Năm học này, cô giáo mầm non Nông Thị Hảo là người đang trực tiếp đứng lớp ở điểm trường Nặm Cáp. Cô Hảo sinh năm 1981, bắt đầu vào nghề từ năm 2003. 14 năm đứng lớp là ngần ấy năm cô được phân công dạy ở những trường sâu xa và khó khăn như Minh Khai. Năm ngoái cô Hảo dạy ở điểm chính của Trường Mầm non Đức Thông – cũng là một trong 3 xã khó khăn nhất của huyện Thạch An.
|
Cô giáo Nông Thị Hảo, sinh năm 1981 đã có 14 năm đứng lớp ở những trường mầm non vùng sâu vùng xa của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Cô Hảo mới nhận nhiệm vụ ở điểm trường Nặm Cáp của xã Minh Khai được nửa năm nay. Gia đình cô hiện đang sinh sống ở xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng – cách trường gần 40km.
Đường sá xa xôi nên mỗi tuần cô chỉ về nhà một lần vào cuối tuần, trừ những lúc chồng đi công tác xa hoặc nhà có việc.
“Cứ đến tối là nhớ chồng, nhớ con lắm. Nhiều lúc chạnh lòng vì con mình không chăm sóc được…” – mắt cô Hảo ngấn nước khi nói đến đây. “Vì yêu trẻ con nên mới chọn nghề này. Cũng chỉ biết cố gắng thôi”.
|
Các bé lớp ghép 3-5 tuổi chơi trò ném còn ở ngoài trời. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Lớp mẫu giáo ghép Nặm Cáp có 17 cháu từ 3 đến 5 tuổi, 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó đa số là người Dao, Tày, Nùng. “17 cháu mà chỉ có 1 cô, lại nhiều độ tuổi nên công việc khá vất vả. Năm nay có 8-9 trẻ 3 tuổi. Đầu năm học, các cháu chưa quen, khóc rất nhiều. Thỉnh thoảng mình cũng phải nhờ phụ huynh ở lại một lúc để cháu đỡ khóc”.
Vượt qua tất cả những khó khăn ấy, mỗi ngày cô Hảo đều đặn đón các cháu từ sáng sớm và trả trẻ lúc chiều muộn.
|
Đồ chơi cho các cháu đôi khi được các cô sáng tạo tận dụng từ những tấm bìa các-tông như thế này. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Điều quý giá nhất và cũng chính là thứ níu chân các cô giáo nơi đây với những điểm trường khó khăn như Nặm Cáp là tình yêu thương mà dân bản dành cho các cô.
“Phụ huynh yêu cô giáo lắm. Phụ huynh ở đây không biết 20/11 là ngày gì đâu. Năm ngoái, ngày đó mình cho các cháu nghỉ để ra điểm chính tham dự tọa đàm. Mình cũng ‘tuyên truyền’ cho phụ huynh biết đó là ngày của cô. Thấy thế phụ huynh mang hoa ra tận điểm chính để tặng cho cô. Chỉ là hoa nhựa giá 5 nghìn thôi nhưng vui lắm” – cô Hảo kể.
Hỏi về những khó khăn trong việc vận động các cháu đến lớp, cô Hảo nói: “Bây giờ gần như không phải đi vận động nữa rồi. Các cháu rất thích đi học, và phụ huynh ở đây cũng đã nhận thức rất tốt về việc phải đưa con đi học. Đầu năm học, cô chỉ cần báo cho trưởng thôn ngày nhập học. Lãnh đạo thôn sẽ thông báo đến từng phụ huynh. Chỉ trừ khi các cháu ốm đau hoặc trời mưa gió, khó đi thì có cháu nghỉ. Còn lại các cháu đi học rất đều”.
“Trẻ mẫu giáo ở đây đều thuộc diện được hỗ trợ tiền ăn trưa hàng tháng. Ngoài ra các hộ nghèo, cận nghèo đều được nhận thêm các khoản hỗ trợ khác từ Nhà nước, nên phụ huynh cũng thích cho con đi học lắm. Một phần là cũng để phụ huynh rảnh tay đi nương rẫy nữa”. Như cô Hảo chia sẻ, các cô đón cả các cháu lứa tuổi nhà trẻ, còn rất bé và chăm sóc rất vất vả trong khi điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi còn thiếu thốn.
Chia sẻ về mức thu nhập hiện tại, cô Hảo cho biết, hiện mức lương cộng phụ cấp của cô đã tốt hơn rất nhiều so với những ngày đầu bước chân vào nghề. “Thu nhập khoảng 7 triệu/ tháng cũng giúp cuộc sống của mình bớt khó khăn hơn rất nhiều so với ngày trước. Nhờ các khoản phụ cấp, hỗ trợ dành cho các giáo viên vùng sâu vùng xa nên các cô đã công tác lâu năm như mình cũng có thu nhập ổn định, là nguồn động viên để các cô yên tâm bám bản, bám trường”.
|
Nụ cười tươi rói của Quân, 5 tuổi - một trong số 17 cháu của lớp mầm non ghép Nặm Cáp. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Trao đổi với phóng viên, cô Chè Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Minh Khai cho biết, Nặm Cáp là một trong 7 điểm lẻ của trường. Mỗi điểm lẻ là một lớp ghép, còn điểm chính có 3 lớp.
“Hiện toàn xã có 122 cháu ở độ tuổi ở độ tuổi mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi, 78 cháu từ 0 - 2 tuổi. Đã ra lớp là 128 cháu, trong đó 118 cháu mẫu giáo, 10 cháu nhà trẻ, trẻ 5 tuổi đến trường mầm non đạt 100%.”
Cung cấp thông tin về công tác phát triển giáo dục mầm non của tỉnh Cao Bằng, ông Lương Ngọc Ánh – Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở này cho biết, sau 10 năm triển khai đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015 và đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, đến nay giáo dục mầm non tỉnh Cao Bằng đã có những bước đột phá đáng kể.
Từ 59 trường mầm non ban đầu với 890 nhóm lớp vào năm học 2005-2006, đến năm 2010 toàn tỉnh đã có 77 trường mầm non với 1337 nhóm lớp. Sau 5 năm thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, mạng lưới tiếp tục được phát triển lên 190 trường mầm non với 1572 nhóm lớp ở 199 xã. 99,6% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non mới – tăng 59,93% so với 2010.
Số liệu trong năm học 2015-2016 cho thấy, Cao Bằng có 771 lớp 5 tuổi, trong số 771 phòng học của lớp 5 tuổi có 218 phòng học kiên cố, 547 phòng bán kiên cố và 6 phòng học tạm. Số lớp 5 tuổi có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi là 771/771 lớp. Số giáo viên mẫu giáo 5 tuổi là 1123 giáo viên – tăng 51 giáo viên so với năm trước đó.
“Từ 2010 đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 170 tỷ đồng, huy động xã hội hóa trên 88 tỷ đồng để cải tạo, xây mới trường mầm non, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho giáo viên và trẻ mầm non. Tỉnh đã cấp nguồn kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trên 25,6 tỷ đồng, cấp hỗ trợ ăn trưa cho trẻ trên 63,4 tỷ đồng” – ông Ánh cho biết.
Trên đường về thành phố Cao Bằng, vị trưởng phòng mầm non cho biết chỉ vài ngày nữa ngay sau khi chúng tôi trở về, một điểm trường mới, khang trang sẽ được xây lên ở chính những lớp học tạm tranh tre nứa lá này. Công trình được tài trợ bởi một tổ chức phi Chính phủ của Mỹ.
Đó là một tin vui vô giá với những đứa trẻ xóm Nặm Cáp và những cô giáo yêu nghề, yêu trẻ như cô giáo Hảo.
Theo Ngô Nguyễn/Vietnamnet