắn tin 5 triệu còn lại tết sẽ trả.
“Nhận tiền xong, bị cáo định đến nhà Hà để đưa tiền nhưng Hà từ chối, bị cáo gọi Hà đến không được nên bị cáo xin số tài khoản của Hà. Sau đó bị cáo chuyển cho Hà 10 triệu, số tiền còn lại bị cáo chị tiêu cá nhân hết.” – Trang nói. Tuy nhiên, chị Hà bảo không dùng tài khoản.
4 tháng sau khi nuôi cháu Công, Nguyệt nhận được điện thoại của Trang nói anh Long bố cháu bé đang đi tìm cháu. Sau đó, Nguyệt gọi cho chị Hà yêu cầu gặp tại chùa Bồ Đề để giải quyết việc cho xong chuyện.
Mua ban tre em tai chua Bo De: Nguyet mua de lua chong ho-Hinh-3
 Bị cáo Nguyệt trả lời câu hỏi của HĐXX.
"Bị cáo bế con đến gặp chị Hà tại chùa Bồ Đề. Sau đó viết giấy cho con và từ nay không gặp mặt cháu bé nữa." - Nguyệt khai.
Tuy nhiên, bị cáo Trang khẳng định, Nguyệt yêu cầu chị Hà viết một cái giấy là quan hệ với chồng Nguyệt và xin trả lại cháu bé cho Nguyệt nuôi. Trước khi đón cháu bé một tuần Nguyệt có hứa cho tiền.
Nguyệt chung sống như vợ chồng với 2 người đàn ông cùng một lúc
Cũng tại phiên tòa, Nguyệt khai, đã chung sống cùng lúc với cả anh Nguyễn Văn Vũ và anh Phạm Đức Hữu, nói dối với 2 người này rằng, những đứa trẻ mà Nguyệt nhận nuôi đều là con đẻ của họ, mục đích là để các anh chu cấp tiền nuôi các cháu.
Được biết trước khi sống cùng 2 người đàn ông này, Nguyệt đã chung sống với người đàn ông khác ở quê, có 2 con. Năm 1999, Nguyệt rời bỏ quê để lại hai cháu bé - con ruột của Nguyệt. Hai cháu bé sống cùng bà nội và hoàn toàn không nhận được trợ cấp của Nguyệt.
Trình bày trước Tòa, anh Hữu cho hay, anh và Nguyệt có quan hệ như vợ chồng, chung sống với nhau từ 2011, đến 2014 thì đăng kí kết hôn. Anh không hề biết Nguyệt đã có chồng và 2 con, bởi Nguyệt nói rằng đó là con nuôi.
Năm 2012, Nguyệt nói có thai, nhưng anh Hữu bảo đưa đi khám Nguyệt lại không đồng ý. Sau đó, Nguyệt thông báo đã sinh con, hỏi giấy chứng sinh thì Nguyệt bảo đẻ ở cơ quan nên không có. Tương tự, khi nhận nuôi các cháu sau này, Nguyệt đều nói là con đẻ của anh Hữu mà anh này không hề hay biết.
“Bản thân tôi thường xuyên đi làm xa nhà, nửa tháng hoặc cả tháng mới về nên cũng không để ý. Cô ấy nói sao thì tin vậy. Nhưng về sau cũng thấy nghi ngờ dần”, anh này nói.
Anh này cũng đề nghị Nguyệt bồi thường hơn 200 triệu đồng tiền vay và tiền nuôi các cháu nhỏ.
Về phần mình, anh Nguyễn Văn Vũ cũng bị Nguyệt cho ăn “quả lừa” tương tự. Anh này cho biết có quan hệ bạn bè, chung sống như vợ chồng từ cuối 2012. Trong quá trình sống chung, Nguyệt nhận nuôi các cháu bé và đều nói rằng chúng là con đẻ của anh Vũ. Khi đón cháu Công về, Nguyệt nói cần 40 triệu để trả viện phí, do đó anh đã đưa cho Nguyệt chứ không hề biết gì về việc trao đổi hay đưa tiền cho Trang.
Chiều nay, tòa tiếp tục phiên tòa xét xử.
Hồng Liên