Mặc dù Tết Nguyên đán đã đến rất gần nhưng giữa mênh mông nắng gió và sóng biển Cát Hải, hàng nghìn công nhân, kỹ sư Nhật Bản và Việt Nam vẫn đang khẩn trương lao đắp hàng trăm mét ống vải địa kỹ thuật, tựa như những con trăn khổng lồ vươn mình để mở đường thi công lấn biển tại công trình cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Thần tốc lấy đêm bù ngày
Dự án xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện dài 15,6 km, trong đó có 1 cây cầu vượt biển dài hơn 5 km là công trình cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Dẫn chúng tôi đi kiểm tra đường găng thi công lấn biển, anh Bùi Huy Kiểm, Giám đốc điều hành dự án, đại diện chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án giao thông 2 (Bộ GTVT) tâm sự: “Công trình này đòi hỏi công nghệ thi công phức tạp, kỹ thuật cao. Hơn nữa, điều kiện thi công cũng rất phức tạp do thời tiết khí hậu khắc nghiệt, sóng biển to và thủy triều thất thường. Do đó, khi thi công anh em công nhân phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách”.
Anh Bùi Huy Kiểm bộc bạch: “Trận bão cuối tháng 11/2014 quét qua công trình đã để lại hậu quả khôn lường. Hàng trăm mét ống geotube, tương đương với hàng trăm m3 cát trong lòng ống và đường găng bị sóng biển nhấn chìm. Để lấy lại tiến độ, toàn bộ kỹ sư, công nhân của liên danh ba nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Việt Nam) được huy động tối đa, tập trung thi công kể cả vào ban đêm để đảm bảo tiến độ công trình. Có những đêm trên công trường có tới 1.500 người, kể cả cán bộ, công nhân thức trắng đêm để tranh thủ thi công”.
|
Hơn 2.000 m ống geotube bờ bao đã hoàn thành giống như những con trăn khổng lồ vươn mình lấn ra biển. Ống geotube vươn đến đâu, sà lan đổ cát đến đó để làm đường. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Từ đài quan sát giàn giáo cách mặt đất khoảng 20 m, ông Hitoshi Yamaji, Giám đốc điều hành nhà thầu Sumitomo Mitsui cho hay: “Những con trăn khổng lồ vẫn đêm đêm vươn mình vượt biển làm đê chắn sóng, đắp hai bờ bao đường găng. Đường găng dài 3,5 km, dự kiến phải đến tháng 5/2015 mới xong, nhưng với tiến độ thần tốc lấy đêm bù ngày, đường găng công trình có thể hoàn thành trước tháng 3/2015 để có mặt bằng thi công cầu. Khó khăn nhất hiện nay là việc thi công trên mặt nước biển, trong điều kiện gió giật cấp 10, 11, vì vậy, thủy triều rút lúc nào là dự án huy động công nhân dồn lực, máy móc khẩn trường thi công ngay…”.
Đang căng sức lèn cát vào các ống geotube (ống vải địa kỹ thuật chứa cát làm đê chắn sóng), anh Trần Văn Dũng, quê Thanh Hóa, công nhân của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cũng cho biết, khác những công trình làm trên đất liền trước đây, công nhân tham gia thi công dự án ngoài biển phải có cả đủ cả sức khỏe và ý chí để khắc chế thiên nhiên. “Vì thi công dưới mặt nước, nên anh em phải chủ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ bất cứ khi nào có lệnh của cấp trên, kể cả vào ban đêm, cứ khi thủy triều rút, sóng…”, anh Dũng cho biết.
Dấu ấn của khoa học công nghệ
Chặng đường phía trước để hoàn thành công trình vẫn còn không ít khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, hơn 2 km đường găng thi công lấn biển đã hoàn thành là thành tích đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho việc thi công móng, trụ cầu trên biển trong các giai đoạn tiếp theo từ tháng 3/2015.
Theo ông Hitoshi Yamaji, mỗi ngày, đường găng lấn biển thi công được khoảng 150 m, bằng cách lao đắp từ 3 - 4 lớp ống geotup, chồng lên nhau cố định, tùy theo cao độ thủy triều dâng để làm đê bao (tương đương khoảng 2.000 m3 cát đen/ngày). Do phụ thuộc vào thủy triều, hiện nay việc khai thác nguồn cát đen làm đường găng gặp nhiều khó khăn, vì phải hút trực tiếp từ dưới biển, trong điều kiện sóng to gió lớn bất thường thì không thể huy động máy móc hút cát. Trong khi đó, nhu cầu đường găng cần khoảng 5.000 m3 cát đen/ngày. Vì vậy, đêm đến, phải huy động công nhân tranh thủ hút cát vào bể chứa khoảng 8.000 m3 dự trữ cho khoảng 2 ngày sau đó.
|
Giám đốc điều hành Cienco4 Nguyễn Mạnh Hùng (thứ ba từ phải sang) chỉ đạo các mũi thi công. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Anh Bùi Huy Kiểm giải thích thêm: Ống geotube làm đường bao lấn biển đã được sử dụng tại châu Âu, Nhật Bản từ 40 năm nay. Chu vi ống từ 4 - 7,5 m, mỗi đốt dài 50 m, khi bơm cát lèn chặt nối với nhau có tác dụng như những con đê ngăn nước mặn và dễ dàng giải tỏa sau này. Quy trình lao đắp ống geotube trên biển phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà thầu, tư vấn, giám sát Nhật Bản đặt ra. Công nghệ thi công ống geotube phải có máy xúc lội nước mới thi công được và độ khó sẽ tăng dần theo mực nước sâu. Vì vậy, nhà thầu Sumitomo Mitsui rất khắt khe chọn lựa nhân công. Trước khi thi công, tất cả kỹ sư, cán bộ, công nhân đều phải qua đào tạo bài bản.
“Từ ngày mùng 4 Tết Ất Mùi sẽ bước vào giai đoạn thi công đại trà. Nhà thầu Sumitomo Mitsui đang đóng thử nghiệm móng cọc vòng vây ống thép đầu tiên trên đường găng. Đây là công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay, đã được áp dụng thành công tại công trình cầu Nhật Tân và lần đầu tiên áp dụng thi công trên biển. Cọc vòng vây ống thép vừa có tác dụng ngăn nước khi thi công, vừa làm móng vĩnh cửu, có khả năng chống động đất trong điều kiện đất yếu. Để đóng được móng cọc này vào lớp cát lữ tích cứng dưới lòng biển, nhà thầu phải dùng ống phun nước áp lực cao để rung ấn cọc và đóng xuống độ sâu 45 m so với mặt đất. Với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với các công trình cầu đường tại Việt Nam, lâu hơn ở Nhật Bản, tôi vinh dự vì sắp được góp sức tạo thêm một dấu ấn của tình hữu nghị Việt - Nhật”, ông Hitoshi Yamaji bày tỏ.
Trong làn bụi mịt mùng trên công trường, Giám đốc nhà thầu Cienco 4 Nguyễn Mạnh Hùng tươi cười nói: Dự án này sẽ giúp kết nối các khu vực đang phát triển phía đông TP Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ, kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được xây dựng. Đáng nói hơn, khi công trình hoàn thành, khoảng cách giữa huyện đảo Cát Hải với đất liền sẽ trở nên gần hơn bao giờ hết.
Theo Báo tin tức