Khoảng 6 giờ 40 phút ngày 3/4 trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện mưa đá gây thiệt hại lớn về nhà ở và hoa màu của người dân.
|
Mưa đá ở Tuyên Quang quy mô lớn nhất từ trước tới nay. |
Theo người dân địa phương cho biết, mưa đá ở Tuyên Quang chỉ kéo dài hơn 5 phút nhưng với cường độ mạnh, đặc biệt là rất nhiều những viên đá có đường kính trung bình từ 5 – 10 cm, cá biệt tới 15cm đã làm vỡ, thủng, sập nhiều mái nhà lợp fibro xi-măng, các thiết bị như: thùng nước inox, dàn năng lượng mặt trời... đặt ở ngoài bị vỡ hoặc móp méo. Hoa màu cũng bị thiệt hại nặng nề. Rất may không có thiệt hại về người.
Ông Trần Quốc Hiệp, Trưởng trạm thủy văn Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cũng xác nhận, từ 6h45 đến 6h55 sáng 3/4, một trận mưa đá lớn bất ngờ rơi xuống khu vực này. "Trời bỗng nhiên tối sầm, gió giật mạnh kèm theo tiếng rít u u rồi bất ngờ mưa đá ầm ầm rơi xuống", ông Hiệp kể lại.
|
Mưa đá làm nhiều nhà dân ở 10 xã Huyện Chiêm Hóa - Tuyên Quang bị ảnh hưởng nặng nề. |
Ông Hiệp cho hay, trước trận mưa đá thời tiết bình thường, cũng không có cảnh báo đặc biệt nào tại khu vực này. Hơn 30 năm công tác, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến trận mưa đá to đến vậy.
Về nguyên nhân mưa đá ở Tuyên Quang, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang cho biết, ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao suy yếu và biến tính kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao đã gây mưa trên địa bàn toàn tỉnh, riêng vùng núi phía Bắc gồm các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang có mưa rào và giông mạnh. Đặc biệt, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, xảy ra mưa kèm mưa đá, gió mạnh.
|
Mưa đá quy mô lớn làm vỡ mái nhà của người dân ở Tuyên Quang. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có 10 xã bị thiệt hại do mưa đá gây ra bao gồm: Hòa Phú, Phúc Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc, Ngọc Hội, Vinh Quang… trong đó, bị thiệt hại nặng nề nhất là xã Tân Thịnh.
Ông Lê Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa cho biết, tất cả 14 thôn bản của xã bị thiệt hại do mưa đá gây ra. Có hơn 200 nhà dân bị hư hỏng, trong đó hơn 180 nhà dân đã bị hỏng toàn bộ mái, không có khả năng để ở. Hệ thống trường học trên địa bàn với 10 phòng học, nhà chức năng, nhà công vụ giáo viên đều bị hư hỏng, chủ yếu bị thủng, vỡ mái lợp. Nhiều diện tích lúa, ngô và hoa màu bị dập nát…
Hiện, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn huyện Chiêm Hóa và các địa phương đang nhanh chóng thống kê thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả, từng bước giúp nhân dân ổn định đời sống.
|
Nhiều viên đá từ trên trời rơi xuống có đường kính trung bình từ 5 – 10 cm. |
Đối với các gia đình bị thiệt hại không còn khả năng để ở, các gia đình chính sách chính quyền sẽ huy động nhân dân, lực lượng dân quân và các đoàn thể giúp đỡ tấm lợp, phông bạt… ổn định bước đầu. Các hộ còn lại và các trường học bị thiệt hại ít hơn sẽ triển khai theo phương châm “bốn tại chỗ” nhanh chóng ổn định cuộc sống, bảo đảm việc học tập của các em học sinh không bị gián đoạn.
Các hộ còn lại và các trường học bị thiệt hại ít hơn sẽ triển khai theo phương châm “4 tại chỗ” nhanh chóng ổn định cuộc sống, đảm bảo việc học tập của các em học sinh không bị gián đoạn.
UBND huyện Chiêm Hóa cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhanh chóng thống kê đầy đủ thiệt về hoa màu để có phương án hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Thị Thủn, thôn Lăng Luông, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, cho biết toàn bộ mái nhà của gia đình bài lợp bằng tấm fibro ximăng đều thủng, vỡ hết. Chăn màn ướt hết cả. "Hơn 60 tuổi, giờ tôi mới thấy có trận mưa đá khủng khiếp như vậy," bà Thủn nhớ lại.
Theo Vietq