Tỷ lệ ngao chết lên tới 50 - 60%
Liên quan đến việc liên tục từ cuối năm 2015 đến tháng 1/2016, hàng nghìn tấn ngao chết ở Quảng Ninh tại địa phận huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) và hiện tượng ngao chết trở lại từ 4/2016 đến nay đẩy nhiều hộ dân đến nguy cơ vỡ nợ, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có kết luận chính thức.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2015, huyện Hải Hà đã thả nuôi 416 ha diện tích ngao, nghêu tại các xã Quảng Minh (176 ha, 84 hộ nuôi), xã Quảng Điền (40 ha, 30 hộ nuôi), xã Phú Hải (200 ha, chưa thống kê số hộ nuôi) trong đó chỉ có vùng nuôi xã Quảng Minh nằm trong quy hoạch nuôi nhuyễn thể của Huyện.
Tháng 12/2015, đã xảy ra hiện tượng ngao, nghêu nuôi chết tại các xã Quảng Minh, Quảng Điền và Phú Hải. Theo thống kê, đã có 216/416 ha của 90/162 hộ tại 03 xã trên có ngao, nghêu nuôi bị chết trong thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 01/2016. Mức độ thiệt hại từ 20–30 %, cá biệt có hộ đến trên 50% (tổng thiệt hại khoảng 2.000 tấn). Đến hết tháng 01/2016, đã không còn hiện tượng ngao chết trên địa bàn các xã nêu trên. Tuy nhiên, đầu tháng 4/2016, tại xã Quảng Minh có 13/81 hộ nuôi tiếp tục có hiện tượng ngao chết, diện tích khoảng 26 ha, tỷ lệ chết 20-25%, một số hộ tỷ lệ ngao, nghêu chết 50–60%.
|
Ngao chết đẩy người dân đến nguy cơ phá sản, nợ nần. |
Do mật độ nuôi quá dày
Trước tình hình ngao, nghêu nuôi chết ở Hải Hà tháng 12/2015, Sở NN&PTNT đã có Văn bản số 4032/NN&PTNT-TYTS ngày 31/12/2015 V/v xử lý ngao, nghêu chết tại Hải Hà. Ngày 07/4/2016, ngay sau khi phát hiện có hiện tượng ngao chết trở lại tại xã Quảng Minh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành thu, gửi phân tích, xét nghiệm 10 mẫu ngao/nghêu nuôi, kết quả 10/10 mẫu âm tính (-) với ký sinh trùng Perkinsus. Ngày 13/4/2016, Sở Nông nghiệp &PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu NTTS I, Cơ quan Thú y Vùng II (Cục Thú y), Chi cục Thủy sản, phòng NN&PTNT Hải Hà, UBND xã Quảng Minh tiến hành kiểm tra thực địa, thu mẫu phân tích môi trường đất, nước, ngao, nghêu và trực tiếp trao đổi thông tin với người nuôi.
Ngày 21/4/2016, cơ quan Thú y Vùng II, Viện NC NTTS I có báo cáo trả lời kết quả phân tích, xét nghiệm: “Các thông số môi trường nước, trầm tích đều không ảnh hưởng xấu tới ngao nuôi”; “Vi khuẩn và Herpes virus không phải là nguyên nhân chính gây ngao chết hàng loạt tại Quảng Ninh”.
Qua xác minh thực tế và kết quả giám sát dịch bệnh, quan trắc môi trường, các nguyên nhân gây ngao chết được đánh giá, xác định, ngao chết không phải do bệnh ký sinh trùng Perkinsus (P.marinus, P.olseni) thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch ban hành kèm theo Thông tư 38/2012/TT-BNNPTNT ngày 02/8/2012 của Bộ NN&PTNT.
Nguyên nhân chính dẫn đến ngao chết hàng loạt là do mật độ thả nuôi quá dày, trên 500 con/m2 gấp hơn 5 lần khuyến cáo kỹ thuật (khuyến cáo nên thảo 80-90 con/m2 với kích cỡ giống 400-500 con/kg); Không gian sinh sống của ngao bị hạn chế và phải cạnh tranh nguồn thức ăn, thiếu thức ăn, dẫn tới ảnh hưởng tới sức khỏe (ngao sử dụng thức ăn phù du sinh vật tự nhiên, người dân không bổ sung thức ăn cho ngao nuôi). Ngao đã đạt cỡ thương phẩm nhưng chưa thu hoạch (do giá bán quá thấp, người dân không thu), dẫn đến tình trạng ngao chết tự nhiên gây ô nhiễm môi trường cục bộ trong vùng ngao nuôi dẫn đến “lây lan” ngao khỏe bị chết theo.
Thời tiết khắc nghiệt, vượt ngưỡng chịu đựng của ngao cũng là nguyên nhân khiến ngao chết. Cuối năm 2015, đầu năm 2016, Quảng Ninh bị rét hại, với mức nhiệt khu vực ngao nuôi từ 4-6 độ C, thiếu thức ăn, ngao gầy yếu dễ cảm nhiễm với các tác nhân gây bệnh. Các khu vực nuôi xã Quảng Điền, Phú Hải không có điều kiện thuận lợi để nuôi ngao, không nằm trong quy hoạch và đã được khuyến cáo không thả nuôi nhưng người dân vẫn thả giống với mật độ cao (nhiều hộ thả nuôi trên 600 con/m2, cỡ giống 500-1000 con/kg).
Để giảm thiểu thiệt hại, kịp thời hỗ trợ nông dân nuôi ngao, nghêu sớm ổn định, khôi phục sản xuất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra những giải pháp như Khuyến cáo người nuôi ngao thực hiện một số biện pháp tuân thủ kỹ thuật nuôi trồng ngao đã được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt quy trình nuôi ngao bãi triều tại Quyết định số 798/QĐ-NN&PTNT ngày 17/11/2014; Quản lý tốt quy hoạch vùng nuôi, không thả nuôi ngao tại các vùng không có điều kiện thuận lợi nuôi ngao (không quy hoạch nuôi ngao); Thực hiện san thưa mật độ ngao, không thả bù ngao giống trong thời gian ngao còn dấu hiệu tiếp tục chết; Người dân cần sử dụng con giống có nguồn gốc, có kiểm dịch theo quy định. Thu hoạch ngay Ngao đã đạt kích thước thương phẩm.
Đồng thời, UBND huyện Hải Hà chủ động trích kinh phí dự phòng địa phương hỗ trợ người dân khoanh vùng xử lý môi trường vùng ngao bị chết, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến các khu vực nuôi trồng thủy sản khác. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, rà soát đối tượng vay vốn là người dân nuôi Ngao bị chết tại Hải Hà để có hướng dãn nợ, khoanh nợ theo quy định.
Người nuôi ngao phá sản, nợ nần
Trước đó, ghi nhận của PV Kiến Thức ở bãi nuôi ngao xã Quảng Minh (huyện Hải Hà), nhiều diện tích nuôi ngao đã xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt, nổi trắng bãi. Người dân vừa đi thu gom ngao chết vừa nước mắt lưng tròng khi mai này họ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn (thôn 3 xã Quảng Minh) đã bỏ ra 430 triệu đầu tư 3 bãi ngao, trong đó số tiền vay ngân hàng là 250 triệu.
“Chuẩn bị thu hoạch ngao thì ngao lại chết nổi trắng cánh đồng, từ cuối năm 2015 đến nay, ngao liên tục chết nổi lên. Gia đình tôi thế chấp nhà cửa để nuôi ngao. Giờ ngao chết không biết lấy tiền đâu trả ngân hàng theo đúng kỳ hạn. Vừa bị thiệt hại về ngao chết, vừa phải bỏ hàng chục triệu thuê người vớt xác ngao”, ông Đoàn tâm sự.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các hộ nuôi ngao, vạng đỏ ở Quảng Minh đều đang thất thu, nợ nần chồng chất, đầm bãi bỏ không vì hết vốn. Những con đường hình thành từ xác ngao là hình ảnh đau buồn và là nỗi lo lắng của hàng trăm hộ dân nuôi ngao.
PGĐ Sở NN&PTNT Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Công cho biết, khi xảy ra hiện tượng ngao chết, Sở đã cử cán bộ chuyên môn xuống bãi nuôi lấy mẫu kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân. Nguyên nhân nghêu, ngao nuôi chết không phải do bệnh tật mà chủ yếu là do mật độ thả nuôi dày đặc, ngao đã đạt tiêu chuẩn thương phẩm nhưng người dân chưa thu hoạch mà để đó chờ được giá, cộng với thời tiết lạnh, các bãi nuôi đầu nguồn khi mới có hiện tượng ngao chết không được xử lý kịp thời, triệt để, làm ô nhiễm môi trường khiến ngao ở các bãi nuôi khác tiếp tục bị ảnh hưởng dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt…
Hải Ninh