Liên quan đến vụ "bị tù vì làm sứt mép bàn", như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, việc các cơ quan tố tụng TP Phủ Lý (Hà Nam) khởi tố, truy tố, kết án bị cáo Lê Thị Trang về tội cố ý làm hư hỏng tài sản đang làm dư luận chú ý. Bởi lẽ Trang chỉ làm sứt mép mặt bàn đá trong lúc cãi vã nóng giận với bị hại (hiện bị hại dán keo và sử dụng bàn bình thường). Trang đã đền gấp đôi thiệt hại, đã giảng hòa với bị hại nhưng Trang vẫn bị xử lý hình sự và bị phạt đến 12 tháng tù...
Sáng 27/6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Kiều Hưng (Phó Viện trưởng VKSND TP Phủ Lý) vẫn cho rằng việc xử lý hình sự Trang cũng như việc tại phiên xử sơ thẩm, đại diện VKS đề nghị phạt Trang 12-18 tháng tù là “đúng các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn”.
|
Bị cáo Lê Thị Trang kể về vụ án. Ảnh: Đ.TRUNG |
Mời quý độc giả xem video: Choáng với án tù dài nhất thế giới 141.078 năm:
Ông Hưng nói: Đây không phải là vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can là dựa trên căn cứ của pháp luật chứ không phụ thuộc vào việc bồi thường vốn là thỏa thuận dân sự tự nguyện giữa hai bên. Theo kết quả của hội đồng định giá thì thiệt hại là gần 2,9 triệu đồng, trên mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản (2 triệu đồng) nên Trang phải chịu trách nhiệm về hành vi này.
Để làm rõ hơn về mức án 12 tháng tù đối với Trang, chúng tôi đã liên hệ với thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm nhưng vị này từ chối trả lời và đề nghị “có gì liên hệ lại sau vì lãnh đạo đi công tác vài ngày tới mới về”. Chúng tôi tới trụ sở tòa liên hệ làm việc thì được một cán bộ tại đây cho biết tất cả lãnh đạo tòa đều bận đi công tác...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia pháp luật hình sự nhận xét trong vụ này, chỉ cần phía bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Trang thì Trang có thể được hưởng chế định nhân đạo này.
Cụ thể, khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Đây là quy định có lợi cho người thực hiện tội phạm nên được áp dụng từ ngày 1/7//2016 dù BLHS 2015 bị lùi hiệu lực thi hành để chờ Luật sửa đổi, bổ sung (vừa được Quốc hội thông qua - NV).
Ở đây, Trang bị xử lý hình sự theo khoản 1 Điều 143 BLHS hiện hành, có khung hình phạt cao nhất là ba năm tù nên chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng. Trước khi bị khởi tố, Trang và bị hại đã thỏa thuận bồi thường, bắt tay giảng hòa nên nếu bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì Trang có thể được áp dụng điều khoản có lợi nói trên trong BLHS 2015.
Hiện bị cáo Lê Thị Trang đã kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng việc định giá sai về trình tự, thủ tục, đối tượng định giá và mức án 12 tháng tù là quá nặng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án này có diễn tiến mới.
THEO ĐẶNG TRUNG/PLO