Kiếp chồng chung
Tâm sự với chúng tôi, bà Hồng nghẹn ngào kể về cuộc đời mình. 16 tuổi, bà đã lên xe hoa về nhà chồng với nhiều lời chúc phúc về một cuộc sống viên mãn. Nhưng trớ trêu thay, “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang” khi người chồng qua đời sau một vụ tai nạn thảm khốc. Từ khi chồng mất, nuốt nước mắt vào trong, bà Hồng lao vào công việc làm ăn để quên đi tất cả.
|
Đến cuối đời, bà Nguyễn Thị Hồng không tin mình phải đi ở nhờ. Ảnh: Đ.Hoàng |
Trong thời gian buôn bán, làm ăn này, bà Hồng có quen ông Lê Đình Tùng (SN 1941, trú phường Cẩm Phô, Hội An). Trong thâm tâm xác định là ở vậy, không lấy chồng nhưng giữa bà và ông Tùng nhiều lúc có một tình cảm “lạ”. Mặc dù đã có vợ và hai con, nhưng ông Tùng vẫn ngỏ lời muốn lấy bà làm… vợ bé. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hồng chấp nhận làm vợ hai của ông Tùng. Mối lương duyên này được hai bên gia đình chấp thuận, nhất là bên nhà ông Tùng, vợ và các con không phản đối gì. Năm 1974, bà Ngô Thị Thế (vợ của ông Tùng) còn mang trầu cau đến hỏi bà Hồng về làm vợ bé cho ông Tùng.
Sau lễ cưới đơn giản, bà Hồng về ở luôn trong nhà ông Tùng cùng với vợ con bà cả, cùng sống cảnh chồng chung. Bà cũng mang luôn tài sản của mình về nhà chồng để làm vốn buôn bán. Trước ngày giải phóng, ông Tùng cùng gia đình, bà Hồng bỏ Hội An, di tản vào Sài Gòn sinh sống. Sống ở Sài Gòn được một thời gian, họ lại quay về Hội An lập nghiệp. Năm 1994, ông Tùng nhập khẩu cho bà Hồng vào hộ khẩu gia đình với danh vị là vợ.
Thời gian này, bà Hồng không quản ngại khó khăn, vất vả, sớm hôm cùng ông Tùng đi ghe buôn bán, kiếm tiền nuôi cả gia đình. Nuôi ý định làm ăn lớn, ông Tùng nghỉ buôn bán rồi mở xưởng xẻ gỗ, thành lập xí nghiệp đóng tàu. Làm ăn khấm khá, năm 2002, ông Tùng mở Công ty TNHH Hoa Sen (đường Cửa Đại, TP Hội An) với 60% cổ phần của ông. Thời gian này, ông Tùng bố trí bà Hồng ở trên Công ty, còn người vợ cả ở nhà. Gần 34 năm trời sống với cảnh chồng chung, bỏ qua mọi lời đàm tiếu, bà Hồng vẫn thấy vui mặc dù giữa hai người không có con riêng.
Nỗi đau ở lại…
Bà Hồng cho biết, khi còn sống, ông Tùng có hứa sẽ xây nhà riêng cho bà và viết di chúc để lại cho bà một phần tài sản để dưỡng già. Nhưng những ý định của ông Tùng chưa kịp làm cho bà thì ông đã ra đi đột ngột, không kịp trăng trối một lời. Sau khi ông Tùng mất, bà Hồng ở một thời gian trên Công ty rồi được các con của ông Tùng yêu cầu phải chuyển đi chỗ khác ở. Chẳng biết bấu víu vào đâu, được bao nhiêu tiền bà gom góp đưa cho ông Tùng làm ăn mà không viết một giấy tờ gì, nên bà Hồng ra đi tay trắng. Trong lúc không biết về đâu, bà Hồng được người thím dâu đón về cho ở nhờ trong căn nhà cấp 4 cũ nát ở phường Thanh Hà.
Được biết, tài sản mà đáng lẽ ra bà Hồng được phân chia là một phần của Công ty TNHH Hoa Sen. Công ty này được định giá sau khi trừ nợ ngân hàng còn gần 29 tỷ đồng và ông Tùng có 60% tổng giá trị tài sản, khoảng 17 tỷ đồng. Nếu đúng ra, số tiền 17 tỷ đồng này phải được chia cho bà Thế và bà Hồng. Tuy vậy, các con ông Tùng không chấp nhận phân chia tài sản với lý do bà Hồng sống với ông Tùng không đăng ký kết hôn là bất hợp pháp và trên giấy tờ bà Hồng không có liên quan gì đến Công ty… Không cam chịu, bà Hồng đâm đơn kiện. Ngày 31/1/2013, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên phúc thẩm và tuyên án không chấp nhận yêu cầu phân chia tài sản chung của bà Hồng đối với khối tài sản của ông Tùng.
Mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử vụ án này và quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm Số 13/2013/DSPT ngày 31/1/2013 của TAND tỉnh Quảng Nam và hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm Số 41/2012/DS-ST ngày 12/9/2012 của TAND TP Hội An về vụ án “tranh chấp về thừa kế tài sản và chia tài sản chung” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hồng với bị đơn là bà Ngô Thị Thế, anh Lê Đình Sen, chị Lê Thị Hoa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Trần Thị Duy Tiên, Công ty TNHH Hoa Sen, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam.
HĐXX giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Hội An để xét xử sơ thẩm lại đúng theo quy định của pháp luật.
Trong bản án sơ thẩm Số 57/2010/DS, TAND TP Hội An nhận định: “Quan hệ hôn nhân giữa hai người (ông Tùng, bà Hồng) không bị điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959. Cho nên dù quan hệ hôn nhân của bà Hồng và ông Tùng vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng vẫn phải công nhận quan hệ hôn nhân của họ là hợp pháp”. Điều này phù hợp với hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành pháp lệnh thừa kế năm 1990: Trường hợp một người có nhiều vợ (… trước ngày 23/5/1977- ngày công bố các danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước đối với miền Nam…) thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng…”.
Ngay cả trong kháng nghị Số 04/QĐ/KNDS-PT ngày 10/10/2012 của Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Quan hệ hôn nhân giữa ông Tùng và bà Hồng được xem là hôn nhân thực tế và được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp”.
>>> Mời quý độc giả xem video Chồng đánh vợ (nguồn Youtube):
Theo Giadinh.net