Ông nghĩ sao về việc hiện nhiều thanh thiếu niên có hành vi “chơi đùa” gây thiệt hại tài sản, nguy hiểm tính mạng của người khác?
|
PGS-TS Trịnh Hòa Bình. |
- Những hành vi lệch chuẩn này vẫn thường xảy ra từ trước tới nay. Giờ đây truyền thông quan tâm nhiều hơn, nói nhiều hơn nên nó thành một hiện tượng của xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc và có những can thiệp để ngăn chặn các vụ việc khác có thể xảy ra.
|
Một xe ô tô đang lưu thông bị ném đá trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: T.L |
Theo ông, nguyên nhân gì mà thanh thiếu niên lại có những hành động nghịch ác như vậy?
- Tôi cho rằng, tất cả đều xuất phát từ tâm sinh lý của tuổi trẻ là muốn khẳng định bản thân và thích vui vẻ, kích thích. Thanh thiếu niên còn bồng bột, lại thiếu hiểu biết về pháp luật cho nên rất ít em nghĩ tới hậu quả khi thực hiện những hành vi được cho là xấu. Hầu hết các em chỉ thấy sự khoái trá, vui vẻ từ hành vi đó. Nhiều em còn xem đó như những trò đánh trận giả, là thú tiêu khiển cho vui.
Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa vẫn là do thanh thiếu niên thiếu sân chơi, thiếu nơi vui chơi giải trí để xả “sinh lực thừa”. Chính vì buồn chán nên các em tìm kiếm các hành động kích thích mà không để tâm đến hậu quả. Theo tôi, gia đình và các thiết chế liên quan tới quản lý thanh thiếu niên cần phải tổ chức tốt hơn theo hướng mở rộng các sân chơi để các em có nơi vui chơi giải trí lành mạnh, hướng tới những mục tiêu tốt.
Vậy đó là hành động bồng bột, không phải là bản chất?
- Nói như vậy thì chưa đúng. Đã là hành vi lệch chuẩn, gây nguy hiểm tính mạng cho nhiều người thì cần phải được ngăn chặn. Tuy nhiên, ngăn chặn thế nào để thay đổi được nhận thức của các em chứ không phải chỉ là truyền thông sáo rỗng hoặc xử phạt là xong.
Theo ông đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này?
- Theo tôi, để giáo dục, thay đổi hành vi của nhóm đối tượng này thì các tổ chức đoàn thể và gia đình, trường học, đoàn thanh niên… cần phải có những sân chơi riêng cho thanh, thiếu niên. Tôi thấy, trước đây ở khu vực các tỉnh miền Trung từng có nhiều trẻ vị thành niên ném đá xe ô tô, tàu hỏa. Nhưng sau đó tại đây đã có những sáng kiến tốt trong việc tạo sân chơi. Đó là xây dựng phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, để trẻ em giúp đỡ xây dựng và bảo vệ đường sắt thay vì phá phách. Cùng với việc xây dựng phong trào định hướng, cũng cần nghiêm khắc xử lý với trường hợp trẻ vị thành niên vi phạm. Chỉ khi nhận thấy hậu quả nghiêm trọng, nhận thức được đó là hành vi sai trái các em mới dừng lại. Bên cạch đó, các tổ chức đoàn thể và gia đình cũng cần phải xây dựng sân chơi cả thể chất và trí tuệ để các em xả “sinh lực thừa”. Có vậy thì hiện tượng nghịch dại, hành vi sai trái của các em mới được ngăn chặn một cách triệt để.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thùy Anh/Dân Việt