Một nhóm 'thầy thuốc' thôi miên ăn mặc như dân tộc thiểu số, tự xưng là thầy lang đi khắp các khu chợ, tìm đến tận nhà dân để chào mời mua thuốc "bí truyền". Và không chỉ riêng tại một số xã, huyện vùng ven ở tỉnh Quảng Nam, theo dư luận phản ảnh thì thời gian gần đây tại các tỉnh thành như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị cũng xuất hiện rầm rộ những "thầy lang bán dạo" kiểu này.
Lực lượng Công an và Y tế qua kiểm tra đột xuất còn phát hiện: Hầu hết các đối tượng này đều không có giấy phép hành nghề y, những vị thuốc "bí truyền" thực chất chỉ là những lá cây không rõ nguồn gốc và không có công dụng chữa bách bệnh…
Tự xưng "thầy lang" bán thuốc chữa bách bệnh
Để xác minh thông tin phản ánh của người dân, liên tục nhiều ngày qua tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) xuất hiện một nhóm "thầy thuốc" gồm 4, 5 phụ nữ ăn mặc giống như kiểu người đồng bào thiếu số, tự xưng là thầy thuốc người Chăm thường lân la gần các chợ đầu mối, khu đông dân cư để gạ bán "thuốc quý gia truyền". Đặc biệt, có trường hợp nạn nhân còn bị "thôi miên" rồi bị cướp hết tài sản…
PV chuyên đề CSTC đã có mặt tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam nơi mới nhất ghi nhận sự xuất hiện của các nữ "thầy thuốc" gây xôn xao dư luận thời gian qua để tìm hiểu thực hư về vụ việc.
Chị Lê Thị Ng. (29 tuổi, chủ một tiệm thuốc Tây ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) cho biết: "Khoảng trưa ngày 6/9, đang trông quầy thì có 4 phụ nữ ăn vận giống như người đồng bào thiểu số, nói giọng lơ lớ vào tiệm. Và kỳ lạ là chị Ng. được những phụ nữ này đề nghị "hợp tác" cùng bán thuốc để chữa bệnh cứu người"?..
|
(Ảnh chụp từ camera do người dân cung cấp): Hình ảnh những phụ nữ tự xưng là thầy thuốc người Chăm được camera của nhà một người dân tại Đà Nẵng ghi lại. |
Rất may, vì đã được một số người thân cảnh báo trước nên chị Ng. đã đề cao cảnh giác, một mực từ chối . Tại các khu chợ của huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), các tiểu thương cũng phản ánh: Khoảng gần 1 tháng nay xuất hiện nhóm phụ nữ lạ rảo quanh các sạp hàng ở chợ, thậm chí là chặn những người đi mua hàng để mời chào mua thuốc.
Nhóm này tự xưng là thầy thuốc người Miên ở tận Ninh Thuận "hạ sơn" để cứu nhân độ thế. Gặp ai, đặc biệt là phụ nữ họ cũng đều chủ động cầm tay nói là bắt bệnh, chẩn đoán tình trạng sức khỏe hiện tại của gia chủ…
Không chỉ ở Quảng Nam, ngay tại TP Đà Nẵng cũng đã bắt đầu xuất hiện bóng dáng của những "thầy thuốc" người Chăm bí ẩn. Chị Nguyễn Thị B. (42 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết: "Mấy ngày trước, khi đang chuẩn bị cơm trưa cho gia đình thì chị bị làm phiền bởi một nhóm 3 phụ nữ lạ chừng 40-50 tuổi gọi cửa, làm phiền. Những phụ nữ này đội mũ trùm đầu kín mít, khoác theo những chiếc túi to tướng trên lưng giọng lớ lớ không nghe rõ. Bấy giờ, nhìn kĩ lại mới phát hiện họ ăn vận theo kiểu váy của người Chăm, họ lấy ra từ trong túi những gói thuốc giới thiệu là thuốc gia truyền đặc trị chữa được rất nhiều bệnh. Chỉ cần dùng 3, 4 thang thuốc là bệnh trong người sẽ hết, ăn ngon cơm…".
Còn tại chợ Đông Hà (Quảng Trị), người dân cho biết cứ khoảng 1 tháng nhóm phụ nữ tự xưng là thầy thuốc người Miên lại xuất hiện để bán thuốc. Họ đi khắp chợ, rêu rao là thầy thuốc người Miên ở tận Ninh Thuận "hạ sơn" để cứu nhân độ thế.
Một tiểu thương tại chợ Đông Hà chia sẻ: "Gặp ai, đặc biệt là phụ nữ họ đều chủ động cầm tay, sờ mạch một hồi rồi phán những người này bị bệnh đau đầu, bệnh nan y khó chữa phải uống hết 3 thang thuốc của họ sẽ hết hẳn. Những thang thuốc của các phụ nữ dân tộc này là một đống lá, rễ cây khô héo được bọc trong bao nilon mỏng dính nhưng lại được hô với mức giá 200 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu nạn nhân tỏ vẻ chê đắt, hoặc ái ngại thì họ tự hạ giá, lấy rẻ 500 ngàn cho 3 thang với lý do "chủ yếu chữa bệnh cứu người là chính"…
Không chỉ bán thuốc, mà theo người dân phản ánh đã không ít trường hợp một số nạn nhân sau khi để các 'thầy thuốc' thôi miên cầm tay chẩn đoán bệnh thì người tự nhiên ngây ra, rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, họ nói gì thì nghe nấy. Cứ thế bao nhiêu tiền bạc trong người đều đem ra "nộp" cho thầy lang… Cho đến khi những phụ nữ này đi khỏi, thì họ mới sực tỉnh và biết mình bị lừa…
Cảnh giác với chiêu lừa đảo
Trao đổi với PV về thông tin nhóm nữ "thầy thuốc" dỏm bán thuốc giả và thôi miên chiếm đoạt tài sản của người dân xảy ra trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Sơn (Trưởng công an xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đã xác nhận: Qua xác minh điều tra, Công an xã đã phát hiện một nhóm nữ người dân tộc Chăm đi bán thuốc dạo. Khi phối hợp với Y tế xã kiểm tra giấy phép hành nghề và giấy tờ tùy thân, lực lượng phối hợp còn phát hiện những phụ nữ này hoàn toàn không có giấy phép hay nghiệp vụ của ngành y. Tự phát buôn bán những loại thuốc "bí truyền" không rõ nguồn gốc. Không có đăng ký tạm vắng tạm trú…
Nhận thấy những đối tượng là phụ nữ này có dấu hiệu sai phạm, buôn bán hành nghề y trái phép nên Công an xã đã yêu cầu đình chỉ mọi hoạt động buôn bán của nhóm đối tượng này. Riêng về phản ánh, có dấu hiệu thôi miên, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì hiện lực lượng Công an xã đang phối hợp với Công an huyện Duy Xuyên tiếp tục điều tra làm rõ.
Cùng ngày, Công an huyện Duy Xuyên, Quảng Nam cho biết, hiện tại Công an huyện chỉ mới tiếp nhận thông tin từ phía công an xã Duy Trinh về nhóm phụ nữ ăn vận giống người đồng bào thiểu số đi bán thuốc dạo, không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, công an huyện vẫn tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình, đồng thời tích cực tuyên truyền cho người dân về những cách thức, lừa đảo mới để người dân đề cao cảnh giác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Được biết, thời gian qua lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo bán thuốc dỏm để lấy tiền tiêu xài của các đối tượng đến từ tỉnh khác. Nhằm ngăn chặn các hành vi trên, các ngành chức năng đã theo dõi, điều tra và xác định những thủ đoạn lừa bán thuốc dỏm cho người dân. Thủ đoạn để lừa người dân hết sức tinh vi, các đối tượng lừa đảo hoạt động theo nhóm, "nạn nhân" thường là những phụ nữ ở độ tuổi trung niên.
Nhóm đối tượng khoảng 5-6 người, thường xuyên xuất hiện tại các điểm đông người, các khu chợ trên địa bàn để dựng cảnh lừa bán thuốc dỏm. Những đối tượng trong nhóm này còn dàn cảnh, nếu phát hiện phụ nữ trung tuổi, người già đi một mình lập tức tìm cách tạo tình huống va chạm để làm quen. Sau đó kể lể về bệnh của người phụ nữ và chỉ chỗ có thầy thuốc chữa khỏi bệnh.
Tiếp đến, một đối tượng khác trong nhóm 'thầy thuốc' thôi miên giả tạo tình huống tình cờ nghe được câu chuyện giữa 2 người và hùa theo rằng thầy thuốc đó rất giỏi, đã chữa khỏi bệnh cho chị X, anh Y… với giá cả rất "vừa phải".
Khi thấy nạn nhân đã bị thuyết phục lập tức, chúng sẽ bày ra các loại thuốc lá, thuốc rễ cây không rõ nguồn gốc, công dụng được đóng gói sẵn để lừa bán. Sau khi lừa bán được tiền, liền cả nhóm bỏ trốn khỏi vị trí hành nghề trước đó đồng thời tiếp tục tìm đến các địa điểm khác để lừa đảo…
Theo Petrotimes