Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tranh cãi nảy lửa xung quanh việc đầu tư xây dựng Văn Miếu 271 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc.
Một số ý kiến đồng thuận cho rằng, việc xây trên nhằm tái hiện lại Văn Miếu phủ Tam Đới, tưởng niệm các danh nhân văn hóa, phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, của người dân Vĩnh Phúc.
Trái ngược với quan điểm trên, nhiều ý kiến lên tiếng phản đối mạnh mẽ công trình văn hóa này dù Văn Miếu đã đang trong quá trình hoàn thiện nhiều hạng mục.
Họ cho rằng, việc xây dựng công trình văn hóa như Văn Miếu mà tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay là một việc làm vô cùng lãng phí và không cần thiết, vì nhiều công trình phục vụ dân sinh khác vẫn đang thiếu vốn.
|
Nhà hậu cung thuộc Văn Miếu 271 tỷ đang được hoàn thiện tại Vĩnh Phúc. |
Hơn nữa, việc khiến người dân bức xúc là, công trình lấy kinh phí từ tiền ngân sách của tỉnh, tức là từ tiền thuế mà người dân đóng góp, mục đích xây dựng cũng vì người dân nhưng tất cả người dân địa phương đều không được tỉnh Vĩnh Phúc lấy ý kiến trước khi thực hiện đề án xây dựng.
Người dân cho rằng, công trình dù mang ý nghĩa để phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo trong nhân dân nhưng điều tối thiểu lẽ ra phải hỏi ý kiến dân.
Có câu,“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng đến nay, người dân địa phương vẫn không hề biết hay hiều hết về khả năng sử dụng của Văn Miếu, cũng như việc công trình sẽ phát huy giá trị gì cho người dân hay chỉ là sự lãng phí.
Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Đình Đầu khi trả lời PV Kiến Thức về việc xây dựng Văn Miếu trên đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy lạ là tại sao lại xây dựng cái tự nhiên như thế? Chuyện xây Văn Miếu trước kia do nhà nước phong kiến quyết định, nay trong thời hiện đại, địa phương lại xây dựng. Theo tôi, các chuyên gia, nhà khoa học về kiến trúc, về văn hóa cổ nên có ý kiến rõ ràng. Bởi không có lý do gì thuyết phục để làm việc này”.
Đồng quan điểm với ông Đẩu, ông Vũ Vinh Phú, nguyên đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng, chuyện xây Văn Miếu là lãng phí nhưng vẫn là chuyện nhỏ so với nhiều chương trình, công trình khác trên toàn đất nước.
Ông Phú đặt câu hỏi: Việc xây Văn Miếu tại Vĩnh Phúc vì sao lại là sự lãng phí của dân? Phải nhìn nhận ở chỗ, tỉnh Vĩnh Phúc xây Văn Miếu to để làm gì? Nếu như vin vào việc xây dựng công trình văn hóa Văn Miếu để thể hiện sự tôn sư trọng đạo của người dân tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, khuyến khích thế hệ trẻ hiếu học hơn nữa, để các cháu phục vụ cho tỉnh và đất nước thì cũng chưa thuyết phục khi không có cái cụ thể để giúp dân nghèo.
Hiện nay, đời sống nhân dân phải chạy theo nhiều thứ tăng vọt trong khi lương của họ thì lại không theo giá. Lẽ ra, số tiền đầu tư đó nên để thực hiện nhiều chương trình phục vụ dân sinh thay vì xây dựng những cái không mang nhiều giá trị.
"Ở tỉnh Vĩnh Phúc để phục vụ nhu cầu dân sinh thì có khối việc phải dùng kinh phí để làm thay vì xây cái Văn Miếu. Ngay cả việc giải thích khi điều kiện kinh tế cho phép thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao ngành văn hóa nghiên cứu và đề xuất để tiến hành xây dựng cũng không thuyết phục. Bởi 100% số vốn được lấy từ ngân sách. Số tiền này do nhân ở địa phương đóng thuế mà có chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Lãng phí của dân là vấn đề phải nhìn nhận nghiêm túc”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.
Tuy nhiên theo ông Vũ Vinh Phú, công trình này được đưa ra bàn luận khi đã gần hoàn thành và nó đã bộc lộ một vấn đề “Ở đâu cũng có hội đồng nhân dân, cũng có chính quyền, cũng có ĐBQH mà việc xây dựng nhiều công trình như Văn Miếu cũng không ai biết, hoặc biết mà không nói, khi sự việc được đưa ra luận bàn thì lại xem như chuyện đã rồi”.
Đúng là tiền của dân thì mấy ai xót?
Hải Ninh