Nâng chuẩn trình độ của giáo viên: Coi chừng cuộc chạy đua bằng cấp

Google News

Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên ở các cấp học có thể diễn ra cuộc “chạy đua” bằng cấp với quy mô lớn, rất khó kiểm soát.

Chính phủ vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những điều đáng chú ý mà dự thảo đưa ra là về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Theo đó, Chính phủ nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất là sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 72 của dự thảo Luật về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT.
Nang chuan trinh do cua giao vien: Coi chung cuoc chay dua bang cap
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) yêu cầu có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT (ảnh minh họa) 
Đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ. Quy định này nhằm thể chế hoá Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/QH, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Cần có sự kiểm soát cơ sở cấp chứng chỉ sư phạm
Trước quy chuẩn mới về trình độ của giáo viên ở các cấp học, bà Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội đồng thuận với việc nâng chuẩn trình độ giáo viên ở các cấp học.
Tuy nhiên, nếu Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) thì Bộ GD-ĐT cần có Thông tư hướng dẫn, quy định rõ độ tuổi, thời gian, lộ trình để giáo viên nâng chuẩn trình độ. Ví dụ như nếu quy chuẩn trình độ giáo viên áp dụng từ năm 2019 thì Bộ cần quy định 3 năm sau, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, 4 năm sau mới phải có bằng đại học.
Bởi nếu như năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) mà không quy định độ tuổi, thời gian để giáo viên nâng chuẩn trình độ thì nhiều giáo viên Tiểu học, THCS, THPT chưa có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm sẽ phải “chạy đua” đi học hoặc bằng mọi cách có được bằng tốt nghiệp. Như vậy, cuộc “chạy đua” bằng cấp sẽ diễn ra quy mô lớn, rất khó kiểm soát.
Còn những giáo viên đang giảng dạy đã đạt chuẩn ở thời điểm họ thi tuyển vào ngành Giáo dục nhưng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu mới thì các địa phương, trường học có thể để họ nâng cao trình độ bằng hình thức khác như tham gia vào lớp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Theo bà Hồng Hạnh, quy định như thế này cũng chấp nhận được nhưng chứng chỉ đó phải đảm bảo chất lượng. Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép những cơ sở đào tạo nào đủ năng lực, uy tín, có trách nhiệm mới được cấp bằng chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm. Điều này nhằm tránh trường hợp mua bán chứng chỉ sư phạm diễn ra ở nhiều nơi, người học thì không học thực sự, chỉ cần có tiền là có thể mua được chứng chỉ.
Giáo viên có thâm niên công tác sẽ “ngại” đi học
Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Bắc Giang, chuyên ngành Vật lý từ năm 2000, cho đến nay, thầy giáo Trần Bá Minh, tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, trường THCS Lê Quý Đôn, TP Bắc Giang đã có bằng đại học. Nhiều giáo viên cấp THCS cùng lứa với thầy đa phần cũng đã đạt chuẩn theo như dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đưa ra.
Tuy nhiên, có một bất cập giữa giáo viên trẻ tuổi với giáo viên có thâm niên giảng dạy khi phải nâng cao trình độ. Đó là với giáo viên trẻ có hệ số lương còn thấp, việc học tập để nâng cao bằng cấp từ cao đẳng lên đại học sẽ có lợi cho việc nâng lương. Còn đối với những giáo viên thâm niên công tác lâu năm có trình độ cao đẳng muốn học lên đại học thì không được tăng thêm lương mà lại còn tốn kém kinh phí để đi học nên sẽ có nhiều người ngại đi học. Vì vậy, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ nên áp dụng cho những giáo viên ở từng độ tuổi, chứ không nên áp dụng với tất cả giáo viên ở mọi lứa tuổi.
Nếu việc đi học nâng chuẩn trình độ áp dụng ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thì giáo viên cũng gặp những trở ngại vì đường sá ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi đi lại rất vất vả.
Theo thầy giáo Trần Bá Minh, nếu thực hiện nâng chuẩn trình độ giáo viên cho giáo viên ở vùng khó khăn thì địa phương nên tạo điều kiện để họ học tập trung vào cuối tuần./.
Theo Bích Lan/VOV