Thông tin từ đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 105 tàu các loại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981); trong đó có 43 tàu Hải cảnh, 15 tàu vận tải, 15 tàu kéo, 26 tàu cá các loại và 6 tàu quân sự.
Về diễn biến tại hiện trường thực địa, các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam vẫn thực hiện các đợt cơ động tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách từ 10-11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
|
Tàu Trung Quốc (bên phải) áp sát, ngăn cản, sẵn sàng đâm va, uy hiếp tàu Kiểm ngư Việt Nam. (Ảnh: Hiếu-Vũ/TTXVN). |
Tuy nhiên, khi các tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền thì các tàu của Trung Quốc đã tăng tốc độ áp sát, ngăn cản, không cho các tàu Kiểm ngư của Việt Nam tiến vào gần giàn khoan. Trước tình hình đó, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển đã chủ động, điều khiển tàu vòng tránh, kiên trì bám trụ, đảm bảo an toàn cho lực lượng.
Các tàu cá của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt thủy sản ở phía Tây-Tây Nam, cách khu vực giàn khoan 42-45 hải lý.
Trên khu vực tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản, toàn bộ tàu cá của Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh và 1 tàu dịch vụ hậu cần của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, ép hướng, không cho các tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Mặc dù gặp nhiều sự ngăn cản từ phía Trung Quốc nhưng dưới sự bảo vệ, hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư, các tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn bám sát ngư trường đánh bắt hải sản và đảm bảo an toàn.
Tàu Trung Quốc lấy đảo Phú Lâm làm căn cứ quốc tế
Các tàu của Trung Quốc lấy đảo Phú Lâm làm căn cứ quốc tế rồi cơ động ra ngăn cản các tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam mỗi khi tàu của ta tiếp cận giàn khoan. Hành động hạ đặt giàn khoan trái phép và ngăn cản các tàu Việt Nam của phía Trung Quốc là vi phạm Công ước Liên hợp quốc của Luật Biển 1982 mà phía Trung Quốc đã tham gia ký kết.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng biển Đông
Theo Tuổi trẻ, nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ phê chuẩn ngày 10/7 yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng tình hình biển Đông diễn ra chỉ đúng một ngày sau khi đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ (SED) kết thúc.
Được đề xuất từ hồi tháng 4 (để phản ứng việc Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở biển Hoa Đông), nghị quyết được cập nhật tình hình biển Đông sau vụ Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào Hoàng Sa để rồi phê duyệt ngay trong tuần.
Thời điểm của phê duyệt nhấn mạnh lại xu thế trái ngược của quan hệ Mỹ - Trung: nồng ấm về kinh tế, lạnh về chính trị. Kết thúc đối thoại SED, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ca ngợi việc Bắc Kinh minh bạch hóa hơn về tiền tệ nhưng Ngoại trưởng John Kerry thì luôn cảnh báo Trung Nam Hải không thể hành động đơn phương và không được tạo hiện trạng mới trên biển.
Quan hệ song phương Mỹ - Trung vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng quan hệ chính trị thì đã xấu đi rất nhiều - tuyên bố của quan chức Mỹ ngày càng căng thẳng hơn, những lời lẽ ngoại giao có cánh ngày càng thưa đi.
Theo VTC