Những bất thường ẩn chứa sau chiếc xe Lexus biển xanh

Google News

Thời gian qua, sự việc chiếc Lexus mang biển số xanh 95A-0699, chở ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang gây nhiều chú ý của dư luận. 

Thời gian qua, sự việc chiếc Lexus mang biển số xanh 95A-0699, chở ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang gây nhiều chú ý của dư luận. Sự việc không chỉ chứng tỏ sự hành xử sai pháp luật mà còn ẩn giấu nhiều điều bất thường khác, thậm chí khiến Tổng Bí thư phải có ý kiến chỉ đạo kiểm tra xử lý sự việc.
Nhung bat thuong an chua sau chiec xe Lexus bien xanh
Ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe nhiều tỉ “đi mượn”. 
“Đại gia” lấy xe sang đi làm… tài xế cho “quan” tỉnh?
Theo giải thích của ông Trần Công Chánh (Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang), vào tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh (Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) được điều động giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Lúc đó thường trực UBND tỉnh thống nhất bố trí cho ông Thanh đi một chiếc xe bốn chỗ duy nhất mà Văn phòng UBND tỉnh đang sử dụng phục vụ văn phòng. Tuy nhiên, ông Thanh từ chối với lý do tỉnh đang thiếu xe, nếu ông dùng thì không còn xe cho anh em đi, mà nếu mua thêm xe thì là gánh nặng cho ngân sách. Ông Thanh đề xuất sẽ mang chiếc xe từ Hà Nội vào sử dụng.
Ông Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi), quê xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Theo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội vừa qua của tỉnh Hậu Giang, ông Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội với tỷ lệ 75,28% phiếu tán thành, là một trong những người đứng đầu danh sách 6 đại biểu trúng cử ở địa phương.
Ông Thanh từng giữ một số vị trí lãnh đạo và Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) từ năm 2007 đến năm 2013. Tháng 9/2013, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Trước khi được luân chuyển về Hậu Giang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Thanh là Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương.
Ông Thanh cũng xác nhận chiếc xe trên là ông “mượn của một người em bà con bên vợ”, mang từ Hà Nội vào sử dụng gần một năm nay. “Khi về Hậu Giang công tác, thấy địa phương khó khăn quá nên tôi mượn xe dùng để đỡ bớt gánh nặng ngân sách cho địa phương. Nay dư luận quy kết tôi dùng xe sang, nọ kia là không đúng”. Ông Thanh còn cho rằng người bán hàng rong nếu dành dụm tiền cũng mua được ô tô.
Quá trình giải thích của ông Thanh cũng có những điểm bất thường. Ban đầu, ông Thanh lý giải xe này do ông mượn của người bạn, vốn mang biển kiểm soát dân sự 29A-790.93.
Một năm trước khi được phân công về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông đã mang từ Hà Nội vào sử dụng. Sau đó, ông Thanh nói chủ xe là Nguyễn Đặng Toàn, em bà con bên vợ. Ông cho rằng khi biết anh rể vào miền Tây công tác, người này đã cho ông Thanh mượn xe để đi lại nhằm tiết kiệm cho ngân sách của Hậu Giang trong việc mua xe công phục vụ Phó Chủ tịch tỉnh. Điều khiến người ta càng cảm thấy vô lý hơn, đó là đồng thời chủ nhân xe nhiều tỉ cũng vào Hậu Giang làm… tài xế cho ông Thanh với mức lương chỉ vài triệu đồng.
Quan trọng hơn, điều bất thường này không biết có liên quan gì đến tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí VN (PVC), nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo từ năm 2007 đến năm 2013? Hai năm sau đó, vào năm 2015, ông Thanh lại được luân chuyển, bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Theo điều tra, xe ôtô Lexus 570 biển số 29A-790.93 gắn biển số xanh Hậu Giang mà ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng được đăng ký tại Phòng CSGT Công an TP Hà Nội ngày 24/5/2013. Chủ nhân chiếc xe là ông Nguyễn Đặng Toàn, thường trú tại phố Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm, Hà Nội. Từ tháng 5/2015, chiếc xe này được đưa vào lưu thông tại tỉnh Hậu Giang, sau đó được gắn biển số xanh 95A-0699.
Thông tin cụ thể trên báo chí, ông Thanh cho biết, sau khi cho ông mượn xe Lexus 570 đưa vào Hậu Giang, chủ xe đã nộp đơn xin làm “chân” lái xe cho Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang. Cụ thể, hợp đồng của ông Toàn là hợp đồng có thời hạn, mức lương 2 – 3 triệu đồng/tháng. Ông Toàn được phân công làm tài xế lái chiếc xe Lexus LX570 mà ông đứng tên để chở Phó Chủ tịch tỉnh.
Được biết, trong danh sách cổ đông của IDICO Long Sơn (trụ sở ở TP HCM, thuộc Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam do ông Thanh từng lãnh đạo), ông Nguyễn Đặng Toàn sở hữu 4.000 cổ phiếu tại doanh nghiệp này.
Tổng Bí thư chỉ đạo kiểm tra sự việc
Trước sự việc như nêu trên, quan điểm của Hậu Giang như thế nào? Thông tin với báo chí, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Hậu Giang Trần Thanh Lâm lại có vẻ… đồng tình, khi cho rằng do ông Thanh thường xuyên đi công vụ các tỉnh nên được Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đề đạt với công an tạm gắn biển số xanh cho ôtô mang từ Hà Nội vào nhằm thuận tiện phục vụ công việc. Trước đây, dự tính biển số này sẽ được thu hồi khi ông Thanh không còn công tác tại địa phương.
Ông Lâm nói: “Đây chỉ là việc cấp tạm để phục vụ công vụ trong thời gian anh Thanh công tác ở Hậu Giang nên không việc gì phải thu hồi hay không thu hồi. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh nên anh Thanh kêu tài xế đến trả lại biển số cho công an”.
Vị này cũng cho rằng, xét về góc độ pháp luật thì đây không phải là hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hay nguy hiểm cho xã hội, đây chỉ là sự “linh hoạt” của chính quyền để phục vụ việc công được thuận tiện và kịp thời. “Theo quy định, những chức danh quan trọng, chủ chốt thì mình trang bị xe công riêng biệt. Còn các đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh thì tùy theo tình hình thực tế mà chúng ta vận dụng”, vị này nói.
Người này cũng cho rằng “tỉnh đang đang rà soát lại và báo cáo lên Bộ Tài chính, nếu được đồng ý, có thể mua xe công vụ cho ông Thanh. Ông Thanh đang sử dụng xe cá nhân đã gắn lại biển số trắng, tỉnh chỉ bố trí tài xế hỗ trợ trong việc đi lại phục vụ công tác”.
Quan điểm nêu trên của Hậu Giang đã bị đại diện cơ quan chức năng Trung ương phản bác, chỉ ra những sai sót. Trả lời về định mức xe công với cán bộ, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng, chỉ Hà Nội và TP HCM, cấp phó chủ tịch thành phố mới được hưởng chế độ xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc. Với các địa phương khác, chế độ xe công đưa đón cho phó chủ tịch tỉnh chỉ áp dụng với trường hợp đi công tác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cũng cho rằng đối chiếu các quy định pháp luật thì ông Thanh không thuộc diện được sử dụng ôtô biển xanh đưa đón.
Cụ thể, theo nghị định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, hệ số phụ cấp chức vụ đối với phó chủ tịch UBND tỉnh là từ 1,20 trở xuống. Trong khi đó, quyết định mới nhất của Thủ tướng về sử dụng ôtô trong cơ quan nhà nước đã quy định chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mới được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/xe.
Trước những sự việc bất thường như nêu trên, ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân nhưng gắn biển xanh.
Theo văn bản này, Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban Cán sự Đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí đã nêu.
Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Một ngày sau đó, ngày 10/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo thẩm quyền khẩn trương làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe cá nhân gắn biển số xanh, và việc luân chuyển ông Thanh khi chưa làm rõ trách nhiệm liên quan đến khoản thua lỗ lúc còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí. Thời hạn báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/6. Đ.P
Tại Sóc Trăng, những ngày qua, dư luận cũng xôn xao trước việc tỉnh này mua 4 ôtô Lexus LX570 (trị giá mỗi chiếc thường trên 5 tỷ đồng). Bốn xe công này được cho là của Công an tỉnh Sóc Trăng, đã mua từ nhiều năm trước. Trong đó, một chiếc thường được lãnh đạo sử dụng.
Báo chí đưa tin, Trung tướng Nguyễn Phúc Thảo, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2009, khi còn đương chức ông đã đề xuất Bộ Công an cho mua 4 xe Lexus LX570, thuộc diện miễn thuế, tổng kinh phí lúc đó khoảng 6 tỷ đồng, từ nguồn tiền xử phạt vi phạm giao thông.
Khi đó, Tỉnh ủy chỉ có chiếc Land Cruiser, không có xe công loại tốt để dẫn đoàn và phục vụ cán bộ cấp cao từ Trung ương về làm việc. Nhiều địa phương trong vùng đã mua được ôtô theo diện này. Khi đề xuất hoàn tất thì cơ quan chức năng ngưng cho nhập. Năm 2011, ông Thảo về Tổng cục An ninh (Bộ Công an) thì 4 xe này mới được mua.
Cách hành xử trên cho thấy luật thuế chỉ áp dụng cho dân nghèo, còn cán bộ quyền cao, chức trọng lại được ung dung miễn thuế ra sức xài sang. Chắc hẳn cách suy nghĩ và cách làm này chính là một trong những nguyên nhân làm bội chi ngân sách, gây ra nợ công oằn nặng làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và làm mất lòng tin của người dân.
Theo Pháp Luật Việt Nam