Liên quan đến thông tin hơn 1.300 cây xanh dọc hai bên đường Phạm Văn Đồng (từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long) bị chặt hạ, dịch chuyển, cắt tỉa để phục vụ việc thi công dự án mở rộng đường vành đai 3 gây xôn xao dư luận, chiều 6/6, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – Lê Văn Dục đã thông tin chính thức về việc này.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, tuyến đường Vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch của Hà Nội. Tuyến đường được xây dựng và mở rộng theo quy hoạch, đoạn đường Phạm Văn Đồng (từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long) nay vẫn là đường cũ, mặt cắt ngang từ 23m đến 25m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, các nút giao thông đồng mức, mật độ xe lưu thông dày đặc với lưu lượng xe thuộc loại cao nhất của Hà Nội. Đặc biệt, hệ thống giao thông trên đoạn đường cũng đã cũ, các điểm giao đồng mức, dân cư ngày càng cao nên tuyến đường thuộc một trong những tuyến quá tải, thường xuyên ùn tắc (tại các điểm giao Hoàng Quốc Việt, đường ngang Học viện Tài chính, và đáng ngại hơn cả là các đường ngang Tân Xuân, Cổ Nhuế, Công viên Hòa Bình…).
|
Lãnh đạo Sở Xây Dựng Hà Nội thông tin với báo giới về việc chặt hạ, dịch chuyển, cắt tỉa hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội |
Ông Dục cho hay, Hà Nội không có chủ trương về giải tỏa, thay thế 4.000 cây xà cừ trong các quận nội thành Hà Nội như thông tin được đăng tải trên một số tờ báo. “Việc dịch chuyển, giải tỏa hơn 1.300 cây xanh, phục vụ thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng thuộc Vành đai 3, số liệu dịch chuyển giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra”, lãnh đạo Sở Xây Dựng Hà Nội thông tin.
Theo thống kê có 986 cây xà cừ, trong đó nhóm cây có đường 80 cm -1,2m có tuổi trung bình từ 56 đến 60 tuổi, nhóm này chỉ chiếm 10%, tập trung cuối đường Phạm Văn Đồng. Nhóm thứ hai trồng từ năm 1985 có 32 tuổi chiếm 90% đường kính từ 40- 50cm. Cây lớn nhất có đường kính 57cm. “Chúng tôi sẽ ưu tiên đánh chuyển những cây tái sử dụng được thân thẳng, tán đẹp di chuyển về nuôi dưỡng. Không có chuyện thành phố quyết chặt hạ cả nghìn cây xanh mà Sở Xây dựng cùng các Sở, ngành và các chuyên gia khi chặt hạ một cây phải xem xét hết sức kỹ. Những cây đẹp sẽ được đánh bốc đưa về khu 6,5ha Vành đai 3 và công viên Yên Sở sau đó tái sử dụng”, ông Dục cho hay.
|
Hàng cây xanh dọc hai bên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). |
Theo phương án do đơn vị tư vấn là Tổng công ty tư vấn Giao thông vận tải TEDI (Bộ GTVT) lập, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội thống nhất, phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến đường này với tổng số 1.315 cây xanh, trong đó,giữ nguyên vị trí 142 cây (các cây xà cừ, cây sấu, cây phượng, hoa sữa, bằng lăng); dịch chuyển 158 cây (gồm các chủng loại: Xà cừ, sấu, hoa sữa, bằng lăng, phượng, muồng, đa, lộc vừng, chẹo, si, lát, sưa, xoài, móng bò); Cây xanh phải giải tỏa, chặt hạ bất khả kháng là 1.015 cây (xà cừ, bàng, cau vua, keo, trứng cá, xoan, bạch đàn, vông gai, cau ta, nhãn, sung, dướng, muỗm) để phục vụ dự án thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng.
Bảo Ngân