Những luật tục chẳng đâu có ở Bắc Ninh

Google News

Làng Diềm, xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh - nơi được xem là khởi thủy của dân ca quan họ Kinh Bắc - có những luật tục, hương ước rất lạ kỳ. Trải qua hàng trăm năm, ngôi làng này vẫn giữ được những luật tục ấy trong đời sống hiện đại.

Phụ nữ ngày “đèn đỏ” cấm bén mảng đến giếng thiêng
Truyền thuyết giếng Ngọc của làng Diềm có 3 cụ cá thần linh thiêng, nên lệ làng cũng đặt ra những quy định hết sức nghiêm ngặt và lạ kỳ.
Ông Nguyễn Ngọc Bích - 67 tuổi, thủ từ ở đình làng Diềm - cho biết: “Đây là giếng thiêng của vùng Kinh Bắc nói chung, có kết cấu rất đặc biệt. Giếng được cấu tạo bằng những bậc gạch ở trên, đến giữa là đá và dưới cùng là cuốn tầm bằng gỗ lim. Ngày nay giếng Ngọc được xây lan can hình chữ U, đặt biển cấm mọi người đi giày dép xuống, thậm chí không được rửa mặt, tay, chân ở giếng. Ngoài ra, những việc như giặt quần áo, tắm ở giếng Ngọc bị cấm tuyệt đối”.
Làng Diềm chỉ cho phép người dân và khách thập phương múc một cốc nước ở giếng Ngọc lên uống để giải khát, hoặc nhà nào có đám cưới thì được mang gạo nếp, đỗ xanh ra đây múc nước giếng lên để vo đồ xôi.
  Giếng Ngọc ở làng Diềm.
Ở hai bên thành giếng Ngọc có 2 cột đá cổ chôn sâu xuống dưới đất. Điều đặc biệt là đầu của 2 cột đá cổ này rất giống bộ phận sinh dục của nam giới. Cụ Bích dẫn chúng tôi đến xem và bảo rằng đó là biểu tượng của sinh thực khí nam giới.
Cách 2 cái cột đá cổ không xa là chiếc cối đá hình tròn cùng 2 phiến đá ở bên cạnh. Theo cụ Bích cho biết, đây chính là biểu tượng sinh thực khí của nữ giới.
Ngàn đời qua, ở làng Diềm đã không biết có bao nhiêu thế hệ trai gái yêu nhau, đến ngày cưới mang gạo ra đây vo bằng nước giếng Ngọc và giã trong cối đá cổ để thành vợ, thành chồng.
Vì giếng Ngọc linh thiêng như thế nên cụ Bích bảo rằng lễ tát giếng hằng năm chỉ có nam thanh nữ tú chưa vợ, chưa chồng ở làng Diềm mới được tham gia.
Kể về một trường hợp vi phạm luật tục giếng Ngọc bị thánh thần quở trách, ông Bích nhớ lại: “Cách đây khoảng 20 năm có một cô gái tên Lanh ở vùng khác đến dạy học ở Trường THCS Hòa Lòng, cách giếng Ngọc chưa đầy 100m.
Do dân nơi khác đến, không biết luật tục ở làng nên cô giáo Lanh đã mang đồ của đứa con mới đẻ ra giếng Ngọc giặt. Ngay sau khi về đứa trẻ ấy đã ốm đau, kêu khóc suốt ngày đêm, đi bệnh viện và tìm tới các thầy lang chữa đều không khỏi.
Khi mọi người biết sự việc thì các vị cao niên trong làng đã phải cùng cô giáo Lanh mang lễ ra trước giếng Ngọc tạ tội rồi vào đền Cùng cúi xin sự tha thứ của các bậc thần linh. Sau khi làm lễ, 3 ngày sau đứa bé con cô giáo đã khỏi bệnh hoàn toàn”.
 Cụ Bích chỉ biểu tượng sinh thực khí ngay trên miệng giếng cổ.
Luật của làng Diềm đối với giếng Ngọc này nghiêm đến mức phụ nữ đến ngày “đèn đỏ” cấm được phép bén mảng ra gần đấy. Thậm chí những ai trong nhà đang có tang ma cũng không được phép ra giếng Ngọc. Vì vậy nên không một ai ở làng Diềm dám vi phạm và coi thường giếng Ngọc.
Chết đường chết chợ phải làm ma ngoài đền
Ngoài giếng Ngọc, truyền thuyết Cụ Cá và lăng mộ, cối đá ly kỳ, làng Diềm còn có nhiều điều lạ lùng, bí ẩn. Cụ Bích hào hứng kéo tay chúng tôi đi ra phía gần cổng khu giếng Ngọc, đền Cùng, chỉ tay về phía mái nhà cùng vài chiếc cột đá rồi bảo:
“Đây là chiếc nhà cầu với 8 cột bằng đá rất độc đáo và cực cổ ở làng chúng tôi. Tôi đố các cậu đi quanh khu Bắc Ninh này mà có thể tìm được chiếc nhà cầu thứ hai như thế.
Nhà cầu này bao đời nay đã được ghi trong hương ước của làng là dùng vào việc để xác của những người làng Diềm chết đường, chết chợ, nói chung là chết ở ngoài phạm vi của làng với bất kỳ lý do gì”.
Với những người chết ngoài phạm vi của làng thì đừng hòng mong được mang thi thể về nhà làm đám ma. Tất cả những trường hợp ấy đều phải để thi thể lại nhà cầu, rồi gia đình, họ hàng ra đây làm đám ma cho người quá cố, với sự tham gia của các bậc cao niên trong làng.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì cái luật tục kỳ quái, lạ lẫm đến vậy, ông thủ từ trầm ngâm đôi lát rồi cho biết:
“Luật này đã được thực thi ở làng Diềm hàng ngàn năm nay, không ai được phép vi phạm hay xóa bỏ. Tôi cũng không rõ chính xác các cụ ngày xưa vì sao đề ra luật này, nhưng theo chúng tôi thì rất có thể ngày xưa có nhiều bệnh dịch. Người đi ra khỏi làng chẳng may bị mắc bệnh dịch và chết, nếu mang thi thể vào làng có thể sẽ lây nhiễm cho người khác, nên các cụ ngày xưa mới ra các luật bắt phải để thi thể ở nhà cầu”.
 
Cũng có thể những người chết đường, chết chợ nếu đem vào làng sẽ đem lại xui xẻo, vận đen. Đây cũng chỉ là những lý do ông Bích và nhiều vị cao niên khác ở làng Diềm suy đoán.
Ngôi nhà cầu 3 gian với 8 cột đá cổ ở khu đền Cùng, giếng Ngọc theo suy đoán của nhiều người đã có tuổi đời trên 1.000 năm. Mỗi cột đá cổ cao khoảng 1,6m và đều có một chỗ phẳng như mặt trang giấy khắc những dòng Hán tự cổ.
Nhà cầu này cũng là nơi bà con nông dân khi đi làm đồng về vào đây trú mưa, trú nắng. Những người phụ nữ đang trong kỳ kinh cũng không được phép đến nhà cầu, họ phải đi theo một con đường vòng cách xa khu giếng Ngọc, đền Cùng để ra đồng hoặc về làng.
Luật làng Diềm về những cái chết ngoài làng nghiêm là vậy và vẫn được thực thi. Tuy nhiên, việc để những thi thể chưa khâm liệm, thậm chí trường hợp chết đường do tai nạn giao thông, ở nhà cầu trống trơn thì thương tâm quá. Chính vì vậy, mấy năm gần đây làng đã làm một ngôi nhà ở sát cổng đền Cùng, giếng Ngọc dành cho việc để thi thể và làm đám ma.
Ngôi nhà ấy có tên là nhà ma, rộng 3 gian, tất cả những ai chết bên ngoài làng đều phải làm tang lễ ở khu nhà ma này, rồi sau đó đưa thẳng ra nghĩa trang.
Những trường hợp ốm đau, người nhà đưa đến bệnh viện chữa trị, nếu không qua khỏi mà gia đình muốn làm đám ma ở nhà thì phải cho bệnh nhân thở bình ôxy đi qua cổng làng, nhà cầu.
Ông Bích bảo chuyện đeo bình ôxy cho người bệnh - dù đã tắt thở rồi hoặc đang hấp hối - rồi đi qua cổng làng thì dân làng có thể bỏ qua, không ai truy cứu tới cùng nữa.