Tiết lộ bất ngờ nguồn gốc nhà cổ Trần Hưng Đạo vừa sập

Google News

Nhà cổ Trần Hưng Đạo vừa sập khiến nhiều người thương vong hôm 22/9 từng là chi nhánh hội Tam Điểm.

Hè năm 2014, tôi mang cái ảnh về một ngôi nhà không có địa chỉ được in trên bưu ảnh đề "Chi nhánh Hội Tam Điểm, Hà Nội" đi hỏi khắp nơi, nhưng không ai biết nhà này nằm đâu. 
Toàn cảnh ngôi biệt thự qua các thời kỳ 
Mấy tài xế taxi Hà Nội đều lắc đầu. Tôi gặp nhà báo Nguyễn Văn Ba hay viết về Hà Nội, ông cũng chịu và đưa cho tôi cuốn về sách ảnh về phố phường Hà Nội, nhưng không có ảnh ngôi nhà này. Ông Ba khuyên tôi đi gặp cụ Hữu Ngọc- Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, may ra tìm được.
Đến Nhà xuất bản Thế giới, tôi kiên nhẫn ngồi chờ cụ Hữu Ngọc hơn một tiếng, vì biết cụ hơn 90 tuổi, đi ra khỏi nhà phải phụ thuộc con cháu. Cụ bảo: "Thấy đâu đó, quen quen, nhưng tôi không nhớ".
Tưởng thất vọng, may thay, tình cờ tôi gặp anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Anh nhiệt tình đưa tôi đến ngôi nhà trong ảnh. Anh Bình biết ngôi nhà này rất rõ vì ông cụ thân sinh đã chỉ cho anh nơi làm tang lễ cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ngôi nhà nằm ở số 107 Trần Hưng Đạo, ngay gần ga Hà Nội (trước gọi là ga Hàng Cỏ), cũng chính là nhà cổ Trần Hưng Đạo vừa sập khiến nhiều người thương vong hôm 22/9.
Bưu ảnh đề Chi nhánh Hội Tam Điểm, Hà Nội. 
Trụ sở chi hội Tam Điểm
Ngôi nhà trước là trụ sở chi hội Tam Điểm "Tình huynh đệ Bắc kỳ" thành lập năm 1887. Thời Pháp thuộc, Pháp nổi tiếng là mênh mông thuộc địa. Sự vinh quang này gắn liền với thành công của Hội Tam Điểm. Các thành viên của Hội Tam Điểm hầu như nắm các vị trí chủ yếu trong chính quyền thuộc địa (22/32 toàn quyền Đông Dương, 6/8 cao ủy viên, 4/4 tổng ủy viên, 9/16 thống đốc quân sự là thành viên Tam Điểm).
Như vậy, đại đa số những người nắm quyền ở Đông Dương thời đó là thành viên hội. Hội Tam Điểm chỉ kết nạp những thành viên xuất sắc, giàu có, thành đạt trong xã hội. Nhiều giáo chức, công chức Pháp qua Đông Dương làm việc cũng là thành viên Tam Điểm. Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Tổng thống thời đó là thành viên Tam Điểm.
Hội Tam Điểm vốn là hội kín, nhưng sang đến thuộc địa, lại tổ chức hoạt động công khai để phô trương thế lực. Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh là người bản xứ đầu tiên được kết nạp một cách đặc biệt vì tài năng xuất chúng. Thời đó, những người thực dân Tam Điểm không muốn người bản xứ tham gia vì phân biệt chủng tộc.
Nhà cổ số 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (ảnh chụp tháng 8/2014).
 
Hội Tam Điểm vốn đề cao "Tự do, bình đẳng, bác ái", nhưng lại chưa muốn áp dụng khẩu hiệu này với người bản xứ. Một số trí thức xuất sắc của Việt Nam thời đó thấy Tam Điểm là một hội tiến bộ, có thể dựa vào hội này để tìm cách lôi kéo những người Pháp tiến bộ nhằm đòi tự do, bình đẳng cho người Việt Nam, dần dần đòi độc lập bằng con đường hòa bình. Lo ngại giới trí thức Việt sẽ đòi "bình đẳng, giải phóng thuộc địa", các thành viên Tam Điểm thực dân từ chối kết nạp người bản xứ vào hội.
Một số thành viên Hội Tam điểm người Pháp tiến bộ đã tìm cách đưa Nguyễn Văn Vĩnh qua Pháp nhân dịp hội chợ thuộc địa, kết nạp ông tại Pháp. Vì thế, khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, lễ tang của ông được cử hành theo nghi lễ của Hội Tam Điểm.
Tang lễ được tổ chức ở trụ sở Hội Tam Điểm (tức ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội ngày nay). Ngôi nhà nằm trong khuôn viên rộng rất đẹp. Theo như báo chí miêu tả về lễ tang ông Nguyễn Văn Vĩnh, gần ngàn người đến viếng, đứng xung quanh khuôn viên rất đông.
Sau này, ngôi nhà thuộc quyền quản lý của ngành đường sắt. Khi tôi đi qua, vào giữa trưa hè nắng chang chang, hàng rào trước ngôi nhà đầy chăn, vải bạt vắt, giăng ngang dọc. Các hàng quán lôi thôi, lếch thếch chiếm hết khuôn viên xưa, hàng rào xung quanh biến mất.
 
Nhà cổ sập hôm 23/9/2015.
Ngôi nhà mốc meo, ẩm ướt dù trời Hà Nội đang mùa nóng kinh khủng. Nay ngôi nhà đã sập (ngày 23/9) vì không được trùng tu. Nếu ngôi nhà này còn, Hà Nội sẽ còn một ngôi nhà nhân chứng cho một thời hoàng kim của Pháp và sẽ làm tôn thêm chiến thắng vinh quang của dân tộc Việt Nam.
Đó là sự chiến thắng bằng tinh thần và sự thông minh tuyệt vời của người Việt. Một dân tộc nghèo, mọi phương tiện đều thô sơ, nhà tranh vách đất, gậy tầm vông nhưng đã đuổi được kẻ xâm lăng mạnh hơn cả ngàn lần, về mọi phương diện từ kỹ thuật xây nhà đến vũ khí, máy bay, tàu thủy…
Tượng Nữ thần tự do
Căn biệt thự cổ sập đồng nghĩa một công trình văn hóa mang tính chất lịch sử đã mất. Năm 1945, nhiều công trình do Pháp xây bị phá vì người chiến thắng vô tình muốn xóa hết dấu vết ngoại bang, nhưng quên đi giá trị lịch sử của chúng, như tượng Nữ thần tự do ở vườn hoa Cửa Nam, Hà Nội. Đó là phiên bản hiếm.
Trên thế giới có năm phiên bản. Một phiên bản được Hội Tam Điểm mang sang triển lãm Đấu xảo. Chính quyền Pháp ngoài việc xây dựng những công trình văn hóa lớn như thư viện, nhà hát lớn, dinh, cầu… còn mong muốn áp đặt văn hóa Pháp trên văn hóa cổ truyền bản xứ.
Đầu thế kỷ 20, Hội Tam Điểm nở rộ ở Đông Dương. Không phải ngẫu nhiên, nhân ngày khánh thành triển lãm nhà Đấu xảo năm 1902, một phiên bản tượng Nữ thần tự do cao 2,85m được kỳ công mang từ Pháp sang Đông Dương và sau triển lãm được đem tặng lại thành phố Hà Nội. Bức tượng này được Hội Tam Điểm “Huynh đệ Bắc kỳ” mua để làm triển lãm. Tượng Nữ thần tự do hình một bà đầm mặc váy được đặt ở Tháp Rùa mang nhiều ý nghĩa.
Bưu ảnh tượng Nữ thần tự do ở Cửa Nam, Hà Nội.
Chính quyền thuộc địa Pháp đã có công xóa bỏ tư tưởng phong kiến ảnh hưởng Trung Hoa bằng văn hóa phủ nhận văn hóa. Hình ảnh tượng Nữ thần tự do chính là tượng trưng cho văn hóa Tây đang ngự trị văn hóa cổ truyền Việt Nam đầu thế kỷ 20. Nhưng sau đó, bức tượng bị dời qua vườn hoa Cửa Nam.
Người Việt Nam không thấy đó là hình ảnh giải phóng phụ nữ, mà cho đó là một sự phỉ báng dân tộc, nên gọi nôm na là bà đầm xòe. Việc tháo gỡ bà đầm xòe khỏi Tháp Rùa cũng thể hiện sức mạnh tâm linh của người Việt Nam kháng cự văn hóa ngoại bang. Sự không đồng thuận của người Việt buộc chính quyền thuộc địa phải hạ xuống mang đi chỗ khác.
Tượng Nữ thần tự do bị di chuyển sang Cửa Nam là một bằng chứng sức mạnh trường tồn của văn hóa tín ngưỡng dân tộc Việt. Tháp Rùa và hồ Hoàn Kiếm đã gắn sâu trong tiềm thức tự hào của người Việt Nam chống xâm lăng. Lê Lợi sau khi chiến thắng ngoại xâm đã đến đây trả lại gươm cho thần Kim quy.
Bức tượng đồng ở Cửa Nam là một phiên bản nghệ thuật quý, là một di tích lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là minh chứng người Việt không chịu khuất phục kẻ xâm lăng động đến hồn dân tộc.
Các công trình xây dựng đẹp, hoành tráng cũng là di tích văn hóa. Bảo vệ di tích văn hóa cũng là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Khi bàn về chiến tranh biên giới, các nước đều tìm cách dùng các công trình văn hóa xưa trong sử sách để chứng minh chủ quyền lãnh thổ.
Xây dựng và bảo tồn những công trình văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và ngôn ngữ vừa là một hình thức bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách văn minh, hữu hiệu, vừa khuyến khích di dân khai phá vùng xa, vừa khuyến khích các dân tộc xích lại gần nhau.

Theo VTC